132. Rơi đi bằng phi pháp? Rơi đi bằng pháp? Cắt đứt sự rơi?

09/08/2022 312 lượt xem

-Thưa đại đức! Đức Thế Tôn có thuyết rằng: “Này các thầy tỳ khưu! Các thầy đừng nên để cho thân các thầy rơi đi bằng phi pháp, nếu có rơi thì cũng nên để cho rơi bằng pháp”. Lời tuyên bố ấy có đúng chăng? Và nghĩa của nó là thế nào?

– Tâu đại vương! Lời tuyên bố ấy chính là của Đức Tôn Sư. Và nghĩa của nó là như sau: rơi đi, té xuống, rơi xuống (pàtana) là câu nói thuộc về pháp ngữ; hàm chỉ cái thân của chúng sanh phải sanh lại, phải tái sanh! Nghĩa là nếu có sanh trở lại thì nên sanh bởi pháp chứ không nên sanh trở lại bằng phi pháp!

– Thế nào là không nên sanh lại bằng phi pháp, và nên sanh lại bằng pháp?

– Tâu, có pháp, bằng pháp nghĩa là có giới; phi pháp, không có pháp nghĩa là không có giới. Nói cách khác, Đức Thế Tôn muốn giáo giới chư tỳ khưu hãy tinh tấn hộ trì giới bổn, thu thúc lục căn, làm cho thân, khẩu, ý được thanh tịnh – thì các đời sống trong tương lai sẽ được an vui, hạnh phúc; ấy là cách nói: “nên rơi đi bằng pháp”. Nếu trái lại, sống mà không hộ trì giới bổn, không thu thúc lục căn; thân, khẩu, ý buông lung, phóng dật thì các kiếp hậu lai sẽ gặt lấy kết quả đau khổ, phiền não. Ấy là cách nói: “đừng rơi đi bằng phi pháp”!

– Giới quan trọng như vậy sao?

– Tâu, quả đúng như vậy! Giới có công năng diệt trừ tất cả mọi đau khổ phiền não của chúng sanh. Rải rác trong kinh, chỗ này chỗ kia, Đức Phật thường ví giới như một loại thuốc có thể diệt trừ tất cả mọi loại độc, nhất là độc phiền não. Giới như một loại thuốc trị bệnh, có công năng đối chứng trị liệu tất cả tâm bệnh phiền não của chúng sanh. Giới ví như một loại nước trong mát, có thể rửa sạch mồ hôi, bụi đất, đồ dơ bẩn dính ở nơi thân, tức là bụi bặm dơ uế của phiền não. Giới ví như ngọc ma-ni có tên gọi là ngọc như ý, có thể làm cho thành tựu tất cả mọi nguyện vọng, mong mỏi của chúng sanh. Giới ví như chiếc thuyền lớn, có thể vượt qua khỏi bốn dòng nước cuồng lũ – tức là sanh, già, đau, chết. Giới ví như chiếc xe lớn có khả năng đi qua được bốn con đường hiểm trở cam go – tức là sanh, già, đau, chết. Giới ví như một trận gió lớn có thể thổi tắt tức khắc ba loại lửa là lửa tham, lửa sân và lửa si. Giới ví như một đám mưa lớn có thể thỏa mãn được cho dân chúng trong mùa hạn hán. Giới ví như một bậc thầy sáng suốt, hiền đức luôn dạy học trò những việc thiện, những điều lành, tốt. Giới ví như một người chỉ đường có đầy đủ lương năng và tâm từ ái, luôn luôn vui vẻ đối với kẻ lạc đường; chỉ cho họ bỏ đường mê về với nẻo sáng, đường tà trở lại với đường chánh.

Tâu đại vương! Công năng của giới là vô lượng, vô hạn, bất khả tư nghì. Không những giới sẽ thành tựu những đức tính cao quý tốt đẹp cho con người, tạo nên y báo, chánh báo mỹ toàn và sang cả; mà còn giúp cho chúng sanh vượt thoát bốn nỗi sợ hãi to lớn của đời người tức là sanh, già, bệnh, chết nữa!

Đấy là những lợi ích của giới, tức là lợi ích của những người “hãy nên rơi đi bằng pháp” đấy, tâu đại vương!

– Thưa đại đức! Đức Đại Bi cấm chế giới luật vì những lợi ích thiết thực và thù thắng như thế, trẫm đã hiểu rồi. Có rơi đi, có chết đi, có sanh lại cũng bằng pháp chứ không phải bằng phi pháp. Cũng có nghĩa là các thầy tỳ khưu hãy hộ trì giới, nâng đỡ giới, đừng để cho giới hư hỏng, tiêu hoại; đúng như lời của Đức Ca-diếp đồng tử (Kumàra Kassapa) đã thuyết: “Các bậc sa-môn, bà-la-môn thực hành giới, có pháp, có hạnh kiểm tốt đẹp hằng sống trong thế gian vì lợi ích cho mình và cho người khác”.

– Đại vương đã hiểu rất đúng đắn.

