109. Đức Thế Tôn có lãnh đạo, bảo quản giáo hội tỳ khưu không?

29/07/2022 360 lượt xem

– Thưa đại đức, trẫm nhớ không lầm thì có lần Đức Thế Tôn tâm sự với ngài Ànanda rằng: “Này Ànanda, có người nghĩ rằng Như Lai sẽ bảo quản, lãnh đạo chư tỳ khưu Tăng hoặc giáo hội tỳ khưu Tăng sẽ tùy thuộc vào Như Lai! Này Ànanda, Như Lai không nghĩ rằng có người nào phải lãnh đạo giáo hội các tỳ khưu hoặc giáo hội phải tùy thuộc một người nào!”.

– Tâu đại vương! Đúng là Đức Đại Giác có thuyết như thế!

– Rồi ở đâu đó, khi Đức Phật tán dương những đức tính của vị Bồ-tát đương lai sắp thành Phật Di lặc, lại thuyết rằng: “Này các thầy tỳ khưu! Đức Phật Di lặc đương lai có công hạnh rất lớn, ngài bảo quản và lãnh đạo chư tỳ khưu Tăng đông đến hằng trăm ngàn vị, còn hiện nay Như Lai bảo quản và lãnh đạo chư tỳ khưu Tăng chỉ hằng ngàn vị mà thôi!”.

– Đúng là có vậy, tâu đại vương!

– Tại sao có sự mâu thuẫn thế, thưa đại đức? Một bên bảo là không bảo quản, lãnh đạo, một bên là xác định có bảo quản, lãnh đạo? Lời và ý sao chống chỏi nhau đến vậy, hay ý Đức Thế Tôn nói khác, thưa đại đức?

– Đúng là vậy đó, đại vương, lời tuyên bố trên là sự thật, đồng thời nó có ý nghĩa khác nữa! Chính vào thời ấy, chúng ngoại đạo tưởng rằng, Đức Thế Tôn thành lập giáo hội Tăng-già để ngài làm giáo chủ và biến giáo hội ấy thành sở hữu của mình. Lại nữa, Đềbà-đạt-đa manh tâm thay Phật lãnh đạo giáo hội và muốn giáo hội tùy thuộc nơi ông ta!

Tâu đại vương! Đức Đại Giác có mặt ở trên đời là vì lợi ích cho chư thiên và loài người, ngài đã dứt bỏ trọn vẹn mọi thằng thúc trói buộc, đã rời xa những ảo giác, ảo tưởng về cái gọi là Ta và của Ta! Do vậy, vì nhân duyên mà có giáo hội, vì nhân duyên mà phải bảo quản, lãnh đạo – chứ không phải “chấp thủ”, “dính mắc” vào cái giáo hội giả danh ấy! Ngài thường dạy rằng, chính mỗi thầy là một hòn đảo cho chính mình, là nơi nương tựa cho mình, đừng nương tựa vào bất cứ ai, nương tựa vào những cái ở bên ngoài mình! Ngài có mặt ở trên đời là chỉ cho tất cả chúng sanh phải tự thành tựu thiện pháp, phải biết rằng chúng sanh nào cũng có khả năng thành Phật. Và cho dầu công đức ngài có lớn lao ngài cũng không nghĩ rằng ngài đã tạo công đức cho chúng sanh, chúng sanh nương nhờ ngài! Tâm và tuệ của bậc Đại Giác, chúng ta không thể tư lường được. Những ý niệm Ta và của Ta chính là trọng tâm mà Đức Thế Tôn muốn giáo huấn môn đệ phải thấy rõ, nó hàm ẩn vi tế ở trong hai dẫn chứng của đại vương đưa ra! Ấy là pháp ngũ uẩn trong thường ngữ đấy, tâu đại vương!

– Đại đức có thể cho nghe ví dụ được không?

– Thưa vâng, ví như mặt đất lớn rộng này là nơi trú xứ, nơi nương gá của tất cả chúng sanh. Mặt đất ấy không khởi tâm hoan hỷ hay bất bình đối với chúng sanh nào cả. Và mặt đất cũng không nghĩ rằng chúng sanh là của mình hay không phải của mình. Tâm mặt đất luôn luôn trạm nhiên, thanh tịnh và bình đẳng. Mặt đất không có ý niệm ngã và ngã sở như thế nào thì Đức Thế Tôn cũng y như thế, tâu đại vương!

– Xin đại đức cho nghe thêm ví dụ nữa.

– Vâng, ví như đám mưa lớn rơi xuống cho người, loài vật, thảo mộc; đám mưa thật sự đã nuôi dưỡng quả đất, nuôi dưỡng chúng sanh, nhưng đám mưa không hề có tác ý nhận lấy bất kỳ một ân huệ nào của chúng sanh cả. Đức Thế Tôn cũng vắng bặt tất cả mọi tạo tác phước hữu lậu và vắng bặt tất cả mọi chấp thủ ngã và ngã sở cũng như vậy đó, tâu đại vương!

* * *

(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)

×