8. Hành tướng [*] của chú tâm và trí tuệ cùng sự khác nhau giữa chúng

08/06/2022 618 lượt xem

[*] Lakkhana: có thể dịch là tướng trạng, tính chất v.v…

Đức vua hỏi tiếp:

– Xin đại đức cho biết hành tướng của chú tâm ra sao?

– Thưa, muốn chú tâm phải cần có hai yếu tố: một là phải có một sự cố gắng, một nỗ lực ở bên trong (ussàhalakkh–ana); hai là phải nắm bắt, chụp bắt, bắt dính được đối tượng (gaharalakkhana).

– Thế còn trí tuệ (panna)? Hành tướng của trí tuệ ra sao?

– Ở đây, tâu đại vương, hành tướng của trí tuệ là sự cắt đứt, sự tiêu diệt, sự phá hoại, sự đốn bỏ; như cắt đứt tham, sân, si, tiêu diệt phiền não v.v…

– Đại đức làm thế nào đưa ra một ví dụ thực tiễn, cụ thể về chú tâm (manasikàra) và trí tuệ (panna) để cho trẫm dễ lãnh hội, được chăng?

– Có thể được, tâu đại vương! Đại vương đã từng có khi nào quan sát người nông dân cắt lúa chưa?

– Thưa, trẫm biết rõ lắm.

– Họ làm như thế nào hở đại vương?

– Thưa, thợ cắt bước xuống ruộng, tay trái gom lúa lại, tay phải cầm lưỡi hái rồi cắt!

– Cũng thế, tâu đại vương! Bước xuống ruộng là một nỗ lực, một cố gắng (ussàha); tay trái gom lúa lại là nắm bắt, bắt dính (gahara). Bắt dính gì? Bắt dính tham sân si,tùy miên kiết sử. Còn trí tuệ thì cắt lìa, đọan lìa tất thảy phiền não ấy. Như vậy được gọi là chấm dứt luân hồi, được vô sanh, Niết bàn, tâu đại vương!

Đức vua lại cảm thán thốt lên:

– Hay quá! Chẳng có ví dụ nào mà sống động, dễ nghe, dễ thấy, dễ hiểu đến vậy!

* * *

(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)

×