Sự chuẩn bị của đức vua về những câu hỏi Mendaka

19/07/2022 451 lượt xem

Khi đại đức Na-tiên trở về chùa rồi, đức vua Mi-lan-đà tìm chỗ thanh vắng, suy nghĩ rằng: “Ta có những câu hỏi Mendaka rất thù thắng, rất vi diệu, rất sâu kín; trong tam giới này không ai có thể đáp được, ngoài các vị Bồ Tát. Những câu hỏi này, nếu không được giải đáp thỏa đáng, sẽ phát sanh nhiều hoài nghi to lớn; và nó sẽ là nguyên nhân cho mọi cuộc tranh luận, tranh chấp bởi các hàng học Phật thời hậu lai! Nhưng trước khi đặt những câu hỏi Mendaka này để đại đức Na-tiên trả lời rõ ràng từng điểm một, ta phải chuẩn bị tâm, chuẩn bị trí cho thanh tịnh và sáng suốt.”

Hừng sáng hôm sau, khi mặt trời vừa ửng hồng ở phương đông, khi các loài chim vừa rời khỏi tổ bay liệng giữa hư không, khi các thầy bà-là-môn đang tụng kinh điều thắng hạnh; khi các âm thanh như kèn, đàn, sáo… cùng những sinh hoạt nhân gian bắt đầu rộn ràng thì đức vua Mi-lan-đà đã tắm rửa vệ sinh thân thể, súc miệng bằng nước thơm tinh khiết, ngự ra chỗ yên tĩnh nhất của vườn ngự. Ngồi thiền định một lát, giữ hơi thở điều hòa, đức vua xả ly mọi vướng bận, vắng lặng dục và sân, chắp tay lên đỉnh đầu niệm ân đức của Chư Phật quá khứ, hiện tại, vị lai. Rồi ngài nghĩ rằng: “Ta sẽ bàn giao quốc sự cho các vị đại thần trong vòng bảy ngày. Bảy ngày ấy ta sẽ thọ trì tám pháp lành. Tám pháp lành ấy có công năng thiêu hủy ác pháp và những trần cấu dơ uế. Khi nội tâm đã đầy đủ, sung mãn tám pháp lành ấy, ta sẽ tìm đến đại đức Na-tiên để đặt những câu hỏi Mendaka.”

Sau khi công việc triều chánh đã được bàn giao, đức vua cởi vương bào cùng châu báu ngọc ngà; mặc chiếc y màu hoại sắc như các đạo sĩ, quấn chiếc khăn thô lên đầu như hình chiếc nhẫn; rời khỏi long ngai, ngự lên lầu cao, trú trong một căn phòng thoáng đãng và tịch mịch.

Suốt bảy ngày ấy, đức vua thành tựu được tám pháp lành sau đây:

  1. Một là, không suy nghĩ, vướng bận hoặc bàn chuyện quốc sự.
  2. Hai là, không để cho tâm ái dục, luyến ái chi phối.
  3. Ba là, không có sân niệm nào đối với bất kỳ một ai.
  4. Bốn là, không có hành động nào do mê tối, lầm lạc, si mê.
  5. Năm là, không một điều tiếng nào dù hận, dù tức, dù khó chịu đối với mọi người, quan lại, kẻ hầu, chánh hậu, thứ phi, hoàng tử hoặc cung nga thể nữ…
  6. Sáu là, thân không sát sanh, trộm cắp, tà hạnh, đánh đập người; khẩu không nói dối, ác khẩu, lời hung dữ v.v…
  7. Bảy là, hoàn toàn thu thúc lục căn. Sáu cửa đều được thanh tịnh.
  8. Tám là, trú từ bi tâm.

Ngày thứ tám, đức vua Mi-lan-đà thọ thực sớm, với hỷ và an, với từ bi tâm tỏa mát ở khí sắc, ngài đi chào hỏi mọi người với những lời vui vẻ đầy từ ái. Sau đó, với oai nghi đỉnh đạc và trầm tịnh, với ý được thu liễm, với tâm đầy hoan hỷ, với trí trong sáng và rỗng rang; đức vua đi bộ thanh thản đến chùa gặp đại đức Na-tiên, hai tay chấp lại đặt lên giữa đỉnh đầu, rồi bạch như sau:

– Đại đức Na-tiên tôn kính! Hôm nay trẫm muốn hội diện với ngài để hỏi về những câu hỏi có ý nghĩa sâu kín. Như mặt đất bí mật thường ẩn chứa của báu, như khu rừng thanh vắng thường để dành cho các sa môn tĩnh tu; những câu hỏi mà trẫm sẽ hỏi ngài đây cũng phải được tìm chỗ thích hợp, phải tránh xa tám điều cấm kị, nếu không, cuộc diện đàm của chúng ta sẽ bị hư hỏng.

