29 Pháp Quán theo Luận Vãng sanh

05/03/2024 83 lượt xem

Luận Vãng Sanh Tịnh Ðộ do Ngài Bồ Tát Thế Thân trước tác.

Nó lại còn có tên là “Vô Lượng Thọ kinh Ưu-bà-đề-xá Nguyện Sanh Kệ”. Nội dung bộ kinh ấy chia chúng sanh thế gian thanh tịnh và khí thế gian thanh tịnh của thế giới Cực Lạc làm ba loại:

  • Loại công đức thành tựu của Phật có 8 thứ.
  • Loại công đức thành tựu của Bồ Tát có 4 thứ.
  • Loại công đức thành tựu của Quốc độ có 17 thứ.

Sở dĩ chia ra như vậy là cốt để dạy hành giả biết phân biệt quán sát cho tinh tường từng loại một. Vì thế nên đó cũng là những phép quán tưởng. So với 16 phép quán tưởng trong Quán kinh, phương pháp hai bên có sự bất đồng, chẳng qua là ở đây đặt nặng về phần nhận thức mà nhẹ về phần suy gẫm đó thôi. Nếu hành giả biết nương vào đây mà quán tưởng thì cũng sẽ gợi được một ấn tượng tốt về thế giới Cực Lạc và do đó có thể tán trợ cho sự vãng sanh rất nhiều.

Thuộc Chúng Sanh Thế Gian Thanh Tịnh

a) Tám thứ công đức thành tựu của Phật:

1. Chỗ ngồi trang nghiêm.

Kệ dạy:

“Vô lượng đại Bửu vương,
Vi diệu tịnh hoa đài”.

Nghĩa là: Đức Phật là đấng Vô Lượng Ðại Bửu Vương, Ngài ngồi trên đài hoa thanh tịnh vi diệu.

2. Thân trang nghiêm.

Kệ dạy:

“Tướng hảo quang nhất tầm,
Sắc tượng siêu quần sanh”.

Nghĩa là: Tướng tốt của Ngài chiếu sáng một tầm, hình dung xinh đẹp hơn tất cả chúng sanh.

Vì không thể quán được thân tướng và ánh sáng của đức A Di Đà, nên chỉ căn cứ vào quan niệm của chúng sanh ở cõi nầy mà quán tưởng tướng tốt và ánh sáng một tầm từ thân đức Thích Ca chiếu ra làm tiêu chuẩn. Đức Phật có hào quang và tướng tốt như thế nên siêu việt hơn quần sanh.

3. Miệng trang nghiêm.

Kệ dạy:

“Như Lai vi diệu âm,
Phạm hưởng văn thập phương”.

Nghĩa là: Ngôn ngữ và âm thanh của Phật rất nhiệm mầu như tiếng nói của Phạm thiên, âm hưởng nghe khắp cả mười phương.

4. Tâm trang nghiêm.

Kệ dạy:

“Đồng địa thủy hỏa phong,
Hư không vô phân biệt”.

Nghĩa là: Tâm Phật bình đẳng như thể tánh của địa, thủy, hỏa, phong và hư không.

Phật dùng tâm bình đẳng độ khắp chúng sanh, không có lòng phân biệt. So với vật khí thế gian, tánh chất bình đẳng vốn đồng, không luận tinh thô tốt xấu, đất đều chở hết, nước đều cuốn hết, lửa đều đốt hết, gió đều thổi hết, hư không đều dung nạp hết.

5. Chúng trang nghiêm.

Kệ dạy:

“Thiên nhơn bất động chúng,
Thanh tịnh trí hải sanh”.

Nghĩa là: Hết thảy chúng thiên, nhơn bất động; đều nhờ trí tuệ lớn thanh tịnh mà được vãng sanh Cực Lạc.

6. Thượng thủ trang nghiêm.

Kệ dạy:

“Như Tu Di sơn vương,
Thắng diệu vô quá giả”.

Nghĩa là: Như Tu Di là ngôi núi Chúa, thù thắng đẹp đẽ không ai hơn.

