157. Cái gì không do nhân, nghiệp, thời tiết sanh?

17/09/2022 340 lượt xem

– Thưa Đại đức! Tất cả những gì được sanh ra trong thế gian này đều do nhân, nghiệp hay thời tiết. Đấy là điều mà trẫm được học hỏi. Vậy thì có cái gì được sanh ra mà không do nghiệp, nhân hay thời tiết không?

– Có chứ, tâu đại vương! Hư không và Niết bàn không sanh ra bởi nhân, nghiệp hay thời tiết.

– Cái gì biết thì đại đức nói biết, cái gì không biết thì đại đức nên nói là không biết, chứ đừng nói những điều phản lại lời dạy của Đức Tôn sư!

– Tại sao đại vương nói nặng lời với bần tăng như thế?

– Thưa, vì Đức Toàn Giác dạy rằng: “Đạo này là nhân sẽ làm cho thấu rõ Niết bàn”. Như thế, Niết bàn là có nhân sanh hẳn hòi, còn ngài lại bảo Niết bàn không do nhân sanh!

Đại đức Na tiên nói:

– Nhân làm cho thấu rõ Niết bàn và nhân sanh Niết bàn hoàn toàn khác nhau. Về nhân làm cho thấu rõ Niết bàn thì Đức Thế Tôn từng nói đến hằng trăm nhân, hằng ngàn nhân; nhưng nhân sanh Niết bàn thì Đức Thế Tôn chưa bao giờ thuyết. Xin đại vương hiểu cho như thế!

Đức vua Mi-lan-đà không đồng ý:

– Đại đức lý giải thật lạ lùng. Thế gian này là chỗ mê, tối. Niết bàn là nơi giải thoát, quang minh, xán lạn. Nếu không thể tạo nhân chỗ mê tối để đi đến chỗ sáng thì chúng ta tu hành để làm gì? Chúng ta muốn thoát khỏi chỗ tối này để lại rơi vào chỗ tối khác chăng? Chúng ta muốn lìa khỏi rừng gai rậm bít bùng này để rồi đâm đầu vào rừng gai rậm bít bùng khác sao? Cách của ngài nói như là xác định không thể tạo nhân để đi đến Niết bàn vậy!

Đại đức Na tiên mỉm cười:

– Chính ví dụ của đại vương đã phản bác lý luận của đại vương rồi. Niết bàn nếu được sanh ra bởi nhân và do nhân, chính là chỗ tối mà tìm về chỗ tối, là rừng rậm bít bùng để đi đến rừng rậm bít bùng khác. Tại sao vậy? Tại vì gây nhân thì phải gặt quả. Và thế là dù khổ dù vui, dù phước dù tội… đã gây nhân là chúng ta phải sanh lại để thọ quả ấy; cứ thế, chìm nổi mãi giữa luân hồi sinh tử, vào ra mãi nơi ba cõi sáu đường, không bao giờ thoát khổ được. Nếu ông nội sinh ra cha, cha sinh ra con, con sanh ra cháu, cháu sinh ra chắt v.v… thì cứ sinh mãi cho đến vô cùng tận. Nếu hột mầm sinh ra cây, cây sinh hạt, hạt nảy mầm… thì nhân quả kia muôn đời còn tương tục mãi.

Đại vương nên hiểu rằng, Đạo là con đường, Đạo là Bát chánh đạo, tức là con đường có tám chi. Đức Phật dạy rằng, Đạo là nhân làm cho thấu rõ Niết bàn, lộ trình ấy, sẽ thấy rõ Niết bàn, sẽ giác ngộ Niết bàn ấy ở trong tâm! Chứ không phải Đạo là nhân để sanh quả là Niết bàn. Bát chánh đạo, tự nó, là Bát chánh đạo, tự nó không sanh ra cái gì cả; phải có người thực hành, thực nghiệm, kiên trì tinh tấn lên đường. Bát chánh đạo chỉ là bản đồ, là con đường, quan trọng là phải theo bản đồ ấy để lên đường, tâu đại vương!

