116. Đức Phật thuyết về bố thí là để nhận được lợi lộc cúng dường?

01/08/2022 306 lượt xem

– Thưa đại đức! Có lần Đức Thế Tôn thuyết về đề tài “Như Lai cũng cày ruộng” để độ cho ông bà-la-môn Bhàradvàja, sau đó, Đức Thế Tôn đã không thọ nhận vật thực do người bà-la-môn ấy dâng cúng. Ngài cấm chế điều học rằng: “Vật thực phát sanh do thuyết kệ ngôn, thầy tỳ khưu không được thọ nhận”. Điều ấy có đúng chăng, đại đức?

– Thưa, đúng ạ!

– Thế tại sao khi thuyết cho hàng cư sĩ tại gia, ở đâu, Đức Thế Tôn cũng tuần tự nói về bố thí, về phước quả của sự bố thí, cúng dường, sau đó mới nói về trì giới… Chư thiên và loài người khi nghe Đức Thế Tôn thuyết về phước báu của sự bố thí, họ phát tâm hoan hỷ, ùn ùn kéo đến bố thí tứ sự cho Đức Thế Tôn. Rồi Chư Tăng đệ tử của Đức Tôn Sư cũng thuyết về bố thí, trì giới… do vậy, đời sống của Đức Phật và Chư Tăng thường thịnh mãn về y áo, vật thực, chỗ ở, thuốc men…

Thưa đại đức! Ở trên thì ngăn vật thực sau khi thuyết pháp, ở dưới thì thuyết pháp để nhận sự cúng dường? Hai đằng sao lại mâu thuẫn nhau đến vậy? Rồi, sự cố ý thuyết về bố thí để cho hai hàng cư sĩ tại gia bố thí cho mình, dường như là đã rơi vào phi pháp, vào tà mạng, không đúng với việc làm của một giáo hội cao cả! Trẫm hoài nghi và khó hiểu điều ấy lắm, mong đại đức bi mẫn chỉ giáo cho!

– Vâng, câu hỏi của đại vương hay lắm. Có lẽ nhờ câu hỏi của đại vương mà bần tăng sẽ phá nghi cho tất thảy người học Phật thời hậu lai!

Tâu đại vương! Pháp bao giờ cũng phải được thuyết tuần tự, thứ lớp; ấy là thông lệ của chư Phật từ quá khứ chứ không riêng gì Phật Thích Ca. Khi quán nguyên nhân đau khổ của chúng sanh, chư Phật thấy rõ rằng, có những đau khổ thô thiển do thiếu thốn vật chất mà sinh nghèo nàn, đói khổ, thiếu cơm, rách áo…! Lại có những đau khổ vi tế thuộc về lãnh vực tinh thần như giận ghét, bực bội, bỏn xẻn, tham muốn, hận thù v.v…

Chư Phật thấy phần đông nhân loại đau khổ do thiếu thốn vật chất, vì rất nhiều kiếp họ không biết bố thí, xả ly mà là sống bỏn xẻn, keo kiệt, rít róng,tư lợi, ích kỷ v.v… Muốn giúp họ có một đời sống khá hơn, đầy đủ vật chất hơn, được làm người, làm trời, an vui, hạnh phúc hơn – nên chư Phật phải thuyết về bố thí, rồi sau mới thuyết về trì giới. Tại sao vậy? Vì sự hỗ trợ phước báu rất cần thiết cho chúng sanh, là món quà tặng mà chúng sanh thường rất yêu thích. Ví như đứa trẻ thích chơi đồ chơi, an vui, sung sướng vì đồ chơi ấy – nên cha mẹ chúng phải cho chúng đồ chơi! Chư Phật dạy cho chúng sanh bố thí để có nhiều phước báu, cũng giống như mua sắm cho đứa trẻ cái cày nhỏ, cái nồi cơm nhỏ, con búp bê, chén bát nho nhỏ và những cái đồ dùng nho nhỏ xinh xinh! Lại còn mua sắm thêm những đồ chơi như cái ná, cái xe v.v…, cốt ý cho trẻ ham vui mà đừng khóc. Khi đứa trẻ lớn lên một tí, các đồ chơi kia chúng không yêu thích nữa thì cha mẹ mới dạy cho chúng cách học ăn, học nói, học lễ phép, học chữ nghĩa v.v… Cũng vậy, sau khi dạy chúng sanh bố thí, chư Phật sẽ thuyết về trì giới, nghĩa là thọ năm giới rồi tám giới. Khi chúng sanh căn cơ đã khá hơn, chư Phật mới dạy về tham thiền!

