Trì Danh Và Quán Tưởng

03/03/2024 164 lượt xem

Trong pháp môn Tịnh Ðộ, quán tưởng cũng là một pháp trọng yếu như pháp trì danh. Những ai vì ngắn hơi, không theo được pháp trì danh mà chỉ chuyên tu pháp quán tưởng, kết quả vãng sanh hai đàng vẫn như nhau.

Kinh Quán Vô Lượng Thọ dạy có 16 pháp quán, trình bày rất chí lý rõ ràng. Luận Vãng Sanh của Ngài Vô Trước lại chia thành 29 phép quán. Công năng tán trợ vãng sanh của các pháp quán, như trên đã nói, không khác công năng của pháp trì danh. Có khác chăng là một đàng dễ theo, một đàng khó theo, như sẽ nói rõ sau đây:

Với pháp quán tưởng, cảnh quán thường rất rộng rãi và tế nhị nên khó hành trì. Hơn nữa, vì chưa từng trải qua cảnh đó nên ấn tượng dễ trở nên mông lung. Cảnh chỉ hoàn toàn căn cứ vào ức tưởng nên khó tránh khỏi sai sự thật. Những sự khó khăn trên lại càng tăng thêm lên nữa, đối với chúng sanh trong thời mạt pháp nầy. Quả vậy, nghiệp chướng nặng nề, trí huệ cạn cợt, tâm tư tạp loạn, hoàn cảnh nhiễu nhương; với những điều kiện như thế, tư lự thật khó tập trung vào một cảnh chuyên nhất trong quán pháp. Vì các lý do như trên, nên pháp quán tưởng khó áp dụng hơn pháp trì danh. Nếu chỉ chuyên tu quán tưởng mà không tu các pháp khác, sợ ít hy vọng thành công, vì vậy mà người tu Tịnh Ðộ hiện thời ít kẻ thực hành quán tưởng; phần đông chuyên theo pháp trì danh mà thôi.

Tuy nhiên, nếu gác ngoài sự thực hành khó khăn, pháp quán tưởng còn có một tác dụng rất lớn lao ở trong pháp môn Tịnh Ðộ. Nó có hiệu lực phát huy công năng phục diệt chủng tử ô nhiễm và đồng thời đề khởi chủng tử thanh tịnh ở trong tâm thức chúng ta, khiến cho các chủng tử ấy mau thành thục để hiện hành mạnh mẽ. Khi hiện hành mạnh mẽ tức là kiến tánh thành Phật vậy. Nếu lập chí vững bền, quán tâm mạnh mẽ tinh tấn, thì lại có thể chuyển biến thế giới Sa-bà thành thế giới Cực Lạc được. Pháp quán tưởng có công năng lớn lao như vậy, thế mà chỉ có một số ít người thực hành được, quả thật đáng tiếc!

Nay xin đề nghị một biện pháp để dễ thích nghi với mọi hoàn cảnh, mọi năng lực là lấy pháp trì danh làm nòng cốt tu hành, đồng thời lấy pháp quán tưởng làm trợ duyên giúp thêm sức. Đã có trì danh làm căn bản thì cho dù quán tưởng có thành công hay không, công phu tu tập cũng không vì thế mà mất. Trái lại, nếu bên quán tưởng cũng đồng thời thành công thì kết quả hai bên hợp lại thật là vô cùng rực rỡ. Trong trường hợp không thành công, ít nhất nó cũng đóng được vai trò tăng thượng duyên cho pháp trì danh. Do đó, ta có thể kết luận một cách quả quyết và minh bạch rằng:

  1. Nếu chỉ chuyên tu quán tưởng mà không kiêm tu các pháp khác, rủi không thành công thì thật là tổn phí thì giờ.
  2. Nếu dùng pháp quán tưởng phụ giúp cho pháp trì danh thì nó có thể làm tăng thượng duyên cho tịnh nghiệp, bồi thêm hiệu quả cho pháp trì danh mà không mảy may lưu tệ.

Tóm lại, dùng phương pháp quán tưởng giúp cho phương pháp niệm Phật thì thật là nhiệm mầu vậy. Chúng ta cần phải biết châm chế mà thật hành cho chóng có kết quả.

Sau đây xin cung lục 16 pháp quán trong kinh Quán Vô Lượng Thọ và 29 pháp quán trong Luận Vãng Sanh. Mong rằng các bậc hành giả tinh tấn y theo, công đức sẽ vô lượng.

