– Thưa đại đức – có lần trẫm đọc một đoạn kinh nói rằng Đức Thế Tôn thuyết một thời pháp làm cho sáu mươi vị tỳ khưu hộc máu chết hay là họ treo cổ tự vẫn gì đó không rõ! Có phải trẫm nhớ lầm không hở đại đức?
– Có đấy! Bần tăng cũng nhớ là họ hộc máu mà chết khi Đức Thế Tôn thuyết về kinh… “Lửa của ngũ uẩn”!
– Như thế thì đức Thập Lực Tuệ làm hại họ rồi! Ngài hằng đem điều hạnh phúc đến cho chúng sanh, nhưng ở đây, sao ngài lại đem đến điều tai hại, làm cho sáu mươi sanh mạng phải lìa đời?
Đấy là một nghi vấn trọng đại, mong đại đức chỉ giáo cho?
– Tâu đại vương! tất cả sáu mươi vị tỷ kheo ấy vì phạm trọng giới, nhất là những giới bất cộng trụ. Sau khi nghe pháp họ thấy được tội của mình nên ray rứt ăn năn, ruột như bị lửa đốt. Sức nóng như lửa ấy ở bên trong thiêu đốt nên máu trào vọt ra thất khiếu mà chết – thì đâu có phải do Đức Thế Tôn thuyết thời pháp ấy. Họ chết bởi tâm ăn năn, ray rứt của chính họ vậy.
– Đại đức lý luận vậy thật không đủ sức mạnh để thuyết phục trẫm, vì Đức Thế Tôn thuyết pháp đến họ, họ mới hộc máu chết, nếu ngài không thuyết thời pháp ấy, đâu có chuyện gì xảy ra? Sáu mươi vị tỳ khưu chết, nguyên nhân chính là do thời pháp của Đức Thế Tôn! Đại đức không thể biện hộ nữa rồi!
-Như thế là đại vương cương quyết kết tội Đức Đạo sư?
– Đúng như vậy! Đại đức hãy nghe đây. Nếu như có người đàn ông cần dùng đất ổ mối, ông ta lấy cuốc, lấy xẻng vào cái hang lớn. Khi đào lấy đất, mặc dầu người ấy không cố lấp cửa hang, nhưng đất đã sập xuống, bịt chặt miệng hang làm cho những con rắn trú ngụ ở trong ấy ngộp thở mà chết. Thử hỏi đại đức, có phải vì người đàn ông lấy ổ mối là nguyên nhân làm cho những con rắn chết phải chăng?
– Đúng thế, người ta ai cũng có thể kết luận vậy.
– Thì trường hợp của Đức Thập Lực Tuệ nào có khác gì? Ngài dầu không cố ý nhưng chính thời pháp của ngài là nguyên nhân giết hại sáu mươi mạng người, tội ấy không nhỏ đâu.
– Tâu đại vương! Nghe nói thì chí lý lắm, nhưng Đức Đại Giác thuyết pháp đâu phải chỉ riêng cho sáu mươi vị tỳ khưu ấy; ngài thuyết pháp với tâm rộng khắp, bao trùm, hàng ngàn hạng vạn chúng sanh, trời và người, ngài đâu có phân biệt thân và sơ, đâu phân biệt sáu mươi vị tỳ khưu kia giữa hàng ngàn hàng vạn người thính pháp?
– Vẫn không thuyết phục được, đại đức!
– Tâu đại vương! Người nào nghe pháp rồi nghĩ mình đã thực hành tốt, thực hành đúng thì tâm họ sẽ hoan hỷ, thanh tịnh, nhờ vậy mà chứng ngộ đạo quả. Có người nghe pháp rồi thấy mình thực hành sai, hối hận, ruột bị lửa đốt mà đi xuống, xa rời chánh đạo – thì làm sao bắt lỗi được Đức Thế Tôn hở đại vương! Ai làm nấy chịu chứ? Tâm ai sao thì cảnh của họ vậy chứ? Tâm niệm, tư tưởng, ý nghĩ, hành động của mỗi người như thế nào – thì quyết định nghiệp hoặc cảnh thú cho người ấy theo định luật nhân quả không hề sai trật vậy.
– Đại đức có ví dụ cụ thể được điều ấy chăng?
– Vâng, thưa được! Người kia có cây xoài quý, thuê người đến chăm sóc, canh giữ, bảo vệ. Đến khi xoài chín, người kia ra xem, thấy một số trái chín mọng, ngon ngọt trĩu đầy cành; ngoài ra khá nhiều trái rụng xuống đất do sâu đục, chim mổ, dơi cắn. Người chủ cây xoài bắt lỗi người giữ vườn, tại sao không bảo vệ, canh giữ cho chu đáo để đến nỗi xoài rụng nhiều như thế? Đại vương nghĩ thế nào? Lời bắt tội của người chủ cây xoài hữu lý không?
– Thưa không, hữu lý sao được khi xoài xanh tốt không có sâu sia, dơi chim phá thì nó tốt, chín mọng, đẹp. Trái lại thì nó rụng là điều tự nhiên thôi!