Ví như một vị lương y chữa bệnh cho một bệnh nhân khí huyết suy kiệt. Nếu bệnh nhân khí huyết suy kiệt mà cho uống thuốc trị liệu, bệnh nhân sẽ chết ngay. Phải cần cho bệnh nhân uống thuốc bổ khí, bổ huyết trước đã rồi mới cho thuốc trị bệnh. Cũng vậy, chư Phật thấy chúng sanh đau khổ trầm kha nên phải bốc vài thang thuốc bổ cho chúng sanh thọ hưởng chút ít an lạc, hạnh phúc, bằng cách thuyết về bố thí, cúng dường rồi sau đó mới thuyết về ngũ giới, bát giới; như những phương thuốc trị liệu vậy.
Đức vua Mi-lan-đà gật đầu:

– Vấn đề ấy có thể tạm ổn, nhưng việc ngăn vật thực thì sao, trẫm vẫn chưa hiểu.

– Vâng, sở dĩ Đức Thế Tôn không thọ vật thực sau khi thuyết kệ ngôn là để ngăn ngừa những tệ trạng có thể xảy ra trong hàng Tăng lữ sau này, tâu đại vương!

– Ý đại đức nói là chư phàm Tăng có thể sinh ra tà mạng, làm hoen ố cộng đồng Tăng lữ?

– Vâng, vì vậy cho nên ngài đã thuyết giảng rằng thân cử động có hai, đó là: thân cử động có tội và thân cử động vô tội!

– Thế nào là thân cử động có tội?

– Tâu đại vương! Có một số phàm Tăng ôm bát đến nhà cư sĩ, họ không hề để ý giờ nào nên đến, đường nào nên đi, chỗ nào nên đứng. Họ đã làm mất thể thống oai nghi, có thể làm cho hàng cư sĩ chê cười. Nhận vật thực để thọ dụng trong trường hợp ấy là thân cử động có tội! Nuôi mạng như vậy thật đáng bị chê trách, khinh bỉ, không đáng được kính trọng, không xứng gọi là tỳ kheo trong giáo pháp của Đức Thế Tôn!

– Còn thế nào là thân cử động vô tội?

– Là cung cách ôm bát đi khất thực của các bậc thánh nhân hoặc của những vị tỳ kheo nghiêm túc, đoan trang về giới hạnh. Họ cũng cử động thân, cũng đi đường lớn, đường nhỏ, cũng đứng trước cửa mọi nhà; nhưng bao giờ lục căn cũng thu thúc, bao giờ cũng chánh niệm, tỉnh giác, giữ oai nghi, tác phong phải lẽ. Đấy gọi là thân cử động không tội, tâu đại vương! Sự nuôi mạng như vậy đáng được cung kính, quý trọng, đáng được hoan hỷ, tán dương, đáng được khen ngợi, đấy là cách nuôi mạng của bậc thánh.

Còn về sự ngăn ngừa tà mạng trong tương lai thì Đức Thế Tôn không những quy định sau khi thuyết kệ ngôn mà còn quy định để ngăn ngừa bất kỳ sự cử động nào của khẩu, trong điều học được gọi là khẩu cử động có tội và khẩu cử động vô tội, tâu đại vương!

– Thế nào là khẩu cử động có tội?

– Ở đây nói về những vị tỳ kheo đi vào nhà các cư sĩ rồi “mở miệng” xin các vật dụng khác nhau, ví dụ: y bát, sàng tọa, thuốc men! hoặc nói ướm cách này cách kia để người ta dâng cúng vật thực vừa lòng! Khẩu cử động vì tà mạng như vậy không hợp giới luật của bậc thánh, là phi pháp, đáng bị khiển trách, chê bai; là gây nhân tội lỗi, nên gọi là khẩu cử động có tội, tâu đại vương!

– Về khẩu chỉ có bấy nhiêu thôi ư?

– Không, còn nữa, nó rộng rãi hơn nhiều. Ví dụ như thầy tỳ khưu mà cố ý xem bói để được lợi lộc, được nhiều vật thực. Hoặc nói tốt cho người để người hoan hỷ mà cúng dường. Hoặc nói xấu, dữ khiến người ta sợ hãi mà phải làm phước để hồi hướng, để tiêu trừ ách nạn. Hoặc xem hướng nhà, hướng cửa, chỗ đất… để đoán kiết, hung v.v… Tất thảy “sự mở miệng” ấy đều được nằm trong điều học khẩu cử động có tội, tâu đại vương!

– Trẫm đã hiểu.

– Còn nữa, các bậc thánh, dầu “mở miệng vô tình” mà có được vật thực, các ngài cũng không thọ dụng. Ví như bậc Tướng Quân Chánh Pháp, một lần nọ bị bệnh đau bụng dữ dội, Ngài Mục-kiền-liên thấy vậy bèn hỏi: “Thuở còn làm người tại gia, mỗi lần lên cơn đau cường liệt như vậy, tôn huynh thường sử dụng thuốc gì?” Đức Xá-lợi-phất đáp: “Mỗi lần lên cơn đau như thế, mẹ tội thường dùng cơm nấu với sữa tươi không có lẫn nước, uống vào là bệnh dứt ngay”. Chư thiên nghe được lời nói vô tình của Ngài, nên khi Ngài Mục-kiền-liên đi bát, chư thiên đã ngầm mách thí chủ đặt món ăn như vậy vào bát cho Ngài. Khi Đức Mục-kiền-liên mang món ăn cơm sữa đến, Đức Xá-lợi-phất biết rằng, thuốc trị bệnh này đã do mình “mở miệng” mà có, là tà mạng nên không thọ dụng…

Đức vua Mi-lan-đà tán thán:

– Đúng là giới luật của bậc thánh, dầu mở miệng vô tình chứ không cố ý mà cũng không thọ dụng! Thuốc trị bệnh mà cũng ngăn huống hồ là vật thực, huống hồ là vật thực có được sau khi cố ý thuyết kệ ngôn! Trẫm đã hiểu điều ấy rồi, thưa đại đức! Còn thế nào là khẩu cử động không tội?

