48 Lời Nguyện của Đức Phật A Di Đà

09/02/2024 355 lượt xem

Như trong một đoạn trước đã nói, Đức Phật A Di Đà, trong thời gian làm thầy Tỳ-kheo, lấy pháp danh là Pháp Tạng. Pháp Tạng Tỳ-kheo, sau khi đã được nghe giảng về quốc độ thanh tịnh của chư Phật, liền đến quỳ trước Đức Phật Thế Tự Tại Vương, phát 48 lời đại nguyện cứu độ chúng sanh. Bốn mươi tám đại nguyện ấy có ghi chép trong kinh Quán Vô Lượng Thọ. Tinh thần các lời thệ nguyện thật là bao la bát ngát. Ở đây chỉ riêng trích những lời có liên hệ mật thiết với sự tu hành của chúng ta, hầu giúp chúng ta có sự quan cảm và sách lệ trên bước đường tu tập. Một khi chúng ta đã rõ được phần nào ân đức rộng rãi bao la của Phật, chúng ta há lại không nỗ lực tinh tấn để khỏi phụ lòng từ bi vô hạn của Phật ư?

Nguyện thứ nhất. Trong nước không có ba đường ác đạo

Nguyện rằng: “Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác nếu khi tôi thành Phật mà trong quốc độ còn có ba ác đạo: địa ngục, ngạ quỷ, bàng sanh”.

Nguyện thứ hai. Người trong nước khi thọ chung không còn đọa ba ác đạo.

Nguyện rằng: “Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật mà thiên nhơn trong quốc độ sau khi thọ chung còn đọa lạc ba ác đạo.”

Nguyện thứ 3. Người trong nước đều toàn sắc vàng.

Nguyện rằng: “Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật mà thiên nhơn trong quốc độ không được sắc vàng như chơn kim”.

Nguyện thứ 4 . Người trong nước đều có hình tướng xinh đẹp giống nhau.

Nguyện rằng: “Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật mà thiên nhơn trong quốc độ còn có hình tướng kẻ đẹp người xấu không đồng”.

Nguyện thứ 5 . Người trong nước đều được túc mạng thông.

Nguyện rằng: “Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật mà dân trong quốc độ không chứng được túc mạng thông, không biết suốt trăm ngàn muôn ức kiếp về trước”.

Nguyện thứ 6 . Người trong nước đều được thiên nhãn thông.

Nguyện rằng: “Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật mà dân trong quốc độ không chứng được thiên nhãn thông, không thấy suốt trăm ngàn muôn ức quốc độ chư Phật trong mười phương”.

Nguyện thứ 7. Người trong nước đều được thiên nhĩ thông.

Nguyện rằng: “Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật mà thiên nhơn trong quốc độ không chứng được thiên nhĩ thông, không nghe suốt trăm ngàn muôn ức lời thuyết pháp của chư Phật trong mười phương và không thọ trì được tất cả lời thuyết pháp ấy”.

Nguyện thứ 8. Người trong nước đều được tha tâm thông.

Nguyện rằng: “Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật mà thiên nhơn trong quốc độ không chứng được tha tâm thông, không hiểu suốt tâm trí của kẻ khác cùng là tâm niệm của chúng sanh trong trăm ngàn muôn ức quốc độ của chư Phật”.

Nguyện thứ 9. Người trong nước đều được thần túc thông.

Nguyện rằng: “Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu tôi thành Phật mà nhân dân trong quốc độ không chứng được thần túc thông, không bay khắp trăm ngàn muôn ức thế giới chư Phật trong khoảng một niệm”.

Nguyện thứ 15. Người trong nước thọ mạng vô lượng và đều tự tại trong sự sống chết.

Nguyện rằng: “Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu tôi thành Phật mà nhân dân trong quốc độ không được sống lâu vô lượng và không được sống chết tự tại tùy theo bản nguyện riêng”.

Nguyện thứ 18. Chúng sanh trong mười phương chỉ tu phép thập niệm cũng được vãng sanh.

Nguyện rằng: “Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật, có chúng sanh trong mười phương một lòng tin tưởng tôi, hằng ngày niệm được 10 lần tên hiệu tôi để cầu vãng sanh Cực Lạc mà đến khi lâm chung chẳng đặng như nguyện”.

Nguyện thứ 19. Chúng sanh trong mười phương phát nguyện vãng sanh Cực Lạc đều được tiếp đón.

Nguyện rằng: “Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật, có chúng sanh trong mười phương phát tâm Bồ Ðề, tu hành các công đức, cầu được vãng sanh Cực Lạc mà đến khi họ lâm chung, tôi và đại chúng Bồ Tát không phóng quang hiển hiện ra trước mắt để tiếp dẫn họ về nước Cực Lạc”.