– Cũng vậy là thời pháp của Đức Thế Tôn, tâu đại vương! Xoài chín mọng, ngọt… là do bản thân nó hoàn hảo, kiện toàn, trái rơi rụng là do bản thân nó có mầm giống tiêu hoại bởi sâu bệnh. Cũng thời pháp ấy mà có người đi lên, hay chứng ngộ đạo quả là do tâm họ tốt, thực hành tốt. Trái lại, có người đi xuống, rơi xuống là do tâm họ xấu, thực hành sai! Đại vương bắt lỗi Đức Thế Tôn khác nào đại vương bắt lỗi người canh giữ xoài! Cả hai đều không liên hệ gì đến tác ý của Đức Thế Tôn cả!
– Nghe có vẻ hữu ý lắm, thưa đại đức! Và như thế chính tác ý mới quan trọng sao?
– Tâu đại vương! Tác ý mới chính là vấn đề! Tác ý là hướng tâm, khởi tâm đến, điều ấy đại vương hiểu rồi. Khởi tâm của Đức Thế Tôn là quảng đại, bi mẫn, với lòng từ vô lượng, thuyết pháp đến chúng sanh để chúng sanh tự thấy những sai lầm của mình để tu sửa, để hướng thượng, để giải thoát khổ đau. Vậy những khởi tâm với các trạng thái tâm ấy là có tội sao hở đại vương?
– Thế Đức Thế Tôn vô tình mà làm cho sáu mươi vị tỳ khưu kia chết, và vô tình là không có tội phải chăng? Ví như người nông phu làm ruộng, trước khi gieo giống, lấy trâu bò cày sâu đám ruộng của mình. Khi làm vậy, người nông phu chỉ khởi tâm cho đám ruộng được tốt, thu hoạch được nhiều lúa. Nhưng những nhát cày của ông ta đã làm chết bao nhiêu cây cỏ, làm chết bao nhiêu côn trùng! Đấy là vô tình, và vô tình là không có tội sao? Trong nhân quả trùng trùng, trực tiếp và gián tiếp, xét cho kỹ vẫn có tội như thường! Ví như người kia ép mía, khởi tâm để có nước ngon ngọt uống, nhưng máy ép mía của y đã ép chết biết bao nhiêu kiến sâu ở trong. Thế không có tội sao, đại đức? Hoặc nếu đại đức nói Đức Thế Tôn thuyết pháp là chỉ để dành cho những chúng sanh có trí, có căn cơ bậc thượng còn kẻ ngu si hạ liệt thì không cần đến; ví như người thợ đẽo, chỉ lựa lấy những khoảng gỗ cần dùng, cái nào xấu hoặc không cần thì đẽo bỏ đi! Như thế có được chăng, có đúng chăng? Khi Đức Thế Tôn thuyết pháp để người lành thì đi lên, người xấu thì đi xuống, việc làm ấy của Đức Thế Tôn chẳng khác gì người đẽo gỗ kia vậy! Xin đại đức giải nghi vấn nạn ấy cho!
– Quả là lời buộc tội rất hùng hồn, rất đanh thép, tuy nhiên trường hợp Đức Thế Tôn không phải là vô tình như ông nông phu kia, như người ép mía nọ. Cũng không phải như ông đẽo gỗ chỉ lựa thứ gỗ mình dùng được! Đức Thế Tôn ở ngoài và ở trên mọi lượng ước, nghĩ nghì của chúng ta, đại vương hãy từ từ, cố gắng lắng nghe.
– Thưa vâng.
– Đại vương, ví như một trận mưa lớn xuống một vùng dân cư và đồng ruộng, vườn tược; cây lớn thì hứng được nước nhiều, cây con thì hướng nước ít; người trỉa bắp thì vui mừng, người phơi lúa thì khổ sở. Việc xảy ra như vậy thì cây con hứng ít nước và người phơi lúa có trách trận mưa làm ác không hở đại vương?
– Không thể trách được!
– Đức Thế Tôn thuyết pháp đến chúng sanh, hoàn toàn với tâm bình đẳng như trận mưa ấy. Chúng sanh căn cơ bậc thượng như cây lớn thì hứng nước nhiều, như căn cơ bậc hạ, cây con thì hứng nước ít. Có người đắc pháp thì vui mừng như người trỉa bắp, kẻ khổ như người phơi lúa là sáu mươi vị tỳ kheo kia, hộc máu chết, lẽ nào lại trách Đức Thế Tôn và thời thuyết pháp của Đức Thế Tôn cho được, hở đại vương?
Đức vua Mi-lan-đà suy nghĩ một hồi:
– Ví dụ này của đại đức thật là xác đáng, là sít sao với chủ đề vậy. Đúng, thời pháp chính là một trận mưa bình đẳng, là pháp vũ! Đúng, là nói vô tình cũng sai vậy. Xin đại đức cho nghe tiếp.
