Các loại Tịnh Độ Khác

05/02/2024 358 lượt xem

Tịnh Ðộ hay uế độ tuy hình như thuộc ngoại cảnh, nhưng sự thật đều do nhất tâm biến hiện. Chư Phật khi lấy diệu dụng của tịnh thức biến hiện ra tịnh độ, vì tác dụng có sai khác nên danh nghĩa tịnh độ cũng tùy đó mà có sai khác.

Căn cứ vào Tây Phương Hiệp Luận đã chép thì tịnh độ có 10 loại không đồng nhau.

1. Tỳ Lô Giá Na Tịnh Độ

Tỳ Lô Giá Na tức là Pháp Thân của chư Phật, Tàu dịch là Biến Nhất Thiết Xứ (nghĩa là cùng khắp nơi chốn). Cõi Tịnh Ðộ nầy bất luận ở đâu cũng hóa hiện được, vì ở đâu cũng có vô lượng hóa Phật. Đây cũng tức là báo độ của chư Phật.

2. Duy Tâm Tịnh Độ

Loại Tịnh Ðộ nầy tùy tâm biến hiện. Tâm uế thì quốc độ uế, tâm tịnh thì quốc độ tịnh. Như trong kinh Duy Ma Cật dạy: “Trực tâm là Tịnh Ðộ của Bồ Tát; khi Bồ Tát thành Phật những chúng sanh trung trực đều vãng sanh về cõi ấy… Nếu Bồ Tát muốn được quả Tịnh Ðộ phải tịnh lòng mình; tùy lòng mình tịnh thì cõi Phật tịnh”.

Đó là nghĩa của Duy Tâm Tịnh Ðộ.

3. Hằng Chơn Tịnh Độ

Hằng chơn tịnh độ tức như cảnh giới mà đức Phật đã thị hiện trên hội Linh Sơn để hướng dẫn hàng tam thừa quyền giáo Bồ Tát, cho họ biết rằng ở cõi nầy tuy ô uế nhưng cũng chính đó là cõi thanh tịnh vậy. Trong kinh chép rằng trên hội Linh Sơn, các đệ tử hỏi Phật vì sao cảnh giới của Ngài hiện đương sống lúc bây giờ (núi Linh Thứu) lại cũng ô uế bất tịnh, thế thì nhơn địa tu hành của Ngài cũng bất tịnh chăng? Phật liền lấy ngón chân ấn xuống đất, cảnh uế độ liền biến thành trang nghiêm thanh tịnh.

Như vậy cảnh hằng chơn Tịnh Ðộ nầy là một cảnh hằng thường, nhưng biến hiện tùy theo nghiệp nhơn của chúng sanh mà thấy có tịnh hay có ô uế.

4. Biến Hiện Tịnh Độ

Biến hiện Tịnh Ðộ là do sức gia cảm của Phật mà có biến hiện. Như trong kinh Bát Nhã nói đức Phật dùng thần lực biến thế giới nầy thành một thế giới như ngọc lưu ly có bảy báu trang nghiêm và hoa sen rải khắp mặt đất. Cảnh giới ấy tức là cảnh giới mà đức Phật tạm thời biến hiện để cho chúng ta thấy rằng bản lai diện mục của uế độ tức cũng là Tịnh Ðộ vậy.

5. Ký Báo Tịnh Độ

Luận Khởi Tín chép rằng: “Khi Bồ Tát hoàn mãn công đức, sanh lên cung trời Sắc Cứu Cánh thì hiện ra thân tướng rất cao lớn. Trước khi bổ xứ kế vị thành Phật, Bồ Tát tạm ký thác báo thân ở đó một thời gian, nên gọi cung trời ấy là “Ký Báo Tịnh Độ”, như cung trời Đâu Suất của đức Bồ Tát Di Lặc hiện an trú trước khi sẽ bổ xứ thành Phật.

6. Phân Thân Tịnh Độ

Theo kinh Niết Bàn, Phật bảo Ương Quật rằng: “Ngươi không biết rằng ta đã an trú trong thực tại vô sanh. Nếu ngươi không tin, cứ qua Đông phương hỏi đức Phật ở đấy tên gì thì sẽ nghe Ngài tự giới thiệu: “Thích Ca là ta”!

Không có gì đáng ngạc nhiên cả, vì nên biết rằng Pháp Thân của Phật đã an trú trong thực tại vô sanh thì đức Phật ở Đông phương hay ở cùng khắp mười phương đều cũng chỉ là phân thân của một đức Phật mà thôi vậy.

7. Y Tha Tịnh Độ

Kinh Phạm Võng: “Nay ta là Lô Xá Na ngồi trên đài sen gồm có ngàn hoa. Trên ngàn hoa ấy lại thị hiện ngàn thân Thích Ca. Mỗi hoa lại biến thành trăm ức cõi Phật và trong mỗi cõi lại hiện ra một Thích Ca”.

Các cõi được thị hiện như vậy gọi là Báo Thân Tha Thọ Dụng (hiện báo thân cho người khác thọ dụng) mà chỉ có Đăng Ðịa Bồ Tát mới trông thấy. (Đăng địa nghĩa là đã lên từ nhứt địa tới thập địa).