Các bậc Bồ Tát bất thoái Ðại Thừa làm thượng thủ có công đức đồ sộ như núi Tu Di, không ai hơn nổi.

7. Chủ trang nghiêm.

Kệ dạy:

“Thiên nhơn trượng phu chúng,
Cung kính nhiễu chiêm ngưỡng”.

Nghĩa là: Trên hàng thượng thủ, Đức Phật là đấng Giáo Chủ được chúng thiên nhơn trượng phu cung kính đoanh vây chiêm ngưỡng.

8. Trú trì trang nghiêm.

Kệ dạy:

“Quán Phật bổn nguyện lực,
Ngộ vô không quá giả,
Năng linh tốc mãn túc,
Công đức đại bửu hải”.

Nghĩa là: Sanh về Cực Lạc được gặp đức Phật A Di Đà thật không uổng công phu, vì nhờ bổn nguyện lực của Ngài, chúng sanh mau được đầy đủ công đức lớn như đại hải.

b. Bốn thứ công đức thành tựu của Bồ Tát:

1. Trú thanh tịnh.

Kệ dạy:

“An lạc quốc thanh tịnh,
Thường chuyển vô cấu luân,
Hóa Phật Bồ Tát nhựt,
Như Tu Di trú trì”.

Nghĩa là: Bồ Tát an trú nơi cõi Cực Lạc thanh tịnh, mà vẫn thường du hành khắp nơi để nói pháp thanh tịnh, giáo hóa chúng sanh xa lìa các ô nhiễm phiền não. Trong khi du hành giáo hóa, tuy hóa hiện thân Phật và thân Bồ Tát rất nhiều, nhưng báo thân vẫn an trú bất động và vẫn vững chắc như núi Tu Di.

2. Niệm thanh tịnh.

Kệ dạy:

“Vô cấu trang nghiêm quang,
Nhứt niệm cập nhứt thời,
Phổ chiếu chư Phật hội,
Lợi ích chư quần sanh”.

Nghĩa là: Bồ Tát có đại trí huệ thanh tịnh trang nghiêm. Trí ấy có công năng trong một niệm hay trong suốt một thời gian, soi khắp quốc độ của chư Phật và làm lợi ích cho hết thảy chúng sanh, diệt trừ các khổ não.

3. Cúng dường thanh tịnh.

Kệ dạy:

“Vũ thiên nhạc hoa y,
Diệu hương đẳng cúng dường,
Tán Phật chư công đức,
Vô hữu phân biệt tâm”.

Nghĩa là: Bồ Tát thường rưới xuống các vật báu trang nghiêm như: thiên nhạc, thiên hoa, thiên y và diệu hương để cúng dường Phật và tán thán công đức của Phật mà không hề có tâm phân biệt năng sở.

4) Hóa độ thanh tịnh.

Kệ dạy:

“Hà đẳng thế giới vô
Phật pháp công đức bảo,
Ngã giai nguyện vãng sanh,
Thị Phật pháp như Phật”.

Ngĩa là: Bồ Tát thường dùng huệ nhãn quan sát xem thế giới nào không có Phật Bảo và Pháp Bảo thì nguyện vãng sanh về thế giới ấy để giảng dạy Phật pháp, như đức Phật không khác.

Thuộc Khí Thế Gian Thanh Tịnh Mười bảy loại công dức thành tựu của Quốc độ.

1. Thanh tịnh công đức thành tựu.

Kệ dạy:

“Quán bỉ thế giới tướng,
Thắng quá tam giới đạo”

Nghĩa là: Quốc độ Cực Lạcdo thiện căn vô lậu thanh tịnh xuất thế gian tạo thành; quốc độ ấy hơn hết các quốc độ khác trong ba cõi sáu đường.

2. Vô lượng công đức thành tựu.

Kệ dạy:

“Cứu cánh như hư không,
Quảng đại vô biên tế.”

