– Bây giờ chúng ta học về con khỉ, tâu đại vương!
– Con khỉ thì tốt đẹp gì mà học! Suốt ngày cứ chạy nhảy leo trèo từ cây này sang cây khác, từ cành này sang cành khác – giống như tâm ý lăng xăng của chúng sanh vậy, có hay hướm gì!
Đại đức Na-tiên gật đầu:
– Vâng, điều ấy thì chúng ta không học. Ta sẽ học ở hai điểm khác.
Một, là nó hằng lựa tìm những cội cây rất to, có rất nhiều cành nhánh vững chắc và xanh tốt, sum suê để làm chỗ ở. Các vị tỳ khưu cũng hằng nên như thế, phải lựa tìm những bậc phạm hạnh có đạo cao đức cả – như là gốc đại thụ vậy – để nhờ nương, làm chỗ ở cho mình. Bậc phạm hạnh có cành nhánh vững chắc và tàng lá sum suê xanh tốt, ấy là đầy đủ: giới đức, có tàm quý, nhiều pháp lành, đa văn, là người giữ gìn pháp, nâng đỡ pháp; có ngôn ngữ từ ái, tự mình tinh tấn và dìu dắt mọi người tinh tấn đi theo con đường phạm hạnh.
Hai, khỉ thường tìm về chỗ ngụ của mình vào lúc hoàng hôn rồi nghỉ qua đêm ở đấy. Các vị tỳ khưu trong hàng ngũ sa môn cũng phải nên làm như thế. Nghĩa là một ngày, lúc hoàng hôn xuống cũng phải biết trở về trú xứ vắng lặng của mình như rừng, nghĩa địa v.v… để nghỉ qua đêm. Khỉ không bao giờ rời bỏ cây ấy lúc ban đêm – thì vị tỳ khưu cũng không bao giờ rời bỏ pháp tu Tứ niệm xứ của mình. Suốt đêm, dù đi, đứng, ngồi, nằm cũng hằng phải chánh niệm, tỉnh giác. Đúng như đại trưởng tử của Đức Thế Tôn đã thuyết: “Vị tỳ khưu nên hoan hỷ, mến thích khu rừng và cội cây của mình. Lúc tọa thiền, lúc đi kinh hành hoặc ngủ nghỉ đều không được rời bỏ pháp hành.”
Đức vua Mi-lan-đà tán thán:
– Những ví dụ ấy rất hay, rất dễ nhớ, thế đại đức có còn những ví dụ như thế nữa chăng?
– Tâu, những ví dụ ấy chẳng phải của bần tăng, mà do Đức Thế Tôn hoặc các vị Thánh A-la-hán nói ra, bàng bạc trong kinh điển. Còn bần tăng chỉ là người nói lại.
– Vậy thì cho trẫm được nghe tiếp.
– Vâng, ngoài những ví dụ trên, phạm hạnh của sa môn còn phải được ví như:
Giây bầu leo;
Hoa sen;
Hạt giống;
Cây sàla xanh tốt;
Thuyền bè;
Ghe mắc đá ngầm;
Cột buồm;
Người cầm lái thuyền;
Người làm công; Biển lớn.
* * *
(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)