Đại đức Na-tiên nói:
– Về chiếc thuyền thì có ba điều, tâu đại vương.
– Vâng, cho trẫm nghe.
– Điều thứ nhất, một chiếc thuyền được gọi là tốt, có thể vượt được biển khơi – thì chiếc thuyền ấy phải được đóng bằng loại gỗ tốt, chắc bền, sắt thép tốt, nhựa tốt… nói chung là mọi vật liệu phụ tùng đều phải hoàn bị. Có được chiếc thuyền như thế mới đưa được người, vật đến nơi an toàn. Một vị tỳ khưu cũng y như thế, chuẩn bị tốt cho mình về hạnh kiểm, giới đức, pháp học, pháp hành, trí tuệ… mới có khả năng tự cứu độ mình, đưa chúng sanh, người, trời vượt thoát khỏi đại dương sinh tử.
– Điều thứ hai, chiếc thuyền ra khơi dĩ nhiên là phải sẵn sàng chịu đựng mọi phong ba bão táp, phải đương đầu các bãi đá ngầm, dòng nước xoáy v.v… Tương tự thế, vị tỳ khưu cũng phải sẵn sàng chịu đựng mọi sóng gió phiền não, những cạm bẫy, những hệ lụy phát sanh từ lợi lộc, danh vọng, lời khen, sự cung kính, lễ bái, tứ sự cúng dường v.v…
Điều thứ ba, ra khơi, chắc hẳn thuyền phải đi qua những vực nước sâu đầy những cá sấu, thuồng luồng, cá mập hung dữ như thế nào cũng không nên sợ hãi, không thể sợ hãi. Cũng vậy, vị tỳ khưu nắm chắc Tứ diệu đế, thấy rõ Tứ diệu đế – đồng thời phải thấy rõ, biết rõ ba luân, mười hai chuyển [*], đồng thời phải huân tập ba la mật khả dĩ vượt qua tất cả các hành (sankhàra) mà không sợ hãi, không thể sợ hãi.
Đấy là tất cả ba chi về chiếc thuyền, tâu đại vương!
– Cảm ơn đại đức.
[*] Có thể gọi là ba sắc thái và mười hai phương thức:
Tuệ tri: Khổ: Đấy là khổ, phải được thấy, đã thấy. Tuệ diệt: Tập: Đây là nguyên nhân khổ, phải được tận diệt, đã tận diệt. Tuệ chứng: Diệt: Đây là diệt khổ, phải được chứng ngộ, đã chứng ngộ. Tuệ hành: Đạo: Đây là Đạo diệt khổ, phải được thực hành, đã thực hành tốt.
* * *
(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)