Sau buổi cúng dường trọng thể, đức vua thỉnh tất cả tỳ khưu Tăng về chùa an nghỉ, chỉ xin lưu lại mười vị cùng với đại đức Na-tiên dự buổi Pháp đàm.
Đức vua thỉnh đại đức Na-tiên cùng mười vị tỳ khưu ngồi cao phía trên, ngài ngồi bên dưới cùng với quần thần, rồi bạch:
– Thưa, trẫm đã sẵn sàng rồi.
– Tâu, bần tăng cũng đã sẵn sàng rồi, đại vương hãy tùy nghi.
– Thế thì trẫm xin hỏi đây: Sống đời xuất gia có gì là lợi ích? Có gì là cao thượng?
– Tâu đại vương! Người sống đời xuất gia thành tưụ được bốn điều lợi ích:
- Thứ nhất là không còn sầu khổ khi một ngũ uẩn sanh, hay gọi là “khổ sanh”.
- Thứ hai, không còn sầu khổ khi ngũ uẩn héo mòn , tiều tụy, hay gọi là “khổ già”.
- Thứ ba, không còn sầu khổ khi ngũ uẩn đau đớn, nhức nhối, khó chịu, hay gọi là “khổ bệnh”.
- Thứ tư, không còn sầu khổ khi ngũ uẩn tàn hoại, diệt mất, hay gọi là “khổ chết”.
Sự thay đổi, biến hoại, tiêu diệt của ngũ uẩn từ sanh, lão, bệnh, đến tử – người xuất gia hằng suy niệm, hằng quán tưởng nên sẽ thoát khỏi sầu, bi, khổ, ưu, não chi phối – là những lợi ích thù thắng đấy, tâu đại vương!
– Đúng thế! Quả thật là lợi ích to lớn giữa cõi nhân sinh này. Còn có cái gì là cao thượng, thật sự cao thượng của người xuất gia, thưa đại đức?
– Thưa, khi người xuất gia không còn bị sinh lão bệnh tử của ngũ uẩn ma vương ấy chi phối nữa, vị ấy thân chứng một trạng thái quân bình tuyệt hảo, hạnh phúc tuyệt hảo; vượt cao, vượt trên tất cả hạnh phúc của trần thế, siêu việt ý niệm, ngữ ngôn: cái ấy giả danh là Niết bàn; nơi không còn sanh tử, khổ đau và phiền não nữa! Đấy là sự cao thượng trên tất cả mọi sự cao thượng, tâu đại vương!
Đức vua rất hoan hỷ hỏi tiếp:
– Tất cả sa môn đều có nguyện vọng như thế sao?
– Tâu đại vương! Cứu cánh sa môn hạnh thì như thế, nhưng trong hàng Tăng lữ hiện có bảy hạng người xuất gia vì lý do khác nhau:
- Có người xuất gia vì muốn trốn luật vua, phép nước.
- Có người xuất gia là để được thân cận giới quyền quý cao sang.
- Có người xuất gia là mong được quyền hành trong một ngôi chùa hay lãnh đạo Tăng lữ, đồ chúng.
- Có người xuất gia vì thất nghiệp, muốn kiếm miếng cơm manh áo.
- Có người xuất gia vì cô thế, cô thân, trốn kẻ thù nghịch.
- Có người xuất gia vì mang công mắc nợ.
- Có người xuất gia vì sợ sanh tử luân hồi, muốn chấm dứt khổ đau, phiền não.
Thấy đại đức Na-tiên trả lời đâu ra đó rất rõ ràng, minh bạch, lại tự nhiên như hít thở khí trời; ngài phục lắm, thử ướm hỏi:
– Vậy chắc chắn đại đức vì mục đích cao thượng của hạng người thứ bảy mà xuất gia làm sa môn?
Đại đức Na-tiên mỉm cười gật đầu:
– Thưa, không phải thế! Bần tăng rời khỏi gia đình lúc bảy tuổi, còn rất nhỏ thì nào biết gì! Sau dần lớn lên, nhờ Thầy tổ, nhờ các vị trưởng lão dày công giáo hóa, trí óc mới khơi mở được chút ít. Hiện giờ thì có thể nói rằng, bần tăng tu là cốt ý để diệt khổ, đấy không còn là lời nói dối nữa!
Đức vua Mi-lan-đà nghe cách trả lời, cách nói đầy khiêm tốn của đại đức Na-tiên, ngài kính trọng quá, quỳ xuống vập đầu và nói lớn:
– Ôi lành thay! Cao quý thay!
* * *
(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)