– Trẫm đã lãnh hội lờ mờ, chưa rõ lắm, mong đại đức giải thích thêm cho.

– Tâu, vâng! Trước khi ví dụ, đại vương nên hiểu cho: Niết bàn không do nhân sanh, không phải là điều kiện kết hợp. Nó là nơi vắng lặng ái dục và chấp thủ, nơi vượt ngoài lý luận và ngôn ngữ chế định của thế gian, là pháp siêu thế không thể nghĩ bàn.

– Vâng, điều ấy thì trẫm cũng đã có học.

– Bây giờ trở lại ví dụ. Có người muốn đi đến Hy-mã-lạp-sơn mà không biết đường, đại vương đưa cho người ấy một bản đồ rồi chỉ bày cặn kẽ. Người kia nghiên cứu bản đồ ấy rất kỹ: đi như thế nào, đường bộ, qua sông, núi lớn, núi nhỏ, thời gian… như thế nào y đều kể vanh vách. Tuy thế, người ấy không đi, không lên đường… thì có bao giờ người ấy thấy Hy-mã-lạp-sơn không, đại vương?

– Thật không thể.

– Đúng vậy. Có bản đồ trong tay, có Đạo trong tay, nghiên cứu Đạo rất kỹ – những không thể thấy rõ Niết bàn được – vì Đạo ấy không phải là nhân sanh Niết bàn!

– Ồ! Hay lắm!

– Có người khác, cũng thế, nhưng sau khi đại vương trao cho bản đồ, y nghiên cứu rất kỹ rồi với hành lý, vật thực, y lên đường. Sau những ngày vất vả, y lên được Hy-mã-lạp-sơn, thấy rõ Hy-mã-lạp-sơn. Trường hợp ấy có thể nói: con đường là nhân sanh Hy-mã-lạpsơn được chăng, đại vương?

– Dường như không ổn. Con đường chỉ là con đường thôi, như trường hợp thứ nhất ở trên. Trường hợp thứ hai, còn biết bao nhiêu là nhân khác: hành lý, vật thực, sự gian lao vất vả, trải qua ngày đêm v.v… Thiếu tất cả chúng đều không thể đến Hy-mã-lạp-sơn được!

– Thế ra đại vương cũng đồng ý có rất nhiều nhân?

– Vâng! Đại đức nói đúng. Có rất nhiều nhân làm cho thấu rõ Niết bàn nhưng không có nhân sanh Niết bàn.

– Nhưng cọng tất cả nhân ấy có sanh Niết bàn không hở đại vương?

– Chắc được chứ!

– Không, Đại vương lầm rồi. Cọng tất cả nhân ấy lại, chúng ta có thể thấy rõ Hy-mã-lạpsơn, chứ không thể sanh ra Hy-mã-lạp-sơn được, phải thế không?

– Ồ!

– Lại nữa, ví như có người bơi thuyền để sang bờ sông bên kia, người ấy bỏ thuyền lại, lên bờ, thấy rõ bờ kia; chứ đâu phải chiếc thuyền sanh ra bờ kia, phải không đại vương?

– Chắc hẳn thế rồi!

– Đạo là nhân sanh làm cho thấy rõ Niết bàn chứ không phải nhân sanh Niết bàn – đại vương cũng nên hiểu như thế!

– Tâu vâng!

– Niết bàn là vô vi pháp, không có điều kiện, không có nhân sanh, không có tạo tác, đại vương nên hiểu như thế!

– Thế không thể nào ví dụ hay nói năng gì về Niết bàn cả sao, đại đức!

– Tâu, có thể ví dụ, có thể nói năng để gợi ý, mở phơi, khái niệm về Niết bàn chứ không thể ví dụ, nói năng làm cho người ta thấy Niết bàn, đại vương!

– Tại sao lại như thế?

