91. Đức Phật có toàn giác không?

20/07/2022 335 lượt xem

[Hơi khác với câu hỏi 60]

– Bạch đại đức! trẫm có một mối nghi rất to lớn, là Đức Thế Tôn không phải là bậc Toàn Giác!

– Tại sao?

– Thưa, đọc trong kinh, trẫm thấy rằng, có rất nhiều trường hợp Đức Thế Tôn “hướng tâm” đến mới biết, không hướng tâm đến thì không biết. Như vậy, sao gọi là “toàn giác” được?

– Tâu đại vương! Đức Thế Tôn đúng là bậc Toàn Giác, ngài biết rõ tất cả các loại tâm. Duy nhất chỉ có Đức Thế Tôn mới thông suốt, mới biết rõ sự hiện hữu và sự vận hành các tướng tâm ấy!

– Các tướng tâm ấy như thế nào?

– Thứ nhất là tướng tâm tham dục, sân hận, si mê, thường dính mắc bởi ái luyến và phiền não. Cái tâm ấy gọi là trì độn, chậm chạp, không có tu tập, tức là loại tâm chưa được tiến hóa. Cái tâm ấy được ví như một cây tre chằng chịt từ đầu đến ngọn bởi những mắc, những gai nè phức tạp, vô phương tháo gỡ, tâu đại vương!

– Đấy là tâm của tất cả chúng sanh, nhất là những chúng sanh đang lặn hụp, đau khổ trong bốn đường dữ, phải thế không đại đức?

– Vâng, loại tướng tâm thứ hai là tâm của những chúng sanh đã ra khỏi bốn ác đạo ấy. Đấy là tâm của những vị Thánh Tu-đà-huờn, kẻ đã cắt đứt ba sợi dây ràng buộc là thân kiến, hoài nghi, giới cấm thủ. Loại tướng tâm này đã vượt khỏi trì độn, đã bước vào dòng tiến hóa, đã thật sự có tu tập, đã có đức tin chơn chánh vào con đường và giáo pháp diệt khổ của Đức Thế Tôn, tâu đại vương!

– Xin cho nghe ví dụ.

– Ví như cây tre có mười đốt chằng chịt gai nè của chúng sanh ở tướng tâm thứ nhất, đã được trẩy sạch ba mắc cùng những gai nè dính mắc, ràng buộc ở nơi ba mắt ấy. Cây tre như vậy là đã được tháo gỡ và kéo ra được một đoạn ba đốt, tâu đại vương. Ấy là tướng tâm thứ hai.

– Vâng, trẫm đã hiểu, còn tướng tâm thứ ba?

– Là tâm của vị Thánh Tư-đà-hàm, kẻ đã làm nhẹ bớt thêm hai sợi dây ràng buộc là tham dục và sân hận. Ví như cây tre có mười đốt ở trên, sau khi đã trẩy sạch ba mắc cùng với gai nè, vị này đã trẩy thêm được một ít gai nè ở hai mắc kế nữa, tâu đại vương!

– Thế là tướng tâm thứ ba, chưa trẩy sạch hẳn tất cả gai nè trên năm mắc, năm đốt ấy?

– Vâng, đến tướng tâm thứ tư, tâm của vị Thánh A-na-hàm mới trẩy sạch trọn vẹn, trơn tru cả năm mắc, năm đốt, tâu đại vương.

– Xin cho trẫm nghe tướng tâm thứ năm?

– Là tướng tâm của vị A-la-hán, bậc đã cắt đứt luôn năm sợi dây ràng buộc còn lại là sắc ái; vô sắc ái, ngã mạn, phóng tâm và vô minh, tâu đại vương. Ví như năm đốt cùng với gai nè còn lại trên cây tre, vị này đã trẩy sạch, cây tre đã dễ dàng lấy ra, không còn vướng mắc gì nữa. Đây gọi là bậc vô sanh, vô lậu, giải thoát, tâu đại vương! Còn tướng tâm thứ sáu là tâm của vị Độc Gíac Phật, là bậc tự tu, tự chứng, tự mình giác ngộ, giải thoát.

– Có gì khác nhau giữa tâm giải thoát, tuệ giải thoát của một vị A-la-hán và một vị Độc Giác Phật, thưa đại đức?