– Thời pháp ví như mưa thì thời pháp cũng được ví như nắng. Nắng chiếu xuống nhân gian cũng bình đẳng như thế! Cây lớn ngoài khoảng trống thì hứng được nắng nhiều. Những cây nhỏ trong một khu rừng chằng chịt thì cố vươn ra mà đón nhận một vài tia nắng để chuyển hóa nhựa luyện và sức sống…! Cứ suy ra thêm nữa thì nắng đâu có tội tình gì, phải thế không đại vương?
– Vâng, đúng là không có tội!
– Ngoài ra, điều này mới là bất khả tư nghì hơn, tâu đại vương! Đức Thế Tôn có cả thảy tám minh, do vậy, ngài biết rõ, thấy rõ căn, cơ, nhân, quả, nghiệp, duyên, báo… của sáu mươi vị tỷ kheo kia hơn chúng ta chứ?
– Thưa vâng!
– Vậy thì như trường hợp Đề-bà-đạt-đa đọa địa ngục là tốt hơn, thì sáu mươi vị tỷ kheo kia, chết đi như thế không tốt hơn cho họ hay sao? Nếu họ không nghe pháp, họ sống si mê, lầm lạc với tội lỗi của mình, sẽ còn trầm luân khổ đau bao nhiêu kiếp nữa? Còn họ nhờ nghe pháp, tâm tàm quý [*] khởi sanh, họ bắt đầu biết mình tội lỗi nặng nề. Tâm tàm quý ấy quá mạnh làm cho họ hộc máu, đoạn lìa sự sống. Có thể họ sẽ bị trả quả khổ, nhưng chính tâm tàm quí mạnh mẽ kia sẽ là pháp hỗ trợ, nâng đỡ họ trong các kiếp sống sau này. Điều ấy có thể xảy ra không, đại vương?
[*] hổ thẹn tội lỗi và ghê sợ tội lỗi.
– Có thể lắm, đại đức!
– “Có thể”, nghĩa là chúng ta chưa vội quy kết, kết luận cái “không thể”, phải vậy không đại vương?
– Chí lý!
– Thế sao trước đây, đại vương sớm đổ tội cho Đức Thế Tôn và thời thuyết pháp của ngài làm tai hại đến sáu mươi vị tỷ kheo?
Đức vua Mi-lan-đà cúi đầu xuống:
– Vâng, trẫm thấy trẫm còn quá ư nông nổi.
Chưa dừng ngang đó, đại đức Na-tiên còn hùng hồn thuyết giảng thêm:
– Đại vương! chúng sanh có mặt trên đời này, có kẻ đi xuống, kẻ đi lên, kẻ vui, kẻ khổ, kẻ trầm luân, người giải thoát đều do duyên nghiệp, ngu trí quyết định. Ở đây, nhân quả nó làm việc rất bình đẳng, rất phân minh, chẳng thiên vị ai và bỏ quên ai bao giờ!
Đại vương hãy nghĩ xem ! Thuốc độc đâu phải lúc nào cũng làm chết người? Thuốc bổ đâu phải luôn luôn là cứu người? Thuốc trường sanh bất tử đâu phải ai uống vào cũng bất tử – mà đôi khi có kẻ chết sớm vì thuốc trường sanh bất tử ấy! Vật thực nuôi mạng chúng sanh, nhưng vật thực cũng giết chết rất nhiều chúng sanh… Trọng tâm, sợi chỉ đỏ của mấy ví dụ bần tăng nêu ở trên chỉ quy kết về một điều: ngoại cảnh chỉ là duyên, là trợ duyên, thuận duyên hoặc chướng duyên; nó sẽ tác động thuận chiều hay nghịch chiều, lợi hay hại, vui hay khổ, tốt hay xấu… vào bên trong cái nhân, từ trong tâm của chúng sanh; mà cái tâm ấy là nơi tích lũy vô lượng hạt giống từ quá khứ; vậy chúng ta không thể nào quy kết một hiện tượng là xấu hay tốt được, là lợi hay hại được! Phải thế không đại vương?
– Vâng, điều này rất sâu xa, nan tư nghì vậy.
– Đúng thế, căn, cơ, nhân, quả, duyên, báo… của chúng sanh, chúng ta làm sao mà hiểu, mà thấy, mà biết hết được!
– Thưa, chỉ có đấng Toàn Giác!
– Vậy thì sáu mươi vị tỳ khưu kia hộc máu chết, đại vương không còn quy kết Đức Thế Tôn đem đến họa hại cho họ nữa chứ?
– Một trăm lần cái chết như thế vẫn chưa đánh đổi được môt lần tỉnh thức hoặc nghe được một thời pháp chơn chánh, thưa đại đức!
Đại đức Na-tiên chợt hô “sàdhu”, lành thay, rồi vui vẻ nói lớn:
– Cảm ơn đại vương đã hoàn toàn nắm vững vấn đề!
– Trẫm còn cảm ơn đại đức nhiều lần hơn thế nữa!
* * *
(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)