Đức vua Mi-lan-đà hỏi tiếp:
– Thưa đại đức! Đức Thế Tôn có thuyết ở trong nhiều kinh, nhất là kinh Brahmajàla (Phạm võng), lúc Ngài ngự giữa thành Vương Xá và xứ Na-lan-đà, cố ý dạy cho Chư tỳ khưu Tăng, rằng: “Này các thầy, nếu có ai đó tán dương, khen ngợi Như Lai hoặc khen ngợi và tán dương Pháp và Tăng, các thầy đừng có hoan hỷ, thỏa thích, đừng để tâm rung động, xao động, bởi những lời khen ngợi ấy. Vì sao vậy? Bởi vì nếu các thầy hoan hỷ, thỏa thích, đắm trước vào những sự tán dương, khen ngợi, tâng bốc của người đời – thì tâm các thầy sẽ lao xao, rối loạn; và như thế các thầy khó an trú tâm, khó đắc định, khó chứng ngộ những pháp cao siêu là các đạo và các quả.” Điều ấy có đúng không, đại đức?
– Tâu, đúng là lời của Đức Tôn Sư!
– Thưa, nếu đúng là lời của Đức Tôn Sư, thì lại càng khó hiểu khi Đức Thế Tôn lại tự tán dương, khen ngợi mình, có vẻ khoe khoang quá đáng trước mặt người ngoại đạo là bà-lamôn Sela rằng: “Giữa chốn chư thiên, ma vương, phạm thiên và loài người, Như Lai là bậc Tối Thượng Tôn, là bậc pháp vương cao quý. Không có ai có công đức bằng Như Lai. Như Lai đã chuyển Pháp luân toàn hảo ở chặng đầu, toàn hỏa ở chặng giữa và toàn hảo ở chặng cuối để cứu độ tất thảy chúng sanh, trời và người. Không ai có thể so sánh tương tợ với Như Lai, huống nữa là ngang bằng với Như Lai!”
Thưa đại đức! Một đằng thì Đức Thế Tôn cấm Chư tỳ khưu Tăng không được hoan hỷ, thỏa thích bởi những lời tán dương, khen ngợi. Đằng khác, Đức Thế Tôn lại tự khen ngợi, tự tán dương mình! Trẫm nghi lắm. Trẫm nghi rằng có cái gì đó rất mâu thuẫn, không được thích đáng cho lắm ở ngôn và hành của Đức Đạo Sư!
Đại đức Na-tiên mỉm cười:
– Lý do tại sao Đức Thế Tôn giáo giới không cho Chư tỳ khưu Tăng hoan hỷ, thỏa thích trước những lời khen ngợi, tán dương – đại vương có biết chăng?
– Thưa, vì ngại tâm Chư tỳ khưu bị xao động, khó an trú tâm, khó đắc định và khó đắc đạo quả!
– Đúng vậy! Còn đối với những người đã khéo an trú tâm, đã đắc định, đã chứng đắc Thánh quả – thì Đức Thế Tôn có cần thiết giáo giới như thế không?
– Dĩ nhiên là không cần thiết, thưa đại đức! Ví như kiêng cử không nên ăn món này, không nên ăn món kia và uống thuốc để chữa bệnh, nhưng bệnh lành rồi thì uống thuốc và kiêng cử làm gì nữa, đại đức?
– Vâng, Đức Thế Tôn cũng thế. Ngài đã an trú tâm, đã đắc định và đã đắc quả vị Chánh Đẳng Giác – thì lời khen, tiếng chê có ảnh hưởng gì đến tâm Ngài đâu, đại vương!
– À, đúng thế!
– Lại nữa, Đức Thế Tôn thuyết không phải mong được kẻ khác tôn trọng, không phải thuyết để tìm kiếm lợi lộc, danh vọng; không phải thuyết để tìm kiếm kẻ tùy tùng, đệ tử. Ngài thuyết chỉ vì lợi ích cho chúng sanh.
Đại vương! Đại vương có biết rằng, sau thời pháp mà đại vương bảo là Đức Thế Tôn tự khen ngợi và tự tán dương mình ấy, bà-la-môn Sela đã tăng trưởng đức tin, pháp nhãn phát sanh và chứng ngộ Sự Thật. Và ba trăm người nữa có mặt hôm ấy cũng chứng đắc đạo quả cao siêu! Đại vương nghĩ thế nào, thời pháp ấy là thù thắng hay không thù thắng?
– Thưa, rất vi diệu.
Đại đức Na-tiên nhấn mạnh:
– Đức Thế Tôn có “khoe khoang quá đáng” như lời đại vương khiển trách – thì mục đích cũng nhắm vào căn cơ của người đối thoại, nhắm vào lợi ích của chúng sanh thôi, tâu đại vương!
– Trẫm không dám nói thế nữa đâu!
* * *
(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)