– Thưa đại đức! Trẫm nghe rằng, người thợ rèn Cunda dâng vật thực cho Đức Thế Tôn thọ thực lần cuối cùng trước khi Ngài Niết bàn. Và, lần thọ thực ấy Đức Thế Tôn bị nhiễm bệnh lỵ huyết trầm trọng gần dứt sinh mạng, có phải thế không ạ?
– Thưa vâng.
– Vì thọ vật thực của Cunda dâng cúng mà Đức Thế Tôn bị nhiễm bệnh gần dứt sanh mạng – thế mà Đức Thế Tôn lại nói với ngài Ànanda rằng: “Ông hãy nói cho tứ chúng biết rằng, bữa ăn của nàng Sujàtà dâng Như Lai trước khi thành tựu đạo quả, và bữa ăn của Cunda dâng cúng trước khi Như Lai Niết bàn; cả hai bữa ăn ấy đem lại phước báu bằng nhau, tạo quả bằng nhau; và quý báu, cao thượng hơn tất cả sự cúng dường khác. Nghiệp tốt của hai bữa ăn ấy sẽ trổ quả hạnh phúc nhiều đời, tuổi thọ cao, tài sản, danh vọng đều thịnh mãn, thường hưởng được phước báu cảnh trời hoặc cảnh vua chúa quyền quý cao sang!”
Thưa đại đức! Bữa cơm cúng dường của nàng Sujàtà thì có thể, nhưng bữa cơm của Cunda thì không thể, nó tồn tại nhiều nghi vấn, khúc mắt! Phước báu cao thượng cái kiểu gì mà làm cho Đức Thế Tôn gần chết? Phước báu cao thượng là do Cunda trộn lẫn thuốc độc gì chăng? Phước báu cao thượng là vì Cunda đã làm cho nhắm lại con mắt của loài người, của Đế Thích, của phạm thiên chăng?
Đại đức hãy giải nghi vấn nạn ấy đi! Nếu không giải nghi được – thì chúng ngoại đạo sẽ nói to, miệng truyền miệng, tai truyền tai rằng: Ông Cồ Đàm già rồi mà còn tham vật thực quá độ, đã thọ thực quá nhiều, sức nóng của tâm tham và bao tử thiêu đốt nên ra máu gần chết!
Vậy xin đại đức hãy sử dụng trí tuệ biện tài mà giải đáp cho, trẫm mang ơn lắm vậy!
– Tâu đại vương! Đức Thế Tôn vốn là Đấng Toàn Tri Diệu Giác nên ngài biết rõ nhân, quả, duyên, báo của chúng sanh hơn những người khác chứ?
– Thưa vâng!
– Thế những tin truyền của ngoại đạo có thẩm quyền về sự thật không? Có đáng tin và nghe theo không? Có phản ánh đúng nhân, quả, duyên, báo… như trình độ tuệ giác của đấng Tòan Tri không?
– Thưa không!
– Vậy thì sự lo lắng của đại vương không có cơ sở! Vì Đức Thế Tôn thấy rõ nhân, quả, duyên, báo… của chúng sanh nên ngài nói rằng, bữa ăn dâng cúng của nàng Sujàtà trước khi Như Lai thành đạo và bữa ăn dâng cúng của người thợ rèn Cunda trước khi Như Lai Nhập Diệt; có phước báu đồng nhau, trổ quả giống nhau và quý báu hơn tất cả sự cúng dường khác; ấy là lời nói dựa theo sự thật, dựa theo sự thấy, biết của Đức Tôn Sư!
– Có thể là như thế, nhưng bữa ăn của ông Cunda, giả dụ có trộn thuốc độc làm Đức Phật thọ bệnh… cũng phước báu cao thượng hay sao?
– Đại vương, Đức Thế Tôn nói “bữa ăn trước khi Như Lai thành đạo và bữa ăn trước khi Như Lai Niết bàn” chứ không liên hệ đến chuyện “trong bữa ăn ấy có món gì, sang hay hèn, thượng vị hay hạ vị, cứng hoặc mềm, có chất bổ hay có thuốc độc”!
– Xin đại đức giảng cho nghe điều đó!
– Vâng, ví như món ăn của nàng Sujàtà là cơm trộn sữa, món ăn của Cunda là thịt heo rừng hay một loại nấm, món ăn của chư thiên có mỹ vị tuyệt hảo; tức là các món ăn có ngon dở có khác nhau nhưng quả và phước vẫn đồng đều, tâu đại vương!
– Sao lại có chuyện món ăn chư thiên ở đây!