– Nếu như có giới, có pháp, có hạnh kiểm tốt đẹp, lợi ích cho mình và tha nhân như thế; tại sao Đức Thế Tôn lại còn thuyết về “cắt đứt sự rơi đi”, nghĩa là cắt đứt sự sanh, già, đau, chết; nghĩa là chấm dứt sự tái sanh, sự trở lại thế gian dù sự trở lại ấy là tốt đẹp, là lợi ích cho mình và người?

– Đức Thế Tôn đã thuyết với pháp tuần tự, thứ lớp. Đầu tiên, ngài dạy chư tỳ khưu đừng cho rơi đi bằng phi pháp, sau đó là nên rơi đi bằng pháp. Rơi đi bằng pháp có lợi ích cho mình và tha nhân như đại vương đã hiểu. Tuy nhiên, cứu cánh của sa môn hạnh không phải dừng lại ở đó, vì “rơi đi bằng pháp” vẫn còn đau khổ, phiền não. Muốn được an vui tuyệt đối thì cần phải “cắt đứt luôn sự rơi đi”; nghĩa là không còn cả sự sanh kia nữa, tâu đại vương!

– Xin đại đức hãy giảng rộng điều ấy.

– Vâng. Còn rơi đi, còn sanh lại, là còn biết bao nhiêu cái khổ mà chúng sanh phải gánh chịu như là một cái gì tất yếu, lắm nghiệt ngả. Đại vương hãy nghe một số khổ kéo theo “Khổ sanh” (Jàtipi dukkhà):

Sự khổ do thân thể suy nhược, già yếu.

Sự khổ do bệnh hoạn, ốm đau.

Sự khổ do thân thể tan rã, hủy diệt, tử vong.

Sự khổ do sầu khổ, thương nhớ.

Sự khổ do khóc than, uất ức, yêu thương, chia lìa v.v… Sự khổ do trái ý, nghịch lòng v.v…

Ở một chỗ khác, Đức Thế Tôn lại nói đến những cái khổ khác, theo cách khác:

Sự khổ do phải gần gũi, thân cận người mà mình không thích, tức là kẻ mà mình oán thù, kẻ nghịch hoặc người mình ghét (oán tăng hội khổ).

Sự khổ do xa cách, biệt ly người mình yêu thương ví như cha mẹ, vợ chồng, con cái, quyến thuộc (ái biệt ly khổ). Hoặc có sự não hại, hư hại, tai ương, hoạn nạn đến cho những người mình yêu thương cũng phát sanh sự khổ.

Vật sở hữu, của cải, tài sản, vật thực bị hư hao, mất mát… cũng phát sanh khổ.

Ngoài ra, còn rất nhiều sự khổ phát sanh do sợ hãi:

Sợ hãi do giới đã thọ trì bị hư hoại, sợ sẽ tái sanh trong khổ cảnh.

Sợ hãi vi phạm luật vua, phép nước mà bị trọng tội, tù ngục, tử hình.

Sợ hãi kẻ trộm cắp, cướp của, giết người.

Sợ hãi nạn lửa.

Sợ hãi nạn nước lũ phá nát ghe thuyền, nhà cửa ngập lụt, ruộng vườn tiêu hoại hoa màu

Sợ hãi sóng to, thuyền đắm chìm mất của cải, hàng hóa.

Sợ hãi cá sấu dữ.

Sợ hãi chỗ nước xoáy.

Sợ hãi cá đao, cá mập có răng dài.

Sợ hãi vì lỡ nói lời sái quấy, xằng bậy, không chính đáng, phi pháp.

Sợ hãi chấm dứt mạng sống. Sợ hãi bốn đường dữ.

Rồi còn những sợ hãi do bị cắt tay chân, bị nhục hình, tật nguyền… thật là vô số kể ở các kiếp sống trả vay, nhân quả trong sáu đường.

Tâu đại vương! Nói tóm lại, không biết bao nhiêu là thống khổ khi còn phải tái sanh trong thế gian này. Ví như dòng chảy từ Hy-mã-lạp sơn của con sông đại Hằng đã cuốn theo mình nó không biết bao nhiêu đất đá, cát sỏi, cành cây, rễ cây, gốc cây, rác rều, gỗ mục, xác chết sinh vật … Cũng vậy, dòng sinh tử ái hà cuồng lưu chảy xiết ấy nó cũng đầy rẫy những nỗi thống khổ không thể đếm được. Chính những thứ sợ hãi lớn và vô lượng quả báo nghiệp mà chúng sanh phải gánh chịu khi còn phải quẩn quanh trong vòng luân hồi, nó tạo ra các sự thống khổ kia!

Tâu đại vương! Còn sanh, già, đau, chết là còn đau khổ, phiền não. Muốn chấm dứt đau khổ, phiền não, để đạt được hạnh phúc siêu thế là đạo quả Niết bàn thì phải cắt đứt sự sanh, diệt tắt sự tái sanh. Đức Thế Tôn dạy cho chư tỳ khưu Tăng, các hàng Thinh Văn vượt qua sanh, già, đau, chết là vì lẽ ấy.

Đại vương đã hiểu rõ tại sao lại “cắt đứt sự rơi” chưa?

– Thưa, rất rõ ạ! Như thế, Đức Thế Tôn đã thuyết về lý “vô sanh” theo cách khác, phải chăng?

– Tâu, vâng!

– Cảm ơn đại đức!

* * *

(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)

×