131. Kiếp áp chót, tại cung trời Đẩu suất, Đức Bồ-tát quán xét thế gian để làm gì?

09/08/2022 265 lượt xem

– Bạch Đại đức! Một bậc Toàn Giác sau khi công hạnh ba la mật sắp viên mãn, kiếp áp chót tại cung trời Đẩu-suất-đà sanh xuống thế gian, có lẽ ngài đã biết rõ: Phật phụ và Phật mẫu do nhân duyên nhiều đời đã chờ đợi sẵn?

– Tâu, vâng!

– Các bậc tối thượng Thinh Văn cũng y như thế?

– Tâu, vâng!

– Các vị đại thí chủ trong hàng vua chúa, triệu phú… cũng đã được nhân duyên sắp đặt?

– Tâu, vâng!

– Thế là các vị đại bồ-tát cái gì cũng biết trước do công hạnh ba la mật và nhân duyên nhiều đời. Nhưng sao trong kinh có nói rằng: Đức đại bồ-tát kiếp áp chót tại cung trời Đẩu-suất-đà trước khi giáng thế, ngài phải quán xét thế gian xem thử có hội đủ tám điều kiện như sau không:

  1. Một là, Kàlamviloketi: xem xét thời kỳ thích hợp.
  2. Hai là, Dìpam viloketi: xem xét trong bốn châu xem thử châu nào thích hợp (Nam Thiện bộ châu).
  3. Ba là, Desam viloketi: xem xét quốc độ thích hợp (Trung Ấn độ).
  4. Thứ tư, Kulam viloketi: xem xét giòng họ, gia tộc thích hợp.
  5. Thứ năm, Janettim viloketi: xem xét Phật mẫu thích hợp (có phải là người mẹ nhiều đời đã có lời nguyện thành Phật mẫu hay không).
  6. Thứ sáu, Ayum viloketi: tuổi thọ của chúng sanh thích hợp (khoảng một trăm tuổi thọ).
  7. Thứ bảy, Màsam viloketi: ngày tháng giáng sinh thích hợp.
  8. Và thứ tám, Nekkhamma viloketi: rừng núi nào sẽ xuất gia, tu tập thích hợp.

Đức đại bồ-tát đã biết trước rồi, thế thì tại sao lại còn quán xét tám điều kiện như đã nêu trên? Việc làm ấy có thừa không? Có vô ích không?

Đại đức Na-tiên đáp:

– Mặc dầu đại bồ-tát biết trước nhưng vẫn quán xét, tâu đại vương! Sự quán xét ấy là việc làm bình thường. Ví như một người bán hàng, vốn biết rõ trong gian hàng của mình còn những thứ gì, nhưng khi bán cũng phải xem xét, cẩn thận coi lại một lượt nữa. Ví như loài voi, biết và thấy rõ đường đi của nó, nhưng khi đi phải đưa cái vòi xem xét, rà soát lại. Ví như viên thuyền trưởng dong thuyền ra khơi, mặc dù dạn dày kinh nghiệm nhưng khi đi cũng phải xem xét phương hướng, luồng lạch cẩn thận. Ví như một người lái buôn vận chuyển hằng chục xe bò đường xa, qua sông nào, bến xuống, bến lên như thế nào, y nắm rất vững nhưng không phải vì thế mà không xem xét lại. Ví như vị lương y tài giỏi kia, sau khi hỏi về bệnh trạng, quan sát người bệnh; đã nắm chắc được bệnh tình, nhưng khi bốc thuốc cũng phải xem mạch lại mới quyết định. Ví như một con rắn độc từ hang bò đi, nó biết rõ miệng hang, nhưng khi đi, vẫn quay lại nhìn miệng hang một lần nữa. Ví như một vị tỳ khưu khi sử dụng tứ sự là vật thực, y phục, chỗ ở, thuốc ngừa bệnh, vốn biết rõ chúng chỉ là vật tạm dùng, chỉ là phương tiện để tu tập, nhưng cũng phải tụng kinh quán tưởng v.v…

Tâu đại vương! Qua những ví dụ như trên để biết rằng, sự quán xét tám điều của đức bồtát là việc làm bình thường, cần thiết, chẳng phải vô ích, vô bổ như đại vương nghĩ đâu!

– Thưa vâng, cảm ơn trí tuệ quảng bác của đại đức!

* * *

(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)

×