– Đại vương cứ nói.

– Thứ nhất là phải tìm chỗ bằng phẳng, tránh chỗ gồ ghề, lồi lõm, chỗ chông chênh, chỗ có khe vực nguy hiểm. Thứ hai là tránh chỗ sẽ phát sanh nhiều sợ hãi. Thứ ba là tránh chỗ có gió mạnh, gió dữ, gió độc, gió lạnh. Thứ tư, tránh chỗ quá kín đáo như mật thất hoặc hang động. Thứ năm là tránh chỗ người ta hay đến để cúng vái cầu khấn chư thiên hoặc thọ thần. Thứ sáu, tránh chỗ gần đường cái quan, gần lối đi mà bộ hành thường qua lại. Thứ bảy, tránh chỗ gần thị thành, chợ búa. Thứ tám là tránh chỗ gần bến nước, giếng nước. Đó là 8 chỗ không thích hợp cho những câu hỏi về Mendaka, thưa đại đức.

– Bần tăng đã hiểu lý do, nhưng đại vương hãy cứ giải thích một cách rộng rãi theo ý mình.

– Vâng. Chỗ bằng phẳng chỉ đơn giản là để dễ dàng thay đổi oai nghi mà không ngại vấp té vô ích. Chỗ không có thú dữ như cọp, beo, rắn độc để khỏi phát sanh sợ hãi. Chỗ có các loại gió dữ, gió mạnh, ác phong, hàn phong sẽ khiến dễ bị nhiễm cảm, nhức đầu, sổ mũi. Không tới chỗ quá kín đáo để tránh sự tò mò, dòm ngó, nghi vấn của nhiều người. Còn tránh bốn chỗ sau là tránh sự đông đúc của bá tánh, tránh ồn ào, huyên náo, hỗn tạp dễ bị phân tâm, không chuyên nhất cho sự suy nghĩ tế vi và sâu kín. Ý nghĩa, lý do của tám điều cấm kỵ là vậy, thưa đại đức!

– Hay lắm – đại đức Na-tiên gật đầu tán thán – đại vương quả là người chu đáo nhất thế gian này.

– Không dám. Tránh tám chỗ cấm kỵ ấy không thôi thì cũng chưa đáng được gọi là chu đáo đâu, thưa đại đức!

– Xin cho bần tăng được nghe cao kiến?

– Còn tám hạng người nữa sẽ không được dự nghe những câu hỏi và đáp của chúng ta, vì tám hạng người ấy không đủ trình độ tâm, trình độ trí, sẽ phát sanh nghi ngờ vô ích. Có họ thì các câu hỏi Mendaka sẽ bị chúng làm cho hư hoại.

– Xin đại vương cứ trình bày.

– Thứ nhất là hạng người nặng về luyến ái, thiên về luyến ái. Thứ hai là hạng người nhiều sân hận, nóng nảy, hung dữ. Thứ ba là hạng người si mê, đần độn. Thứ tư là hạng người nhiều ngã chấp, kiêu căng, kiêu mạn. Thứ năm là hạng người thấp thỏi, hèn hạ, ti tiểu. Thứ sáu là hạng người ương lười, biếng nhác, dễ duôi. Thứ bảy là hạng người chỉ thấy cái bụng của mình, nhìn không xa hơn cái bụng hoặc hay suy bụng ta ra bụng người. Thứ tám là người ngu, kém hiểu biết không chịu thấy ra cái ngu của mình!

– Vậy là quá chu đáo rồi.

– Chưa đâu, thưa đại đức.

– Còn gì nữa, hở đại vương?

– Thưa, cũng còn phải tránh chín hạng người nữa. Thứ nhất là người đắm đuối, ái luyến đã thành quen, thành nề. Thứ hai là người nóng nảy, hung dữ, sân hận đã thành tâm, thành tánh. Thứ ba là người si mê, đần độn đã biến thành bản chất…

Đến đây, đại đức Na-tiên chợt hỏi:

– Ở trên cũng tham, sân, si; dưới cũng tham, sân, si nhưng một bên là mới “nặng về”, “nghiêng về”, còn một bên là tham, sân, si đã gắn chặt, kết dính kiên cố… Phải chăng đấy là điều khác nhau, thưa đại vương?

– Vâng. Đúng là vậy.

– Xin cho nghe sáu hạng người kế tiếp.

– Thứ tư là người nhiều lo âu, sợ hãi. Thứ năm là người ham mê danh lợi. Thứ sáu là người uống rượu. Thứ bảy là người thích trang sức, trang điểm, nước hoa, dầu thơm. Thứ tám là đàn bà, thứ chín là trẻ con…

– Hay lắm! Đại vương không cần phải giải thích thêm nữa. Tuy nhiên, bần tăng chỉ muốn hỏi thử đại vương về hạng người thứ tám và thứ chín thôi, tại sao họ không có khả năng tiếp thu những câu hỏi và đáp về Mendaka?

