146. Tại sao có lúc Đức Phật xưng mình là bà-la-môn, có khi xưng mình là vua?

12/09/2022 396 lượt xem

– Thưa đại đức! Bà-la-môn là giai cấp tu sĩ ngoại đạo, tôn thờ thần linh, có gia đình hoặc xuất gia, thuộc về giáo phái tà kiến… có phải thế không ạ?

– Tâu, vâng!

– Thế sao Đức Đạo Sư tối thượng của chúng ta, đôi chỗ lại tự xưng mình là bà-la-môn, ví dụ như ngài nói: “Như Lai là một bà-la-môn, cũng đi trì bình khất thực, xin cơm của thí chủ để nuôi mạng…”, điều ấy có đúng chăng? Có cần thiết phải hạ mình như thế chăng?
Ngài không ngại thế gian hiểu lầm chăng?

– Tâu đại vương! Đức Phật tự xưng mình là bà-la-môn, điều ấy có thật, chẳng phải là sự hạ mình, chẳng phải là đề cao một giáo phái ngoại đạo. Đấy là cách nói chuyện thân mật, gần gũi của Đức Phật nhằm hóa độ có hiệu quả mọi tầng lớp trong xã hội.

– Xin đại đức giảng cho nghe.

– Khi nói chuyện với người nông dân, Đức Đạo Sư của chúng ta sẽ nói: “Này người nông phu! Như Lai cũng là một nông dân, Như Lai cũng cày, cũng cuốc, cũng bừa, cũng gieo mạ! Cày bừa ấy là đức tin, tinh tấn, gieo mạ ấy là những hạt giống thiện pháp. v.v…” Khi nói chuyện với một thương gia, Đức Thế Tôn sẽ nói: “Này người thương gia, Như Lai cũng là người đi buôn, Như Lai có tiền bạc, Như Lai duỗi ngựa đường xa, Như Lai mua những món hàng chỗ này chỗ kia! Tiền bạc của Như Lai là tín, là giới; ngựa của Như Lai là tinh tấn v.v…”

Đại vương nghĩ thế nào, với cách nói chuyện như vậy, dẫn đề như vậy, sự thuyết phục, hóa độ cụ thể, có dễ dàng, có tạo thêm sức mạnh hay chăng?

– Chắc chắn thế rồi!

– Lại nữa, tâu đại vương! Trường hợp ngài xưng mình là bà-la-môn còn có tính hóa độ sâu sắc hơn thế!

– Trẫm xin rửa tai để lắng nghe.

– Đại vương nên hiểu rằng, bà-la-môn vào thời Đức Phật tại tiền, đã thoái hóa, đã biến chất, đã suy đồi, đã phản bội lý tưởng ngàn xưa của tiền nhân họ. Kinh sách cổ xưa của bà-la-môn nói về giới hạnh, tu tập, thiền định… là để thực hành con đường nhằm có thể đến cọng trú với phạm thiên. Phạm thiên là cảnh giới cao quý, thanh tịnh, chói sáng; nơi đã thoát ly mọi ô nhiễm, cấu uế của ngũ trần dục giới. Đại phạm thiên, vị vua của cõi trời này có rất nhiều oai lực nên bà-la-môn giáo rất ngưỡng vọng, tôn thờ.

Đại vương nên biết rằng, trong tiếng Phạn, phạm thiên là brahmà, và bà-la-môn là brahamano (brahamana). Vậy một brahmano muốn đuợc gọi là một brahmano thì phải thực hành con đường đi đến cõi brahmà; con đường ấy được gọi là brahmacariya, tức phạm hạnh. Chữ “phạm hạnh” mà Đức Phật thường dùng là để chỉ đến giới hạnh cao thượng của hàng ngũ xuất gia.

Tâu đại vương! Vậy một bà-la-môn chơn chính vốn rất cao quý, cao thượng chứ không phải tầm thường đâu. Đức Phật rõ là muốn hóa độ những người bà-la-môn trở về với ý nghĩa bà-la-môn đích thực của mình, chứ không phải bà-la-môn thoái hóa, nhãn hiệu, thiếu thực chất, xa cội nguồn, sống đời lợi dưỡng, xa hoa trong truyền thống tập cấp của họ.

– Hay lắm! Bây giờ trẫm mới được hiểu. Khi Đức Phật nói: “Như Lai cũng là một bà-lamôn…” tức là muốn nói đến bà-la-môn chơn chính ấy.

– Vâng!

– Xin đại đức cho nghe thêm một số đức tính cao thượng của bà-la-môn!