– Về giải thoát, vô lậu ấy thì giống nhau nhưng về sự sâu cạn của tâm, của tuệ thì khác nhau. Ví như, vị Độc Giác Phật có thể biết tâm của vị A-la-hán, còn vị A-la-hán không biết tâm của vị Độc Giác Phật.

– Vâng, còn về tâm thứ bảy, có lẽ đó là tâm của vị Phật Toàn Giác. Thưa, tâm và tuệ của ngài khác với vị Độc Giác Phật như thế nào?

– Ví như một người đàn ông dũng cảm có thể dễ dàng bơi qua sông lớn lúc nửa đêm, nhưng khi đối diện với biển cả, ông ta lại cảm thấy sợ hãi, thiếu tự tin. Một vị Độc Giác Phật so sánh với đấng Toàn Giác cũng y như thế. Đức Toàn Giác thường có đầy đủ bốn tuệ và mười tám pháp (Buddha dhamma) vô ngại, vô lượng, bất khả tư nghì. Chẳng ai so sánh được. Đó là thấy mọi việc quá khứ, hiện tại, vị lai, khả năng tư duy, ngôn ngữ, trí nhớ, trực giác, thiền định, ý chí, nghị lực, giải thoát, thắng tuệ, tự do, thanh tịnh, định tĩnh, chú ý, tĩnh thức, quan tâm đến người khác. Nhờ có đầy đủ 18 pháp ấy nên Đức Thế Tôn rất dễ dàng thấy biết tâm của chúng sanh, dễ dàng thấy biết mọi việc để hóa độ chúng sanh, tâu đại vương!

– Sự dễ dàng ấy như thế nào, thưa đại đức?

– Ví như một tay xạ thủ thiện xảo, có mũi tên tốt, cái cung tốt, nhắm bắn vào một tấm vải được căng sẵn. Đại vương nghĩ thế nào, mũi tên kia sẽ được xuyên suốt qua tấm vải có dễ dàng không?

– Thưa, rất dễ dàng.

– Đức Toàn Giác dễ dàng và mau chóng quán xét sự việc gì cần biết như ý muốn, còn nhanh hơn người đàn ông cầm một vật gì từ bàn tay phải đặt sang tay trái, dễ dàng hơn viên lực sĩ co duỗi cánh tay, tâu đại vương.

– Thưa đại đức, trẫm vẫn còn nghi ngờ Đức Thế Tôn không phải là bậc Toàn Giác. Vì sao vậy? Vì còn quán tâm, còn hướng tâm thì rõ ràng còn tìm kiếm. Còn tìm kiếm thì nhất định còn điều chưa thấy, chưa biết – thì sao được gọi là “biết hoàn toàn” được ?

– Đại vương! Ví như có nhà phú hộ giàu có muôn kho, đầy ắp tài sản, của cải, ngũ cốc, mật ong, đường, sữa v.v… Nếu như có người muốn xin một nắm gạo để nấu cháo, thì cháo ấy có sẵn ngay hay không?

– Cháo ấy không thể có sẵn để ăn ngay. Phải vào lấy gạo trong kho, bỏ vào nồi nước và đun nấu một thời gian nào đó, thưa đại đức.

– Trí giác của Đức Thế Tôn cũng giàu có, thịnh mãn như vị phú hộ kia; muốn sử dụng thứ gì, thuộc “cái biết” nào thì phải vào kho mà lấy ra, cũng y như thế! Tuy nhiên, ví dụ cái kho của ông phú hộ là hữu hạn, là giới hạn; ví dụ vào kho để lấy gạo rồi nấu cháo để ăn là phải tốn một thời gian. Cái kho hiểu biết của Đức Thế Tôn là vô hạn định, vô hạn lượng; và muốn biết việc gì, điều gì ngài chỉ cần hướng tâm đến là biết ngay tức khắc với thời gian còn nhanh hơn cái chớp mắt, với thời gian chỉ có một niệm, tâu đại vương!

– Thưa, cái niệm ấy như thế nào?

– Ví như đức vua Chuyển luân Thánh vương vừa nghĩ đến xe báu thì tức khắc xe báu hiện ra. Một niệm là một móng tâm, một khởi tâm, một hướng tâm, một ý nghĩ, tâu đại vương!

– Bây giờ thì trẫm không còn lý do gì để nghi nan nữa. Đức Thế Tôn đích thực là đấng Toàn Giác vậy.

* * *

(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)

×