59. Thương yêu cái thân?

04/07/2022 371 lượt xem

Đức vua hỏi tiếp:

– Các vị tỷ kheo dường như là nâng niu, chăm sóc, thương yêu cái thân của mình quá lắm, tại sao lại như thế?

– Đại vương nhận xét như vậy là không đúng rồi!

– Các vị tỳ kheo từ chối khổ hạnh, không nhịn ăn, không mặc y bó tử thi, không còn ở trong nghĩa địa, không còn ngủ trên đất; họ ăn ngày một bữa đầy đủ do thí chủ mời thỉnh, mặc y do thí chủ dâng cúng nên phước tướng đẹp đẽ, da thịt hồng hào. Lại nữa, họ cạo râu tóc sạch sẽ, móng tay, móng chân cắt sạch sẽ, ngủ có điều độ, tắm rửa điều độ, giữ gìn từng bước đi, giữ gìn tay chân, thân khẩu. Một đời sống như vậy không phải là bảo trọng, thương yêu cái thân là gì?

– Đại vương trước đây đã từng cầm quân ra trận nhiều lần, phải chăng?

– Đúng thế.

– Và quân lính của đại vương có rất nhiều người bị thương, phải chăng?

– Đúng thế.

– Đại vương đã làm gì với những người lính bị thương ấy?

– Dĩ nhiên là cho họ lui tuyến sau, cử thầy thuốc chăm sóc vết thương.

– Họ thường chăm sóc ra sao?

– Họ chùi rửa vết thương cẩn thận, lấy thuốc đắp lên, lấy vải nhuyễn mịn băng bó lại.

– Người ta làm như thế có bảo trọng, nâng niu, thương yêu vết thương quá chăng?

– Không phải thế, chỉ mong cho vết thương chóng lành.

– Cũng như thế đó, các vị sa môn trong giáo pháp của Đức Thế Tôn chăm sóc cái thân không phải là vì thương yêu, nâng niu, bảo trọng cái thân – mà vì muốn dùng cái thân ấy để tu tập, phát triển giới hạnh. Cho nên, có ba việc mà thế gian lấy làm trọng là ăn, mặc, ngủ – thì các vị sa môn chỉ cần vừa đủ, biết đủ mà thôi. Ngoài ra, các vị sa môn còn quán tưởng khi ăn, khi mặc, chỗ ở và thuốc men. Lại còn quán tưởng cái thân là vật bất tịnh, gồm có cửu khiếu ngày đêm tuôn chảy các mùi hôi thối dơ uế, luôn quán tưởng cái thân là đáng nhờm gớm v.v… Như vậy thì có phải vì thương yêu, bảo trọng, nâng niu cái thân không đại vương ?

– Nếu vậy thì quá hay, cao thượng lắm!

* * *

(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)

×