121. Sao Đức Thế Tôn lại dùng lời ác khẩu, ác ngữ?

04/08/2022 356 lượt xem

Đức vua Mi-lan-đà hỏi:

– Thưa đại đức! Đức Thế Tôn thường thuyết rằng: “Này các thầy tỳ khưu! Các thầy phải có tâm bi mẫn đối với chúng sanh, nên nói lời từ hòa, mát mẻ, phải thương xót chúng sanh mới xứng giữ phẩm hạnh cao thượng trong giáo pháp của Như Lai.”

Một chỗ khác, Đức Thế Tôn lại thuyết: “Này các thầy tỳ khưu! Trong thế gian này cái gì đáng bị ngược đãi thì Như Lai ngược đãi, cái gì đáng được cất nhắc thì Như Lai cất nhắc! Cái gì đáng bị cắt tay, cắt chân thì Như Lai cắt tay, cắt chân! Cái gì đáng bị trói buộc thì Như Lai cho trói buộc! Cái gì đáng giết thì Như Lai bảo giết!”

Sao Đức Tôn Sư lại có thứ ngôn ngữ lạ lùng như thế? Ngôn ngữ ấy có xứng với phẩm hạnh của bậc Thánh? Đấy chính là ác khẩu, ác ngữ mà một hiền nhân trong thế gian này cũng không bao giờ sử dụng, huống nữa là Đức Đại Giác! Xin đại đức hoan hỷ phá nghi điều ấy cho trẫm!

– Tâu đại vương! Khi Đức Tôn Sư dạy rằng các thầy tỳ khưu phải có lòng từ, phải có lòng bi mẫn thương xót chúng sanh, ấy là lúc Ngài dùng thường ngữ, ai cũng có thể hiểu được. Nhưng khi Đức Tôn Sư dạy rằng, cái gì đáng bị ngược đãi thì Như Lai ngược đãi, cái gì đáng được cất nhắc thì Như Lai cất nhắc v.v…, ấy là lúc Ngài dùng Pháp ngữ. Pháp ngữ nghĩa là ngôn ngữ của Pháp! Xin đại vương hiểu cho như thế để khỏi hiểu lầm Pháp nghĩa mà Đức Tôn Sư muốn gởi gắm!

– Pháp ngữ, Pháp nghĩa ấy là thế nào, hở đại đức?

– Xin thưa! Ví dụ như chúng sanh hoặc chư vị tỳ khưu nào có tâm phóng dật, buông lung… thì hãy nên đè nén, ngược đãi, chế ngự, áp chế tâm ấy. Đó là Pháp ngữ, Pháp nghĩa của câu “Cái gì đáng bị ngược đãi thì nên ngược đãi (áp bức, đè nén…)”.

Ví dụ, chư tỳ khưu hoặc chúng sanh nào có trạng thái tâm yên tĩnh, không bị lao xao, được vắng lặng thì nên cất nhắc, làm cho tốt hơn, viên mãn hơn, thanh tịnh hơn. Ấy là Pháp nghĩa, Pháp ngữ của câu “Cái gì đáng được cất nhắc thì cho cất nhắc”.

Tương tự như thế, các trạng thái tâm bất thiện thì nên đè nén, áp chế…; các tâm thiện thì được cất nhắc. Khi khởi tâm đến đối tượng một cách sai lạc, không chân thực, không đúng với chân lý, sự thật thì nên ngược đãi, đè nén nó. Khi khởi tâm đến đối tượng một cách trong sáng, chân thật, đúng với chân lý, sự thật thì tâm ấy nên được cất nhắc, khen ngợi, làm cho phát triển.
Người nào thực hành giáo pháp sai thì nên đè nén, chế ngự… Người nào thực hành giáo pháp đúng thì nên cất nhắc, khen ngợi, tán dương, làm cho sung mãn v.v…

Tương tự như thế, kẻ ăn trộm thì cho đè nén, người không ăn trộm thì được cất nhắc! Tất cả những điều ấy đều phải hiểu theo Pháp ngữ, pháp nghĩa cả, tâu đại vương!

Đức vua Mi-lan-đà nhăn mày:

– Thưa, đoạn trên thì trẫm hiểu, nhưng đoạn dưới, nơi chỗ “ăn trộm” thì trẫm không hiểu tới; “đè nén kẻ ăn trộm” phải được hiểu như thế nào, đại đức?

– Tâu, ở đây, phải hiểu thêm lý nhân quả, tùy tội trạng của tên ăn trộm ấy nữa. Ví như có những tên phạm pháp ăn trộm, tùy theo mức nặng hay nhẹ mà đại vương xử phạt. Có tội nhẹ thì khiển trách, tội đáng trói để răn đe thì nên trói để răn đe, tội đáng lưu đày thì lưu đày, tội đáng giết thì nên giết… Không ăn trộm thì không giết. Luật pháp thế gian là vậy, còn luật pháp của bậc thánh, khi nói như thế thì phải được hiểu theo Pháp ngữ, mong đại vương tỏ tường!

– Thưa, “đáng giết thì nên giết, giết phứt” đúng là câu nói của Đức Tôn Sư hay câu nói của đại đức?

– Tâu, Đức Thế Tôn không nói, mà bần tăng cũng không nói thế đâu!

– Vậy chữ “giết” kia do đâu mà có?

– Do nhân quả mà có. Ví dụ người ấy gây nhân quá nặng, đáng bị trọng hình, đáng bị giết – thì chính người ấy phải bị quả báo dữ! Chính quả báo dữ giết người ấy, tâu đại vương!

– Thưa, tạm thời trẫm hiểu, nhưng “không ăn trộm thì không giết” là nghĩa thế nào?

– Đại vương có khi nào sai lính đi lùng bắt những người dân lương thiện, những người vô tội… rồi đem về tra khảo, hành hình không?

Đức vua Mi-lan-đà lắc đầu:

– Có ông vua nào lại làm điều phi lý như thế!

– Cũng thế, những chúng sanh không làm điều sai quấy, không làm điều ác, điều dữ… thì quả báo nào lại đi lùng bắt kẻ ấy, phải thế không đại vương?

– Vâng.

– Tất cả những từ như đè nén, ngược đãi, cất nhắc, giết, ăn trộm… chúng ta phải hiểu theo Pháp ngữ, tâu đại vương!

– Trẫm hiểu rồi, cảm ơn đại đức!

* * *

(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)

×