Nguyện thứ 20. Chúng sanh trong mười phương hồi hướng công đức đều được vãng sanh Tịnh Ðộ.

Nguyện rằng: “Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật, chúng sanh trong mười phương, nghe đến danh hiệu tôi, tưởng nghĩ đến quốc độ tôi, làm các việc công đức để hồi hướng nguyện vãng sanh về nước Cực Lạc mà không được như nguyện”.

Nguyện thứ 21. Người trong nước đều có đủ 32 tướng tốt.

Nguyện rằng: “Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật mà nhân dân trong quốc độ không có đủ 32 tướng tốt của trượng phu”.

Nguyện thứ 27. Vạn vật trong nước đều trang nghiêm, thanh tịnh, sáng suốt, đẹp đẽ vô lượng vô biên.

Nguyện rằng: “Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật mà tất cả vạn vật trong quốc độ, thân tướng không trang nghiêm thanh tịnh, không sáng suốt đẹp đẽ và hình sắc không thù thắng đặc biệt, không tinh vi huyền diệu. Giá có chúng sanh dù đã chứng được thiên nhãn đi nữa, vẫn không thể biện biệt hết số lượng của vạn vật trang nghiêm ấy”.

Nguyện thứ 31. Quốc độ thanh tịnh chiếu khắp các thế giới.

Nguyện rằng: “Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật mà quốc độ không thanh tịnh, không soi suốt mười phương vô lượng vô số bất khả tư nghị thế giới chư Phật như gương sáng trông suốt mọi vật”.

Nguyện thứ 32. Tạp bảo cung điện ngào ngạt hương xông.

Nguyện rằng: “Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật mà cung điện, lầu gác, cây hoa, cũng như tất cả vạn vật trong quốc độ không ngào ngạt trăm ngàn hương thơm do vô lượng tạp bảo chung cộng hợp thành, xông ngát từ mặt đất đến hư không. Hương thơm ấy phải kỳ diệu hơn tất cả hương trời, tỏa khắp mười phương thế giới và sẽ khiến Bồ Tát ngửi thấy đều dõng mãnh tu theo hạnh Phật”.

Nguyện thứ 34. Chúng sanh trong mười phương nghe được danh tự Phật đều chứng được vô sanh pháp nhẫn.

Nguyện rằng: “Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật, mà các loại chúng sanh trong mười phương vô lượng bất khả tư nghị thế giới của chư Phật nghe đến danh tự tôi, mà không chứng được vô sanh pháp nhẫn của Bồ Tát cùng các phép tổng trì thâm diệu”.

Nguyện thứ 35. Nữ chuyển thành Nam.

Nguyện rằng: “Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật, có những người nữ trong mười phương vô lượng bất khả tư nghị thế giới chư Phật chán ghét thân phụ nữ nghe đến hiệu tôi, phát tâm Bồ Ðề hoan hỷ tin tưởng, cầu bỏ thân phụ nữ mà đến lúc thọ chung vẫn không bỏ được thân phụ nữ”.

Nguyện thứ 38. Y phục của nhân dân tùy niệm liền hiện, khỏi cần phải cắt, may, giặt, nhuộm.

Nguyện rằng: “Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật mà nhân dân còn có người cần phải cắt, may, giặt, nhuộm mới có áo quần, chứ không được tùy niệm liền hiện như lời Phật tán thán: Diệu phục đúng pháp, tự nhiên đắp lên trên mình”.

Nguyện thứ 39. Người trong nước an lạc như hàng Lậu Tận.

Nguyện rằng: “Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác, nếu khi tôi thành Phật mà nhân dân trong quốc độ không hưởng thọ an lạc như các hàng Lậu Tận Tỳ-kheo”.

Hai mươi mốt lời nguyện trọng yếu trong 48 đại nguyện lược trích trên đây quan hệ mật thiết vô cùng với chúng ta. Hai mươi bảy lời nguyện còn lại chỉ riêng liên quan đến các hàng đại Bồ Tát, nên đối với chúng ta chưa phải là nhu cầu cần thiết. Vì vậy nên ở đây miễn nói đến.

Ai muốn biết tường tận xin hãy xem trong kinh Vô Lượng Thọ.