– Tâu, Niết bàn ở ngoài văn tự, ngôn ngữ; nó không thuộc quá khứ, hiện tại hay vị lai. Chúng ta không thể thấy Niết bàn bằng con mắt, nghe Niết bàn bằng lỗ tai, ngửi Niết bàn bằng lỗ mũi, nếm Niết bàn bằng cái lưỡi, sờ Niết bàn bằng cái thân, biết Niết bàn bằng cái ý, đại vương!

– Trời đất! Niết bàn không phải do nhân sanh, không phải tự sanh, ở ngoài ngôn ngữ văn tự, nó không thuộc quá khứ, hiện tại, vị lai; chúng ta không thể biết Niết bàn qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý được! Thế rõ là Niết bàn không có rồi!

– Đại vương khẳng định như thế là không được. Tại sao thế? Ví dụ như đại vương ngồi đây nghiêm cứu rất kỹ con đường đến Hy-mã-lạp-sơn, nhưng đại vương không lên đường, chỉ lý luận về con đường, giảng nói về con đường, lại còn nói rất rõ về Hy-mãlạp-sơn nữa. Việc làm ấy có giúp đại vương thấy rõ Hy-mã-lạp-sơn chăng?

– Không đúng, phải đến tận nơi mới biết được.

– Giả dụ đại vương đến rồi, đã thấy rồi, trở về, đại vương có thể nói cho mọi người nghe để mọi người có thể thấy rõ Hy-mã-lạp-sơn như đại vương đã từng thấy rõ chăng?

– Thưa, chính họ cũng phải đến tận nơi thôi! Nói cách chi cũng không diễn tả hết được.

– Hy-mã-lạp-sơn hiện hữu sờ sờ ra đấy mà phải đến tận nơi mới thấy rõ được, huống hồ Niết bàn là pháp siêu thế, làm sao có thể biết được qua văn tự ngữ ngôn, qua mắt tai mũi lưỡi thân ý được đại vương!

– Tâu, vâng!

– Niết bàn phải được chứng nghiệm bằng tâm, phải trải qua con đường thực hành chân chánh, lìa xa chướng ngại, ràng buộc, giới định kiên trì, thanh tịnh; khi nào không còn nhiễm ô, cấu uế, chấp trước, khi ấy ta sẽ thấy rõ Niết bàn, tâu đại vương!

– Đồng ý thế rồi! Nhưng đại đức đưa ra ví dụ Hy-mã-lạp sơn là không tương hợp rồi. Mặc dù không thấy rõ Hy-mã-lạp sơn nhưng ta cũng có thể nói sơ sơ về dài, ngắn, rộng, hẹp, to nhỏ, cây cối ở Hy-mã-lạp sơn được kia mà!

– Thì ví dụ khác. Là gió. Gió trong thế gian này có lẽ không có, đại vương nhỉ?

– Gió tại sao lại không có được?

– Thế đại vương có thể chỉ rõ cho bần tăng thấy: gió có màu sắc, hình dáng gì, nó to nhỏ, dài ngắn, rộng hẹp ra sao chăng?

– Không thể được!

– Có thể sờ đụng, bắt bằng tay, được chăng?

– Cũng không thể..

– Vậy thì rõ ràng, gió không có rồi!

– Gió có chứ. Đây này, trẫm đang hít thở và cảm giác rõ ràng gió đi vô đi ra nơi buồng phổi, cuống phổi, lỗ mũi của trẫm; nhưng tiếc thay, trẫm không diễn tả cho đại đức hiểu được.

– Cũng thế, tâu đại vương! Niết bàn cần phải được chứng nghiệm ở trong tâm, chẳng thể thấy nó bằng màu sắc hay hình dáng, chẳng thể diễn tả bằng ngôn ngữ hay văn tự được!

– Thế là rõ lắm rồi! Cảm ơn đại đức đã có quá nhiều ví dụ thiện xảo cho trẫm và người đời sau dễ lãnh hội.

* * *

(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)

×