– Như đại vương đã hiểu, một người bà-la-môn xuất gia chơn chính phải lấy việc khất thực làm phương tiện nuôi mạng, không được nuôi mạng bằng buôn bán, các nghề nghiệp, xem thiên văn, địa lý, bói toán, tử vi, bốc xăm, xem hướng nhà… để lấy tiền của thiên hạ. Khi đi khất thực phải giữ tâm bình đẳng, thanh tịnh trước người giàu, kẻ nghèo, vật thực ít hay nhiều, ngon hay dở. Phải chánh niệm, tỉnh giác, khoan thai; nuôi dưỡng tâm từ, tâm xả v.v… Tâu đại vương, đi khất thực nuôi mạng như vậy có được gọi là cao thượng chăng?

– Rất là cao thượng.

Thứ hai, nếu được gọi là bà-la-môn thì bà-la-môn ấy phải nuôi dưỡng đức tin trong sáng cho mọi người bằng cách sống đời xuất gia phạm hạnh; phải có kiến thức về pháp học để tiêu trừ nạn vấn, nghi nan cho nhiều người. Đức Thế Tôn là bậc thầy trong tam giới, ngài phải phá nghi cho nhân loại, Đế thích, phạm thiên, diêm chúa, dạ xoa, a tu la. v.v…

– Ôi! Cao quý thay!

Thứ ba, bà-la-môn phải sống đời dứt bỏ, xả ly mọi bất tịnh trần cấu dục uế; phải cô đơn một mình như loài tê giác trên lộ trình ấy, chẳng có ai là bạn, chỉ có mình tự giải quyết vấn đề của chính mình. Đức Thế Tôn cũng chỉ đơn độc một mình, dứt bỏ, xả ly mọi bất tịnh trần cấu của cả ba cõi; giải thoát sanh già bệnh chết, tận tuyệt vô minh, phiền não; chiến thắng tất cả ma quân để đến nơi vô sanh bất diệt!

– Trẫm hiểu rồi.

Thứ tư, một bà-la-môn chơn chính luôn luôn nuôi dưỡng thiện pháp, sống và hành theo thiện pháp, còn Đức Thế Tôn thì đã đạt đến nơi toàn thiện.

Thứ năm, một bà-la-môn chơn chính phải thông hiểu Tam phệ đà, giữ gìn truyền thống tốt đẹp lâu đời về giới hạnh, về kỷ luật, về kinh điển, về giáo dục… rồi truyền lại cho thế hệ hậu lai. Đức Thế Tôn cũng y như thế… trong việc dạy dỗ pháp học, pháp hành đến cho tứ chúng; chế định luật giới cho mỗi chúng, không mệt mỏi giáo huấn người, trời, Đế thích, phạm vương, a tu la, dạ xoa v.v…

Thứ sáu, bà-la-môn chuyên tâm về thiền định, Đức Phật cũng chuyên tâm về thiền định. Khi muốn nghỉ ngơi, Đức Phật thường trú định phạm thiên, tịnh cư!

Thứ bảy, bà-la-môn hằng biết rõ sự thực hành để đi đến các cảnh giới cao cả; đâu là cõi nhỏ cảnh giới cao cả, đâu là cõi lớn cảnh giới cao cả. Đức Thế Tôn cũng hằng biết như thế, nhưng lại mênh mông và vô lượng hơn nhiều.

– Trẫm biết rõ.

– Vậy, danh hiệu bà-la-môn ấy chẳng phải do sự tôn xưng của Phật phụ, Phật mẫu, thượng tộc Thích ca vương, đại thần, quân binh, bằng hữu v.v… cũng chẳng phải do sự tôn xưng của chư thiên, long vương, dạ xoa… Đức Đạo Sư là bậc Toàn thắng ma, là bậc Thập lực tuệ, có sức mạnh vô úy, tối thượng, ở trên và ở ngoài ba cõi, thật chẳng có sự tôn xưng nào xứng đáng hoặc xứng danh được. Chí đến mười hồng ân tôn xưng ngài cũng chưa đủ, huống hồ là danh hiệu bà-la-môn, dẫu là cao quý nhưng cũng chỉ thực hành con đường phạm hạnh (brahmacariya) để đi đến cõi phạm thiên, đại phạm thiên – là cảnh giới nhỏ, là học trò của ngài mà thôi vậy.

– Vâng, quả đúng như vậy! Bà-la-môn là danh hiệu khả dĩ để đối thoại, đàm thoại… với chúng bà-la-môn để họ trở về được với phẩm hạnh bà-la-môn chơn chính của mình.