– Vâng, chuyện ấy đại vương không hiểu và cũng rất nhiều người không hiểu, là ngày Cunda dâng cúng bữa ăn cuối; chư thiên rất hoan hỷ nên họ đã cùng nhau dâng vật thực mỹ vị cõi trời, trộn chung với vật thực của Cunda! Và chính chư thiên ấy, sau này, cũng hưởng được phước quả đồng đẳng với Cunda, với Sujàtà!
– Vâng, nhưng cho đến giờ này trẫm vẫn chưa nghe xuôi tai về món ăn của Cunda làm Đức Phật nhuốm bệnh!
– Nhuốm bệnh lại là chuyện khác nữa, tâu đại vương! Nhuốm bệnh của Đức Phật không liên hệ gì đến phước quả của Cunda cả, tâu đại vương!
– Tại sao lại thế được?
– Tại vì có thân ắt có bệnh, già lão thì cơ thể suy nhược, khí kém, huyết hư là chuyện thường. Cơ thể Đức Thế Tôn đã già yếu, lại đã nhuốm bệnh cách đó ít lâu, sau khi an cư mùa mưa tại vườn xoài của cô Ampapàli chứ không phải tại bữa cơm của Cunda. Bữa cơm của Cunda chỉ như là giọt nước cuối cùng để cho cái bát đầy nước tràn đổ ra ngoài, đại vương có hiểu điều đó không?
– Trẫm chưa hiểu lắm!
– Tâu đại vương! Ví như một dòng nước chảy bình thường chỉ tạo nên một khe rãnh nhỏ, nhưng nếu trời đổ thêm nhiều trận mưa lớn, dòng nước sẽ chảy mạnh, khe rãnh nhỏ kia sẽ bị xé thành rãnh lớn hơn, thành khe sâu, thành vực! Kim thân Đức Thế Tôn đã già yếu, đã suy kiệt, lại vừa bị bệnh chưa lành hẳn, thì bữa cơm của Cunda là nguyên nhân cuối cùng, ví như giọt nước cuối cùng ở trên – đã làm cho Đức Tôn Sư lâm trọng bệnh, cũng là lẽ thường thôi, phải không đại vương?
– Thưa vâng!
– Ví như có đống lửa lớn, có người đem cỏ khô và bổi nhuyễn bỏ thêm vào – thì đống lửa kia sẽ cháy dữ dội hơn bội phần. Cũng thế, cơ thể Đức Thế Tôn đã già lão, suy yếu, đã bệnh… ăn thêm bữa cơm của Cunda sẽ làm cho sự già lão, suy yếu tăng thêm, bệnh tình sẽ tăng thêm, cũng là điều dễ hiểu thôi, phải không đại vương?
– Thưa vâng!
– Ví như một người đau bụng từ trước, bây giờ ăn thêm ít vật thực lạ vào, bụng lại sình chướng, đau đớn hơn lúc trước một cách dữ dội. Nhục thân của Đức Đại Giác cũng y như thế đó, tâu đại vương!
– Bây giờ thì trẫm đã thông tỏ nhờ những ví dụ của đại đức! Tuy nhiên, phước báu đồng nhau và trả quả giống nhau, trẫm vẫn chưa hiểu lý do tại sao?
– Tâu đại vương! Sở dĩ phước báu đồng nhau và trả quả giống nhau là do từ hai bữa ăn ấy có liên hệ đến pháp!
– Xin đại đức hãy giảng giải cho trẫm được thông suốt.
– Vâng, từ bữa ăn của nàng Sujàtà, Đức Thế Tôn thành đạo, đắc quả Chánh Đẳng Giác, ngài nhập cửu định, đi cả chiều thuận và chiều nghịch. Từ bữa cơm của Cunda, Đức Thế Tôn Niết bàn, ngài cũng nhập cửu định, đi từ chiều xuôi đến chiều ngược, tâu đại vương!
– Thế ra trong khoảng thời gian bốn mươi lăm năm hoằng hóa của Đức Thế Tôn, ngài chưa nhập cửu định, chiều thuận và chiều nghịch lần nào nữa hay sao?
– Thưa không. Chỉ có hai lần ấy thôi. Nhờ phước báu đưa đến pháp nhập định thuận, nghịch như vậy, nên nó sẽ trổ quả cao thượng, thù thắng bằng nhau; và nó quý báu hơn bất kỳ sự cúng dường nào trong suốt cuộc đời của Đức Thế Tôn, tâu đại vương!
– Bây giờ thì trẫm đã phủi được lớp bụi trong mắt mình rồi, thưa đại đức!
Đại đức Na-tiên mỉm cười:
– Thật ra, mắt đại vương vốn không có bụi đâu, có sự tưởng lầm nào đấy chăng?
– Thật là chí lí!
Đức vua Mi-lan-đà lòng đầy hoan hỷ.
* * *
(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)