Nghĩa là: Quốc độ Cực Lạc mênh mông như hư không, không biết đâu là giới hạn; dù cho tất cả chúng sanh trong mười phương đều vãng sanh hết về bên ấy, quốc độ ấy vẫn còn đủ chỗ chứa rộng rãi.

3. Tánh công đức thành tựu.

Kệ dạy:

“Chánh đạo đại từ bi,
Xuất thế thiện căn sanh”.

Nghĩa là: Quốc độ Cực Lạc là kết quả vô lậu thanh tịnh do công đức tu hành Bát Chánh Ðạo của hàng tam thừa Thanh Văn và hạnh Đại Từ Bi của hàng Ðại Thừa Bồ Tát mà sanh khởi hiển hiện.

Tánh ở đây, tức là chủng tử, cũng tức là nhân tánh. Tánh công đức thành tựu tức là nói chủng tử thiện căn huân tập, cấu tạo thành thế giới Cực Lạc.

4. Hình tướng công đức thành tựu.

Kệ dạy:

“Tịnh quang minh mãn túc,
Như kính, nhật, nguyệt luân”.

Nghĩa là: Tất cả hình sắc trong quốc độ Cực Lạc thảy đều sáng chói vắng lặng chiếu khắp mười phương, trong suốt như gương, rực rỡ như ánh sáng mặt trăng mặt trời.

5. Chủng chủng công đức thành tựu.

Kệ dạy:

“Bị chư trân bảo tánh,
Cụ túc diệu trang nghiêm”.

Nghĩa là: Mọi sự vật đều có đủ tánh chất trân bảo, đầy đủ vẻ trang nghiêm đẹp đẽ, bất khả tư nghị.

6. Diệu sắc công đức trang nghiêm.

Kệ dạy:

“Vô cấu quang diệm xí,
Minh tịnh diệu thế gian”.

Nghĩa là: Bao nhiêu hình sắc của Quốc độ Cực Lạc đều tinh khiết, quang minh rực rỡ không vướng bụi nhơ; chói sáng rạng ngời tất cả thế gian bất khả tư nghị.

7. Xúc công đức trang nghiêm.

Kệ dạy:

“Bảo tánh công đức thảo,
Nhu nhuyễn tả hữu triền.
Xúc sanh thù thắng lạc,
Quá ca chiên lân đà”.

Nghĩa là: Cỏ công đức do chủng tử thanh tịnh sanh ra, mịn màng như gấm trải; đụng đến cỏ ấy cũng đều có cảm giác êm dịu thích thản lạ lùng, hơn xa thứ cỏ Ca-chiên-lân-đà là một thứ cỏ rất mịn ở Ấn độ.

8. Trang nghiêm công đức thành tựu có ba loại:

a/ Nước trang nghiêm.

Kệ dạy:

“Bảo hoa thiên vạn chủng, Di phú trừ lưu tuyền.
Vi phong động hoa diệp,
Giao thác quang loạn chuyển”.

Nghĩa là: Hoa báu ngàn muôn thứ, che phủ các suối hồ, gió dịu rung cành hoa, lung linh mặt nước động!

b/ Đất trang nghiêm.

Kệ dạy:

“Cung điện chư lâu các,
Quán thập phương vô ngại.
Tạp thọ dị quang sắc,
Bảo lan biến vi nhiễu”.

Nghĩa là: Từ cung điện lầu gác trông ra, thấy suốt được mười phương không chướng ngại; hào quang màu sắc tân kỳ xuyên qua các hàng cây, lan can báu đoanh vây bốn phía cung điện.

c/ Hư không trang nghiêm.

Kệ dạy:

“Vô lượng bảo giao lạc, La võng biến hư không.
Chủng chủng linh phát hưởng,
Tuyên dương diệu pháp âm”.

Nghĩa là: Vô lượng châu ngọc xen nhau kết thành lưới, bao phủ khắp hư không; các thứ linh rung động tạo thành những âm hưởng tuyên dương các phép mầu.

9. Mưa trang nghiêm.

Kệ dạy:

“Vũ hoa y trang nghiêm,
Vô lượng hương phổ huân”.

