So Sánh Ba Pháp: Thật Tướng Niệm Phật, Quán Tưởng Niệm Phật, và Trì Danh Niệm Phật

28/02/2024 669 lượt xem

Nói Niệm Phật không phải chỉ niệm nơi miệng mà thôi. Theo nghĩa đen, Niệm nghĩa là “nhớ nghĩ”. Cho nên khi tâm ta nhớ nghĩ đến Phật tức là niệm Phật. Vì vậy phương pháp Niệm Phật gồm có ba loại:

  1. Trì danh niệm Phật tức là chuyên trì tụng danh hiệu Phật nơi miệng.
  2. Thật tướng niệm Phật tức là thâm nhập nghĩa lý chơn thật của Phật dạy (Ðệ Nhất Nghĩa Ðế).
  3. Quán tưởng niệm Phật tức là quán tưởng cảnh giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà.

Thật tướng niệm Phật cũng tức là quán tưởng thật tướng của Phật. Kết quả sở đắc của phương pháp nầy là Chơn Như tam muội, cũng gọi là Nhất Hạnh tam muội. Tam muội nghĩa là chánh định, chỉ cho cảnh giới đạt được trong định khi sự tu tập đã thành tựu. pháp môn nầy vốn thuộc về Thiền tông, nhưng cảnh giới hiển hiện sau khi công hạnh tu thiền thành tựu chính là cảnh giới Tịnh Ðộ, nên cũng nhiếp vào pháp môn Tịnh Ðộ. Với pháp môn nầy, nếu không phải là bậc căn khí tối thượng thì không thể ngộ nhập, cho nên những hàng trung, hạ trí không thể tu tập được. Trong pháp môn Tịnh Ðộ vì thế ít khi đề cập đến phương pháp nầy, mà riêng nhường cho Thiền tông đề xướng.

Quán tưởng niệm Phật là một phương pháp y theo kinh quán Vô Lượng thọ mà thiết lập. Phương pháp nầy chia cảnh giới y báo và chánh báo trang nghiêm ở quốc độ Cực Lạc của đức Phật A Di Đà thành 16 phép quán qua 16 giai đoạn. Khi quán hạnh đã thuần thục, sức quán đã mạnh mẽ thời mở mắt nhắm mắt đều thấy cảnh giới Cực Lạc. Trong hiện tại có thể chuyển biến thế giới Sa-bà thành thế giới Cực Lạc. Không cần phải đợi tới lúc lâm chung sanh về Cực Lạc mới hưởng thọ cảnh giới ấy mà ngay trong hiện tại đã hưởng thọ rồi. Công hiệu của phương pháp quán tưởng niệm Phật thật là lớn lao, không thể tả xiết.

Chánh định tam muội chứng đượcdo tu theo phương pháp nầy nên có tên riêng là “Ban-châu tam muội” hay “Phật Lập tam muội”. Phương pháp quán hạnh nầy quá vi tế huyền diệu và có 5 điều khó thành tựu:

  1. Căn cơ ám độn, khó thành tựu.
  2. Tâm thô tháo, khó thành tựu.
  3. Thiếu phương tiện thiện xảo, khó thành tựu.
  4. Nhận thức không sâu, khó thành tựu.
  5. Tinh lực bất cập, khó thành tựu.

Nếu có 5 điều kiện nghịch lại 5 điều kiện trên là: căn cơ thông lợi, tâm niệm tế nhuyễn, phương tiện thiện xảo, nhận thức sâu sắc, gây được ấn tượng mạnh mẽ, tinh thần cương kiện thì kết quả được xem như đã nắm chắc ở trong tay. Nhưng có đủ điều kiện như thế, thật là vạn người chưa được một.

Vì thế, phương pháp nầy cũng ít phổ cập trong quần chúng.

Phương pháp trì danh niệm Phật, so với hai phương pháp trên thì thật là dễ dàng hơn bội phần. Bất luận là trung hay hạ trí, hễ có phát tâm chuyên niệm danh hiệu Phật, không ai là không làm được. Niệm niệm tích lũy lâu ngày cho đến khi được “nhất tâm bất loạn” thì liền chứng tam muội. Tam muội nầy có tên riêng là “Niệm Phật tam muội”. Trải qua hơn 2.000 năm, các bậc Đại Ðức nối tiếp nhau đề xướng và thật hành phương pháp nầy, đã thâu hoạch được nhiều kết quả… Hiện tại, phương pháp nầy thâm nhập nhân gian, phổ cập khắp quần chúng và không ai là không biết niệm sáu tiếng “Nam mô A Di Đà Phật”. Lý do thâm nhập và phổ biến của phương pháp nầy là hễ có tu là có thành, rất thích hợp với mọi căn cơ, bất cứ kẻ trí người ngu đều thâu nhiếp được một cách dễ dàng. Số người nhờ phương pháp nầy mà được độ thoát, so với các tông phái khác, chiếm đến bảy, tám mươi phần trăm.

Cứ xác thật mà nói thì đạo lý của pháp môn nầy hàm chứa tinh hoa của các pháp môn khác một cách sâu xa rộng rãi. Không những so với các pháp môn khác, nó đã không kém thua, mà trái lại, tinh hoa của các pháp môn khác đều thu trọn vào trong một pháp môn nầy. Nó có đủ khí độ rộng rãi tập hợp sự đại thành của các tông phái khác. Vì vậy, nếu bàn đến hiệu quả, bàn đến học lý, bàn đến khó dễ, không một tông phái nào so sánh kịp!

Có người vì không nhận thức rõ ràng chân giá trị của phương pháp trì danh niệm Phật nầy và vì thấy nó quá dễ dàng ai cũng thật hành được nên liền vội cho là một pháp môn dành cho hàng ngu phu thất phụ, chứ người thức giả thì không cần để ý đến. Họ đâu có ngờ rằng người nói như vậy mới chính là người ngu, vì chính ngay họ chưa nhận thức được phần nào nguyên lý hàm chứa trong pháp môn nầy. Giả sử người ấy có một nhận thức thấu đáo và chân chính, tưởng e rằng không những tự họ, họ sẽ triệt để khâm phục sùng bái, mà dù cho gặp phải hoàn cảnh khó khăn buộc họ có phải bỏ mình đi nữa, họ cũng không thể quên được niệm Phật!

(Trích: Chương VI: Trì Danh Niệm Phật  – Pháp Môn Tịnh Độ)
Hòa Thượng: Thích Trí Thủ

×