– Thưa, đàn bà và trẻ con thời Đức Phật có rất nhiều người có căn cơ lớn, trí tuệ lớn; họ có khả năng giác ngộ giáo pháp, nhưng bây giờ thì hết rồi. Giáo hội tỳ kheo ni Đức Thế Tôn đã không cho phép duy trì, kế thừa nữa. Và trẻ con thì chẳng có ai bảy tuổi mà đắc quả A- la- hán cả!

– Vâng, thật là chính xác! Đại vương có gì trao đổi nữa chăng?

– Thưa, còn! Tất cả hạng người kể trên đều không được dự nghe. Còn người đặt câu hỏi và được dự nghe như trẫm đây phải hội đủ một số điều kiện, bằng không, các câu hỏi Mendaka cũng sẽ bị hủy hoại.

– Các điều kiện ấy là gì, đại vương?

– Thưa, thứ nhất là tuổi tác đã trưởng thành. Thứ hai là không ham mê chức phận. Thứ ba là phải siêng năng học hỏi. Thứ tư là không thân cận với kẻ ngoại đạo. Thứ năm là luôn khởi tâm hướng đến cái chân thực, cái như thực (yonisomanasikàra = như lý tác ý). Thứ sáu là thích luận đạo, vấn đạo để phát triển trí tuệ. Thứ bảy là ưa thích trong pháp và ý nghĩa của giáo pháp. Thứ tám là nơi quốc độ thích hợp (ở trú xứ thích hợp).

– Lý do của tám điều kiện ấy là gì, tâu đại vương?

– Thưa, có tám điều kiện ấy mới có trí tuệ, trí tuệ mới phát triển được, thưa đại đức.

– Quả đúng như thế.

– Thưa đại đức! trẫm là người học trò có đầy đủ tám điều kiện để phát sanh trí tuệ như đã kể ở trên, thật cũng khó kiếm trên cõi Diêm phù đề này. Nhưng một bậc thầy A-xà-lê như đại đức, muốn được xứng danh, chơn chính, chơn thực là một bậc A-xà-lê trọn vẹn, tuyệt hảo…thì có lẽ lại càng hy hữu hơn…

– Tại sao lại hiếm có bậc A-xà-lê như thế? Hãy cho nghe, tâu đại vương!

– Thưa, vì trẫm chỉ có tám điều kiện, nhưng một bậc A-xà-lê sư như đại đức thì phải hội đủ hai mươi lăm điều kiện, thưa đại đức!

– Đại vương hãy nói đi!

– Vâng. Hai mươi lăm đức tính của một bậc A-xà-lê sư như sau:

  1. Thứ nhất, thầy luôn luôn hộ trì, thương yêu, bi mẫn đối với đệ tử.
  2. Thứ hai, thầy biết rõ đệ tử này cần gần gũi, đệ tử kia không nên gần gũi.
  3. Thứ ba, thầy biết rõ đệ tử này phóng dật, giải đãi, dễ duôi, đệ tử kia thì không.
  4. Thứ tư, Thầy phải biết rằng lúc này nên cho người đệ tử nằm và nghỉ, lúc khác thì không.
  5. Thứ năm, thầy phải biết đệ tử này đau ốm, đệ tử kia khỏe mạnh.
  6. Thứ sáu, thầy phải lưu ý người đệ tử này đầy đủ vật thực, đệ tử kia thiếu thốn.
  7. Thứ bảy, thầy phải hiểu rõ từng đức tính, từng cá tính của từng đệ tử.
  8. Thứ tám, thầy phải biết chia sớt phần vật thực của mình nếu đệ tử không đủ no.
  9. Thứ chín, thầy phải tìm cách trấn an giúp người đệ tử giải thoát mọi nỗi lo âu, sợ hãi.
  10. Thứ mười, thầy phải theo dõi, theo sát pháp hành của người đệ tử để biết cách hướng dẫn người đệ tử tu tập mau tiến bộ.
  11. Mười một, thầy phải biết rõ tất cả các pháp và người nên thân cận, gần gũi để giáo huấn đệ tử.
  12. Mười hai, thầy phải biết chùa chiền nào, tăng lữ nào là nên thân cận, gần gũi để chỉ bày cho đệ tử.
  13. Mười ba, thầy không nên để cho đệ tử cười đùa, nô giỡn một cách vô ích.
  14. Mười bốn, thầy biết đệ tử có tội, phải ngăn cấm tội ấy và sẵn sàng xá tội cho đệ tử.
  15. Mười lăm, thầy phải luôn luôn nhu thuận, nhu nhuyến với đệ tử.
  16. Mười sáu, thầy luôn luôn nhắc nhở không cho đệ tử bỏ bê pháp học và pháp hành.
  17. Mười bảy, thầy không được dấu diếm những ý nghĩa sâu xa của giáo pháp đối với đệ tử.
  18. Mười tám, thầy không nên để sót lại dầu một chút ít những pháp sâu xa mà không dạy cho đệ tử.
  19. Mười chín, thầy cần cho đệ tử biết lần hồi sức tài, sức học của mình.
  20. Hai mươi, thầy thường xuyên nâng đỡ đừng cho đệ tử hư hỏng, phải giúp cho đệ tử tiến bộ.
  21. Hai mươi mốt, thầy luôn luôn nghĩ rằng, phải làm sao cho đệ tử học tập đến nơi đến chốn.
  22. Hai mươi hai, thầy luôn có tâm từ với đệ tử.
  23. Hai mươi ba, thầy không được bỏ đệ tử trong lúc đệ tử bị tai ương, hoạn nạn, rủi ro, tai hại.
  24. Hai mươi bốn, thầy không được thờ ơ trong bổn phận và trách nhiệm đối với đệ tử.
  25. Hai mươi lăm, thầy phải chỉ ra những chỗ mà đệ tử đã học sai và phải giải thích cho rõ ràng.