Nghĩa là: Tại quốc độ Cực Lạc có những trận mưa hoa, mưa y phục, mưa đồ trang sức và vô lượng hương báu xông khắp quốc độ.

10. Quang minh công đức thành tựu.

Kệ dạy:

“Phật huệ minh tịnh nhựt,
Trừ thế si ám minh”.

Nghĩa là: Hào quang trí huệ của Phật chiếu tan màn ngu si của chúng sanh như ánh sáng mặt trời soi tan màn tối tăm của thế gian.

11. Âm thanh công đức thành tựu.

Kệ dạy:

“Phạm thanh ngữ thâm viễn,
Vi diệu văn thập phương”

Nghĩa là: Ở quốc độ Cực Lạc, âm thanh của Phật, Bồ Tát và chúng Thanh Văn cho đến âm thanh của gió và nước v.v… mỗi mỗi đều thâm diệu như tiếng Phạm thiên và vọng ra xa đến tận mười phương, khiến tất cả thính chúng đều nghe thấy được.

12. Chủ công đức thành tựu.

Kệ dạy:

“Chánh Giác A Di Đà,
Pháp vương thiện trú trì”.

Nghĩa là: Đức Phật A Di Đà làm chủ thế giới Cực Lạc, Ngài là vị Pháp vương khéo chủ trì thế giới ấy.

13. Quyến thuộc công đức thành tựu.

Kệ dạy:

“Như lai tịnh hóa chúng,
Chánh Giác hoa hóa sanh”.

Nghĩa là: Nhân dân ở thế giới Cực Lạc đều là quyến thuộc thanh tịnh của Phật và đều do hoa sen chánh giác mà hóa sanh.

14. Thọ dụng công đức thành tựu.

Kệ dạy:

“Thọ lạc pháp trung vị,
Thiền tam muội vi thực”.

Nghĩa là: Chúng sanh ở thế giới Cực Lạc hưởng thọ hương vị của chánh pháp và thiền tam muội làm thức ăn.

16. Vô chư nạn công đức thành tựu.

Kệ dạy:

“Vĩnh ly thân tâm não,
Thọ lạc thường vô gián”.

Nghĩa là: Vĩnh viễn xa lìa các sự khổ não của thân như thiếu thốn cơm áo vật dụng, lại cũng vĩnh viễn xa lìa các sự khổ não của tâm như tham sân si v.v…; cho nên chúng sanh ở quốc độ Cực Lạc thường hưởng thọ sự vui thích, không lúc nào gián đoạn.

16. Đại thừa thâm lý công đức thành tựu.

Kệ dạy:

“Đại thừa thiện căn giới,
Đẳng vô cố hiềm danh.
Nữ nhơn cập căn khuyết,
Nhị thừa chủng bất sanh.”

Nghĩa là: Quốc độ Cực Lạc là cảnh giới của những kẻ có thiện căn Ðại Thừa, nhứt loạt bình đẳng; không có hàng nhị thừa, phụ nữ và những kẻ lục căn khiếm khuyết, vì vậy ở đấy tuyệt đối không có cái gì đáng chê trách, mà cũng không có danh từ chê trách.

17. Hy cầu công đức thành tựu.

Kệ dạy:

“Chúng sanh sở nguyện lạc,
Nhất thiết năng mãn túc.”

Nghĩa là: Những nguyện vọng gì của chúng sanh, một khi sanh về đó thì đều được thỏa mãn.

Trên đây là 29 thứ công đức trang nghiêm thành tựu của thế giới Cực Lạc mà luận Vãng sanh đã trình bày. Hành giả trong khi tu hành phép trì danh niệm Phật, nên chiếu ý nghĩa từng loại một mà quán tưởng để huân tập thêm tịnh nghiệp và giúp cho phương pháp niệm Phật mau thành tựu, khiến cho kết quả vãng sanh càng thêm chắc chắn.

(Trích: Chương VI: Pháp Quán Tưởng – Pháp Môn Tịnh Độ)
Hòa Thượng: Thích Trí Thủ

×