Đối với 16 pháp quán trong kinh Quán Vô Lượng Thọ hay đối với 29 pháp quán trong luận Vãng Sanh , nếu hành giả, trong khi tu, cảm thấy cảnh giới quá rộng rãi phiền phức hoặc giả cảnh quán hiện ra quá mơ màng, mông lung, không thể quán tưởng hết cùng một lượt, thì bắt đầu chỉ nên quán một pháp hoặc hai pháp mà thôi. Hoặc cũng có thể chỉ quán tưởng một bộ phận nhỏ trong một pháp, hay thay đổi, hôm nay quán bộ phận nầy, hôm sau quán bộ phận khác.

Trong khi tu quán đừng nên bắt đầu “quán Không” và đừng sợ bị pháp chấp. Đặc sắc của pháp môn tu Tịnh Ðộ là không cấm kỵ sự muốn thấy Phật, muốn thấy cảnh giới Phật, tức là “quán hữu”. Đã có phương pháp trì danh làm căn bản (dù chỉ trì 10 danh hiệu một ngày) pháp quán kiêm thêm là cốt để giúp cho tịnh nghiệp mà thôi. Vì ở địa vị phụ nên quán tưởng có thành công hay không cũng không hại. Ví như trong công việc thành tựu một cái bàn, công thợ và cây ván có thể ví với phương pháp trì danh, dầu, vẹc-ni và sự đánh bóng có thể ví với phương pháp quán tưởng. Lại như trong công việc dệt sa lụa, trì danh như canh chỉ, quán tưởng như bông hoa. Miễn rằng đâu được cái bàn chắc chắn hay dệt xong cây lụa tốt bền thì gọi là hoàn thành, có đánh bóng hay không, có bông hoa hay không, chưa phải là điều quan trọng. Nếu hiểu được lẽ đó, ta nên khéo léo vận dụng thế nào cho phần chính được đặc biệt chú trọng hơn phần phụ, nếu có thêm phần phụ là chỉ tăng vẻ mỹ miều cho phần chính được chừng nào hay chừng đó mà thôi vậy.

Nghe nói như trên, không khỏi có người sẽ phản đối lại mà đàn hạch rằng: “Sở dĩ thấy chúng sanh bị giặc phiền não làm hại, nên đức Thích Tôn đặc biệt khai ra pháp quán tưởng nầy trong Quán Vô Lượng Thọ, nay vì sao ở đây có chủ trương hạ thấp giá trị nó xuống và gán cho nó một vai trò phụ phương pháp trì danh?”.

Nếu có sự khiển trách ấy, tôi xin nhận lỗi ngay, nhưng cũng xin bình tĩnh xét kết quả hai bên thì sẽ rõ. Từ khi đức Phật khai ra pháp môn Tịnh Ðộ, chúng sanh y theo phương pháp trì danh mà tu hành, thử tính xem kết quả được vãng sanh là bao nhiêu! Lại cũng thử tính xem số chúng sanh y theo phương pháp quán tưởng mà tu hành, kết quả vãng sanh là bao nhiêu! Kết quả hai bên so nhau thật quá huyền thù. Sự kiện nầy chính đức Phật cũng đã nêu rõ. Hơn nữa trong đời mạt pháp nầy vì nhơn tâm dễ tán loạn, vì hoàn cảnh quá nhiễu nhương nên ở đây mới dám tùy cơ duyên khuyên hành giả lấy phương pháp trì danh làm chủ và lấy phương pháp quán tưởng làm phụ. Nếu hành giả thành công được cả hai, kết quả sẽ vô cùng tốt đẹp. Nếu chỉ riêng thành tựu được phương pháp trì danh, cũng quyết định được vãng sanh, vì với phương pháp trì danh, mười người tu là mười người đạt kết quả, chứ không khó như phương pháp quán tưởng. Vì các lẽ ấy, ở đây quyền biến chủ trương bên chính bên phụ, tưởng cũng không trái với ý kinh.

Ngày xưa, khi Ngài Thiện Đạo trước tác quyển “Pháp Môn Quán Niệm A Di Đà Phật Tướng Hảo Công Ðức” để giải rõ phương pháp tu hành quán tưởng Niệm Phật, nhưng cũng không quên khuyên hành giả chuyên trì danh hiệu Phật. Lý do Ngài đưa ra là: “Vì chúng sanh, nghiệp chướng nặng, cảnh quán vi tế mà tâm thô tháo, thức bay nhảy, thần tản mác, nên quán tưởng khó thành tựu”. Mặc dù vậy, Ngài vẫn nói pháp quán tưởng, mục đích chính cốt để giáo hóa hàng lợi căn thượng trí mà thôi, chứ đối với quần chúng phổ thông thì Ngài khuyên nên trì danh hiệu Phật là hơn cả, đó chính là phương tiện thiện xảo của các bậc cổ đức sáng chế ra để dắt dẫn kẻ hậu tấn vậy.

(Trích: Chương VI: Pháp Quán Tưởng – Pháp Môn Tịnh Độ)
Hòa Thượng: Thích Trí Thủ

×