– Đúng thế! Là phương tiện giáo hóa ở một xã hội bà-la-môn giáo thịnh hành.

– Thưa, vâng! Vậy danh hiệu ấy trẫm đã hiểu rồi, nhưng còn danh hiệu vua? Có lần Đức Thế Tôn nói rằng: “Này đại vương, Như Lai cũng là vua, cũng là người nâng đỡ mười vương pháp.” Điều này được hiểu ra sao? Trong mười hồng ân không có, vậy ta phải hiểu cách hiểu bà-la-môn sao?

– Đúng thế! Đại vương là bậc thông tuệ, ngài có thể từ danh hiệu bà-la-môn mà giải thích về danh hiệu vua do Đức Phật tự xưng, về nhân và quả của nó, được chăng?

– Có thể được. Nhưng có chỗ nào không khế hợp hoặc thiếu sót, xin đại đức bổ thuyết cho!

– Đại vương không cần phải tự khiêm!

Đức vua cười cười trong mắt, rồi nói:

– Thưa đại đức! Từ xưa tới nay được làm vua do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có kẻ do cha truyền con nối. Có kẻ do đầu óc, có chí lớn, có tài làm tướng, đánh bại và chinh phục đất đai, lãnh thổ thiên hạ mà xưng làm vua. Có kẻ do có tài, có đức được dân chúng tôn phục, kính mến mà suy cử lên ngôi vua. Có kẻ do soán đoạt, giết cha, giết anh mà chiếm vương vị. Có kẻ do sự bất công xã hội, sự áp bức của giới cầm quyền mà nổi dậy đánh bại kẻ ác mà xưng làm vua v.v… Tuy nhiên, dẫu làm vua kiểu nào, vị vua ấy cũng có các quan tham mưu đưa ra một chính sách để cai trị muôn dân; có một đường lối giáo dục theo kiến thức, quan niệm và chủ trương của vị vua ấy để tuyên dương, quảng bá chế độ của mình đến cho bá tánh. Đức Thế Tôn cũng y như thế, ngài tu tập nhiều đời kiếp, đạt quả vị Chánh Đẳng Giác, làm vua một quốc độ lớn rộng mênh mông, ở ngoài giới hạn của ba cõi; ngài cũng có một chính sách, ấy là kinh luật luận, hằng tuyên dương, quảng bá, giáo dục tất cả chúng sanh trời, người, Đế thích, phạm thiên, long vương, dạ xoa v.v… biết quay về với chánh pháp, sống và hành theo chánh pháp.

Thưa đại đức! điều thứ nhất ấy trẫm vụng về đưa ra, ngài đừng chê cười nhé!

– Chẳng dám đâu, đại vương! Nó rất hay là khác, lỗ tai của bần tăng rất hoan hỷ và mát mẻ.

Rất hùng hồn, đức vua Mi lan đà tiếp:

– Điều thứ hai, đức vua khôn khéo áp dụng vương pháp, tuy cũng là pháp luật nhưng pháp luật này mềm dẻo, thấu tình đạt lý để cai trị muôn dân. Người trong hoàng tộc không thể ỷ y mình là lá ngọc cành vàng để sống đời vinh hoa phù phiếm. Vương pháp sẽ không tha cho họ. Bọn phản nghịch, nổi loạn sẽ có tinh binh uy dũng đánh phạt; tùy theo tội nặng nhẹ mà tử hình, chung thân, phạt tiền, phạt trượng, cảnh cáo hoặc tha bổng. Kẻ trộm cắp, giết người, bất chánh, lừa đảo v.v… đều có chung hình phạt tương tự. Người có công được khen thưởng rất xứng đáng. Người tài hiền được nâng đỡ, đón mời, thỉnh vào triều với chức cao trọng vọng cho bá tánh y chỉ, nương nhờ. Các ngành nghề lao động, thủ công… được khuyến khích, đề cao, hỗ trợ. Kinh thư thánh hiền được dạy dỗ cho muôn dân v.v…

Nói tóm, đức vua tối thượng ấy ngồi dưới chiếc lọng trắng tinh sạch, trang nghiêm, uy vũ – tượng trưng cho quyền lực của vương pháp – luôn thương yêu và chăm lo cho dân, làm cho dân giàu nước mạnh, sống thuận hòa, ấm áp, chứa chan tình người và đạo nghĩa.