Trong mỗi lời nguyện đều có câu “Thề quyết không thủ ngôi Chánh Giác”. Xin lưu ý rằng đó là một điều quan trọng. Không thủ ngôi Chánh Giác tức là từ chối quả vị Phật, không chịu làm Phật để riêng an hưởng thường, lạc, ngã, tịnh một mình, trong khi chúng sanh trong quốc độ còn đau khổ. Lời nguyện vừa hợp tình, vừa xứng lý, vừa quảng đại bao la, thể hiện hoàn toàn cả một trời đại từ đại bi thăm thẳm, khó thể nghĩ bàn.

Trong kinh “Phật Thuyết A Di Đà”, đức Thích Ca dạy rằng: Ðức A Di Đà thành Phật đã mười kiếp rồi và 48 lời đại nguyện của Ngài đều đã được thực hiện hoàn toàn viên mãn. Nếu không như thế, Ngài quyết không chịu thành Phật.

Đọc lại các lời đại nguyện của đức Phật A Di Đà trên đây, ngay trong hàng tín đồ rất có thể có kẻ móng tâm bán tín bán nghi. Mà bán tín bán nghi là lẽ thường tình, vì chính ngay đức Phật Thích Ca cũng đã tiên đoán như vậy khi Ngài dạy rằng đây là một “nan tín chi pháp”, khó thể nghĩ nghị. Nhưng chúng ta hãy xét rằng người quân tử ở thế gian còn không bao giờ dám nói sai lời, huống hồ là đức Phật, đấng đầy đủ phước đức trí huệ, muôn hạnh vẹn toàn. Ngài há lại không thủ tín. Có thâm tín mới quyết nghị và chỉ khi nào quyết nghị được, thì muôn hạnh muôn đức mới do đó mà phát sanh ra. Kinh dạy: “Nghi tắc hoa bất khai” nghĩa là hễ còn ngờ vực thì hoa không nở. Dù công hạnh nhiều đến đâu mà lòng thâm tín chưa kiên cố thiết tha thì rất khó có kết quả.

Ta cũng nên lưu ý thêm rằng các đại nguyện trên đây đều thuộc trách nhiệm riêng của Phật. Duy có ba điều 18, 19 và 20 thì cả đôi bên. Đức Phật và người tu cùng liên đới chịu trách nhiệm. Đại nguyện thứ 18 nói rằng người tu hành dù chỉ đều đều xưng danh hiệu Ngài mười lần mỗi ngày (tu phép thập niệm), cũng được vãng sanh. Nếu không được vãng sanh, ấy là trách nhiệm của Ngài; nhưng nếu ta không chí tâm tin tưởng và không giữ được phép thập niệm đều đặn mỗi ngày thì đó là lỗi của ta. Hai đại nguyện 19 và 20 kế tiếp liền đó cũng bao hàm cái ý liên đới trách nhiệm như thế cả.

Nếu chúng ta nhứt tâm tin tưởng, dõng mãnh thực hành ba sự kiện: niệm danh hiệu, nguyện vãng sanh và hồi hướng tất cả công đức để cầu sanh Tịnh Ðộ, tức là chúng ta đã làm xong nhiệm vụ. Việc đáng làm, cần làm, chúng ta đã làm. Kỳ dư bao nhiêu điều khác hoàn toàn do trách nhiệm của đức Phật A Di Đà tất cả.

Nói tóm lại, pháp môn Niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Ðộ đặt căn cứ trên hai yếu tố cơ bản: đức từ bi quảng đại của chư Phật và lòng ưa mến thiết tha của chúng sanh, trên dưới giao cảm nhau, nương tựa nhau mà có khai hoa kết trái. Khi sự giao cảm tương duyên đã thắm thiết đậm đà đến mức không còn ranh giới của giao cảm nữa tức nhiên trong nhân tướng, quả thể đã hiện bày một cách cụ thể. Đến lúc ấy, nhân cũng tức là quả, mà quả cũng tức là nhân. Hiện tiền, kết quả đã có thể chứng nghiệm được, lo gì lúc lâm chung không vãng sanh lạc quốc! Sự quan trọng chỉ cốt ở chỗ đức tin có vững không. Lòng tin đã thắm thiết chưa và sự thật hành có thường xuyên và xứng đáng không? Tất cả ách yếu của vấn đề là tại chỗ đó mà thôi.

Hơn nữa, pháp môn Niệm Phật còn hàm súc một đạo lý rất vi diệu thậm thâm và còn có nhiều tác dụng bất khả tư nghị, chứ không đơn giản như người thường hay lầm tưởng. Chính đức Thích Ca đã ca ngợi rằng đây là một pháp có diệu dụng bất khả tư nghị nhất.

(Trích: Chương II: Phạm Vi Cõi Cực Lạc – Pháp Môn Tịnh Độ)
Hòa Thượng: Thích Trí Thủ

×