Sau khi đức vua Mi-lan-đà nói ra đầy đủ hai mươi lăm đức tính của một bậc làm thầy, đại đức Na-tiên lại một lần nữa tán thán:

– Quả thật là vi diệu! Nhưng không biết trên thế gian này có bậc thầy nào hội đủ các đức tính ấy chăng?

Đức vua Mi-lan-đà mỉm cười:

– Ngài quá khiêm tốn. Trẫm cảm nhận ra rằng đại đức là bậc A-xà-lê sư ấy. Khi có người đệ tử như Trẫm đây hội đủ tám điều kiện; và khi có bậc thầy hội đủ hai mươi lăm đức tính như đại đức – thì chúng ta hãy tìm chỗ tránh xa tám điều cấm kỵ, xa lánh mười bảy hạng người. Và ở đấy, các câu hỏi về Mendaka sẽ được bắt đầu.

– Lành thay! – Đại đức Na-tiên nói – Nhưng vẫn chưa đủ, tâu đại vương! Đại vương đã chấp nhận mình là một người đệ tử, vậy đại vương có thông thuộc mười đức tính phải có của một người cận sự nam, cận sự nữ chăng?

– Xin cho nghe!

– Vâng.

  1. Điều thứ nhất là một người cận sự nam (hay nữ) phải biết chia vui, chung khổ với tỳ khưu Tăng.
  2. Điều thứ hai là thân khẩu phải thanh hạnh, lìa xa trược hạnh.
  3. Điều thứ ba là phải biết lấy pháp làm chủ, pháp là mục đích.
  4. Điều thứ tư là thường hoan hỷ, xả ly, bố thí.
  5. Điều thứ năm là phải chăm chuyên, tinh tấn học, suy nghĩ để hiểu cho thấu đáo lời dạy của Đức Thế Tôn.
  6. Điều thứ sáu là phải biết rời xa những niềm vui huyên náo và rỗng không bên ngoài Phật giáo, dù có mất sanh mạng cũng không nhận ngoại đạo làm thầy.
  7. Điều thứ bảy là phải có chánh kiến kiên cố, bất động.
  8. Điều thứ tám là vui thích trong việc làm cho Tăng được hòa hợp, cận sự nam nữ hai hàng đoàn kết, hoan hỷ làm phước sự.
  9. Điều thứ chín không được thực hành hạnh giả dối, thấp hèn.
  10. Điều thứ mười là phải lấy Tam Bảo làm chỗ quy hướng, nương nhờ.

Tâu đại vương! Mười đức tính ấy cần phải có và đầy đủ ở trong tâm của đại vương. Ngoài ra, đại vương biết nguyên nhân nào làm cho Phật giáo suy vong, tiêu hoại thì phải ngăn ngừa, dập tắt nguyên nhân ấy. Phải hộ trì cho Phật giáo được hưng thịnh dài lâu vì hạnh phúc và an vui cho đại vương cũng như cho chư thiên và loài người. Đại vương có làm được như thế chăng?

– Thưa, trẫm làm được. Và mười đức tính ấy của một cận sự nam trẫm cũng có đầy đủ.

– Lành thay! Vậy chúng ta hãy tìm nơi thích hợp, và đại vương hãy tùy nghi đặt bất cứ câu hỏi nào về Mendaka.

– Vâng, mọi nhân, mọi duyên điều viên mãn, chúng ta hãy bắt đầu hỏi và đáp.

– Thưa vâng!

* * *

(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)

×