197. Về biển cả

24/12/2022 291 lượt xem

– Tâu đại vương! Biển cả có năm đặc tính, năm điều cần phải ghi nhớ, chắc đại vương đã hiểu rõ, không cần phải giải bày, phải chăng?

– À, có thể trẫm đã hiểu rồi. Năm điều của biển cả là:

Đẩy những xác chết bất tịnh lên bơ;

Biển chứa trong lòng nó những loại ngọc quý báu;

Nơi cư trú của nhiều loại động vật, thực vật; Luôn luôn đầy nước;

Không bao giờ tràn bờ.

Có phải thế không, đại đức?

– Phải rồi, nhưng đại vương liên hệ, tương quan năm điều ấy với phẩm hạnh sa môn như thế nào?

– Thưa, vâng. Năm điều trên tương quan với năm điểm của sa môn như sau:

Thứ nhất, tâm của một tỳ khưu luôn đẩy những tham lam, sân hận, si mê, ngã chấp, bạc nghĩa, quên ơn, bỏn xẻn, ganh tỵ, điệu bộ, khoe khoang, kiêu ngạo, nói dối, trược hạnh… ra bên ngoài. Tâm ấy luôn luôn bảo vệ sự thanh khiết cho mình.

Thứ hai, tâm của vị sa môn hằng cất giữ những pháp quý báu như thiền định, quán minh, thần thông, đạo quả v.v..

Thứ ba, tâm của vị sa môn là nơi cư trú của những thiện pháp như: tri túc, thiểu dục, tàm quý, nhẫn nại, tinh tấn, đức tin, từ, bi, hỷ, xả v.v…

Thứ tư, tâm của vị sa môn luôn đầy đủ học giới, dù bị đe dọa sanh mạng cũng không để cho học giới của mình bị khiếm khuyết.

Thứ năm, tâm của vị sa môn không bao giờ tự mãn rằng kiến thức, hiểu biết của mình đã đầy, đã đủ, nên vẫn chăm chuyên nghe chú giải, học Pàli, kinh, bổn sanh, vi diệu tạng v.v…

Năm điều ấy của sa môn khả dĩ so sánh với năm tính chất của biển, phải vậy không, đại đức?

– Tâu, vâng, chính xác lắm.

Đức vua Mi lan đà lại hỏi tiếp:

– Đại đức còn nhiều ví dụ về sa môn hạnh lắm phải không?

– Vâng, còn, rất nhiều.

– Đại đức có thể liệt kê tiêu đề cho nghe được chăng?

– Được. Vậy đại vương hãy nghe. Sa môn hạnh còn có thể được ví với những điều sau đây:

Năm điều của quả đất;

Năm điều của nước;

Năm điều của lửa;

Bốn điều của gió;

Năm điều của núi;

Năm điều của hư không;

Năm điều của mặt trăng;

Sáu điều của mặt trời;

Ba điều của trời Đế thích;

Bốn điều của vua Chuyển luân;

Một điều của con mối;

Hai điều của mèo;

Một điều của chuột;

Một điều của bò cạp;

Một điều của chồn;

Hai điều của chó rừng;

Ba điều của bò;

Hai điều của heo;

Năm điều của voi;

Bảy điều của sư tử;

Ba điều của vịt nước;

Hai điều của chim Venàhikà;

Một điều của chim sẻ;

Hai điều của chim cu;

Một điều của con rít;

Hai điều của con dơi;

Một điều của con đĩa;

Ba điều của con rắn;

Một điều của con trăn;

Một điều của nhện giăng lưới;

Một điều của trẻ ngậm vú mẹ;

Một điều của rùa vàng;

Năm điều của rừng già;

Ba điều của cây đại thọ;
Năm điều của mưa;

Ba điều của ngọc ma ni;

Bốn điều của người săn thú;

Hai điều của người câu cá;

Hai điều của người thợ bào;

Một điều của người thợ gốm;

Hai điều của con quạ;

Ba điều của cái dù;

Ba điều của ruộng;

Hai điều của thuốc trị rắn độc ;

Ba điều của vật thực;

Bốn điều của người bắn cung v.v…

Nghe đến ngang đây, đức vua Mi lan đà nói:

– Vậy là quá nhiều rồi, thưa đại đức. Có thể trong số ví dụ ấy, trẫm đã được nghe vài lần rồi; nhưng mà vì lợi ích cho phần đông, đại đức bi mẫn nói lại, lặp lại cũng không sao. Trẫm sẵn lòng rửa tay để lắng nghe.

– Tâu, vâng!

* * *

(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)

×