8. Thập Phương Tịnh Độ

Thập phương Tịnh Ðộ là các cõi Tịnh Ðộ trong mười phương. Như ở Đông phương thì có các cõi Tịnh Ðộ của đức Phật A Súc, đức Phật Dược Sư, đức Phật Tu Di Đăng Vương… Nam phương có cõi Tịnh Ðộ của đức Phật Nhật

Nguyệt Đăng… Thượng phương có cõi Tịnh Ðộ của đức Phật Hương Tích v.v…

Mỗi đức Phật đều an trú tại một cõi Tịnh Ðộ thanh tịnh trang nghiêm không còn trần cấu.

9. Nhất Tâm Tịnh Độ

Loại Tịnh Ðộ nầy nương nơi tâm mà biến hiện và tùy theo công năng tu chứng cao thấp nên có phân ra bốn bực không đồng:

a. Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh Độ

Đây là quốc độ của hàng nhị thừa và nhơn thiên. Nhị thừa là Thánh; nhơn thiên là phàm. Thánh phàm cùng ở chung nên gọi là Phàm Thánh đồng cư, lại vì tính chất tịnh uế không đồng mà có chia làm hai thứ. Như cõi Sa-bà là đồng cư uế độ; cõi Cực Lạc là đồng cư Tịnh Ðộ.

b. Phương Tiện Hữu Dư Tịnh Độ

Đây là cảnh giới an trú của hàng tiểu thừa. Hàng tiểu thừa nhờ đoạn được phiền não của kiến hoặc và tư hoặc nên thoát ra khỏi tam giới. Kiến hoặc là sự mê lầm về kiến thức, tư hoặc là sự mê lầm về tư tưởng. Trên con đường tu chứng, đoạn trừ kiến hoặc và tư hoặc chỉ là mới đạt được phương tiện chứ chưa đạt được cứu cánh. Còn cần phải tiến lên nữa và phải đoạn hai thứ mê lầm là trần sa hoặc (mê lầm nhỏ như cát bụi) và vô minh hoặc (mê lầm căn bản) mới thật gọi là chứng quả. Trần sa hoặc là sự mê lầm nhỏ nhặt như vi trần; vô minh hoặc là sự mê lầm cỗi gốc do căn bản vô minh gây nên. Đoạn kiến hoặc và tư hoặc chỉ là mới đạt được phương tiện, nên hành giả còn phải tu tiến thêm nữa; vì vậy gọi là phương tiện hữu dư. Hữu dư nghĩa là còn sót chưa rốt ráo.

c. Thật Báo Vô Chướng Ngại Tịnh Độ

Đây là cảnh giới an trú của các vị Đại Bồ Tát. Các vị Đại Bồ Tát nương theo phương pháp chân thật mà tu hành, cảm được quả báo thù thắng chân thật; sắc giới (vật chất) cũng như tâm giới (tinh thần) không còn gây chướng ngại đối với Bồ Tát nên gọi là Thật Báo Vô Chướng Ngại. Cảnh giới của các vị Bồ Tát đã tu chứng.

d. Thường Tịch quang Tịnh Ðộ

Đây cũng tức là cảnh giới đại Niết bàn của chư Phật an trú. Thể tánh của cảnh giới nầy thường vắng lặng mà vẫn thường quang minh, do trí huệ của Phật hằng thường tỏa chiếu cùng khắp. Vì thế nên gọi là Thường Tịch Quang độ. Thường Tịch nghĩa là thường vắng lặng, Thường Quang nghĩa là thường soi sáng.

10. Bất Khả Tư Nghị Tịnh Độ

Bất Khả Tư Nghị Tịnh Ðộ tức là cảnh giới Cực Lạc của đức Phật A Di Đà để thâu nhiếp, tiếp nhận chúng sanh trong mười phương. Sức thâu nhiếp ấy không thể nghĩ bàn, vì ngoài sức tư tưởng và luận bàn của chúng sanh.

Đây là chỉ đứng về nghĩa thù thắng của cảnh giới Cực Lạc mà nói, chứ sự thật thì tất cả các cõi Tịnh Ðộ trong mười phương đều có công năng thâu nhiếp tiếp nhận và đều có tác dụng bất khả tư nghị như thế.

Tóm lại, 10 cảnh Tịnh Ðộ trên nầy tuy có sai khác về danh từ, nhưng cùng đồng nhất tâm biến hiện, vì cõi Tịnh Ðộ nào cũng đều lấy sự tiếp nhận chúng sanh bất khả tư nghị làm căn bản, cho nên nói một cõi tức gồm đủ cả bốn cõi: Đồng Cư, Phương Tiện, Thật Báo và Tịch Quang. Sự lập danh sai khác chẳng qua là tùy theo mỗi phương tiện mà thôi.

Ở đây chỉ riêng chú trọng về cõi Tịnh Ðộ Cực Lạc của đức Phật A Di Đà, vì cõi ấy rất có quan hệ mật thiết với chúng ta, như đức Thích Ca đã dạy.

Vì vậy, cõi Cực Lạc Tịnh Ðộ là mục tiêu chính để cho chúng ta tập trung tất cả lực lượng tư tưởng vào đó. Nếu thật chứng được một cõi Tịnh Ðộ ấy thì bao nhiêu cõi Tịnh Ðộ khác cũng đều chứng được.

(Trích: Chương I: Ý Nghĩa Tịnh Độ – Pháp Môn Tịnh Độ)
Hòa Thượng: Thích Trí Thủ

×