– Khi thí chủ yêu cầu Chư Tăng cho biết những nhu cầu về tứ sự, ví dụ: các ngài cần thuốc men gì, vật thực gì v.v…, trường hợp ấy gọi là thọ dụng do yêu cầu của thí chủ – thì không có tội! Tỳ khưu đau ốm thực sự, mở miệng xin thuốc men ở chỗ thí chủ hoan hỷ và sẵn sàng dâng cúng – cũng là khẩu cử động vô tội, tâu đại vương.

Đức vua Mi-lan-đà suy nghĩ một lát:

– Trẫm còn một hoài nghi, là khi Đức Thế Tôn quán căn duyên của bà-la-môn Bhàradvàja, xét thấy là ông bà-la-môn ấy có thể độ được – nên Đức Phật mới ôm bát đến gần thửa ruộng của ông ta. Ý của trẫm muốn nói rằng, cái tâm của Đức Thế Tôn lúc ấy là muốn độ người chứ đâu phải là vì vật thực mà Ngài lại ngăn vật thực? Vả lại, biết đâu sau thời Pháp, ông bà-la-môn hoan hỷ cúng dường thì sao? Lẽ nào Đức Thế Tôn lại ngăn luôn sự hoan hỷ của chúng sanh?

Đại đức Na-tiên mỉm cười:

– Câu hỏi ấy vi tế, sâu sắc lắm đấy! Nhưng thưa đại vương, nếu không ngăn thì sau này hàng trăm, hàng ngàn vị tỳ kheo còn phàm, ham muốn lợi dưỡng – nhân cớ ấy để đi từ nhà này sang nhà khác, mở miệng thuyết pháp, đọc kệ ngôn để kiếm tìm lợi lộc, đầy đủ tứ sự cho riêng mình. Họ sẽ không “mở miệng” xin vật dụng, vật thực nữa – mà họ được dịp mở miệng đúng Pháp – là mở miệng để dạy đạo, dạy Pháp cho người! Điều ấy không nguy hại cho Giáo Hội sao?

– Thưa vâng! Thế còn việc ngăn “hoan hỷ” thì sao?

– Biết đâu, ngăn hoan hỷ lúc ấy mà tín tâm, trí tuệ sau này của người bà-la-môn được tăng trưởng, được thành tựu vững chắc thì sao, hở đại vương?

– Vâng, có thể như vậy! Còn chư thiên họ dâng vật thực cho Đức Thế Tôn thì có liên hệ gì về thân, khẩu cử động không? Và họ chỉ dâng một lần khi Đức Thế Tôn thọ thực món thịt heo rừng của người thợ rèn Cunda, hay đã dâng nhiều lần như thế?

– Chư thiên họ dâng vật thực cho Đức Thế Tôn trong suốt cả bốn mươi lăm năm ngài hoằng Pháp, dâng tất cả những bữa ăn. Chư Thiên họ dâng không liên hệ gì về thân, khẩu cử động cả; họ tự ý làm, và làm một cách chăm chuyên, cần mẫn… rất khác với loài người, tâu đại vương!

– Xin đại đức giảng cho nghe.

– Vâng, họ không dâng một lần mà họ để vật thực vào trong mỗi miếng ăn của Đức Thế Tôn. Ví như đại vương có người hầu bếp tận tụy, trung thành. Khi đại vương ngự dụng, người hầu bếp gắp bỏ cho đại vương từng miếng ăn ngon, chờ cho đại vương ăn xong miếng này, người hầu bếp bỏ thêm món khác. Chư Thiên hầu hạ, phục vụ từng bữa ăn cho Đức Thế Tôn cũng như thế ấy, với tất cả tấm lòng như đứa con hiếu thảo đối với cha mẹ vậy. Vào hạ thứ mười hai, lúc Đức Thế Tôn an cư mùa mưa tại Veranjà, nhằm khi đói kém, ngài phải dùng vật thực của ngựa; nhưng chư thiên cũng đem trộn vật thực của cõi trời vào trong đấy, nên kim thân của Đức Thế Tôn lúc nào cũng tươi nhuận, hồng hào…

Đức vua Mi-lan-đà tán thán:

– Thật là kỳ diệu. Nhờ đại đức mà trẫm được mở rộng kiến văn.

* * *

(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)

×