Đức Tối thượng sư của chúng ta cũng y như thế và còn hơn thế nữa. Vương pháp tức là chánh pháp. Kẻ trong hoàng tộc chính là thân tộc Thích ca vương, cũng phải được dạy dỗ nghiêm khắc, giúp họ biết bố thí, cúng dường, nghe pháp; cho xuất gia kể cả hoàng tử, thái tử, hoặc ngay cả con ruột của mình. Muôn dân chính là tứ chúng, bá tánh chính là chúng sanh ba cõi. Kẻ sái quấy, thực hành không đúng pháp thì đã có giới luật định tội, trục xuất hoặc khinh trọng tùy theo giới phạm mà răn dạy. Tất cả đều phú túc, phú cường trong một giáo pháp toàn hảo ở chặng đầu, chặng giữa và chặng cuối. Vô lượng kẻ đạt ngộ đạo quả bốn bậc. Vô lượng kẻ giải thoát tử sanh. Vô lượng kẻ thuyết pháp, đầu đà, tinh thông một tạng, hai tạng, ba tạng. Vô lượng kẻ phước báu trời, người. Cõi trời thênh thang mở rộng cho tất cả mọi người một cách đồng đẳng, vô phân biệt. Đức Tối thượng sư ngồi dưới chiếc lọng trắng thanh khiết – tượng trưng cho pháp mầu giải thoát – điều ngự và sách tấn ba cõi, bốn loài đồng đăng giác ngạn.

Nghĩa lý thứ hai ấy, thưa đại đức kính mến, lỗ tai nghe của ngài có nóng nảy, khó chịu không?

– Tâu, nó nổi da gà và rần rần hỷ lạc; như ru võng êm, như tẩm nước mát. Thật là toàn hảo vậy.

– Cảm ơn đại đức!

– Xin đại vương cho nghe thêm điều thứ ba?

– Đức vua được dân chúng tôn trọng, cung kính, thương yêu, ngưỡng mộ, thì Đức Phật cũng được chư thiên và nhân loại cung kính, lễ bái, cúng dường…

– Đúng thế!

– Người tốt, người hiền, kẻ có công thì đức vua ban thưởng chức tước, lộc hàm, phẩm vị, vàng bạc v.v… , việc này đối với Đức Phật cũng y như thế. Trong tứ chúng, người nào có sự tu tập tinh cần, đúng đắn; giữ gìn thân khẩu ý thanh tịnh, nỗ lực xa lìa chấp thủ, tham đắm; Đức Phật sẽ lần lượt ban cho từng quả vị như Tu đà huờn, Tư đà hàm, A na hàm, Ala-hán v.v… Ấy là những phần thưởng cao quý nhất, tối thượng nhất. Bằng không được vậy, mà ai đó chỉ có đức tin, biết giữ giới cấm, biết bố thí, xả ly… thì người ấy, cũng được khen thưởng những phước báu trời, người hạnh phúc, sang cả.

Trái lại, người xấu ác, kẻ phạm luật, phạm pháp bị đức vua xử theo pháp luật quốc gia, thì Đức Phật cũng thế; ngài xử theo giới luật đã được chế định, đồng thời định luật nhân quả còn làm việc một cách công minh, không bao giờ thiên vị.

Ngoài ra, đức vua ban hành mười vương pháp để cho quốc độ được hạnh phúc và trường tồn, thì Đức Phật cũng hằng giáo hóa tứ chúng làm lành, tích trữ điều lành, sống theo chánh pháp để chánh pháp được tồn tại dài lâu trên thế gian này!

Thưa đại đức! Đó là trẫm chỉ nêu đại lược những điểm then chốt, cơ bản;… chứ thật ra còn rất nhiều oai đức, sự ích lợi tại thế và xuất thế, những pháp tương tự giữa đức vua và Đức Phật. Nhưng kiến thức trẫm có hạn, thời gian cũng không cho phép, mong đại đức thông cảm cho.

Đại đức Na tiên tán thán:

– Vậy là đã quá đủ. Vậy là đã quá vi diệu. Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Này tỳ kheo! Thật là vô số, vô số nguyên nhân về bà-la-môn, về vua chúa; cho dẫu có một tỳ kheo thông minh, thông tuệ, có ngôn ngữ lưu loát, kiến thức thâm sâu, diễn đạt nhanh nhạy… nói về điều ấy trong suốt một kiếp cũng không thể nói hết”. Vậy thì đại vương tự khiêm mà làm gì. Chúng ta chỉ cần nghe và hiểu những cái chính mà thôi, có phải thế không ạ?

– Thưa, vâng!

* * *

(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)

×