– Thưa đại đức! Đạo vốn có sẵn tự ngàn xưa phải chăng?
– Vâng, có tự ngàn xưa, do chư Phật quá khứ đã khai sáng, đã tìm ra.
– Thế sao Đức Thế Tôn của chúng ta lại nói rằng “Như Lai là người làm cho Đạo chưa phát sanh được phát sanh”? Vậy ra lời nói sau lại nghịch ngôn, mâu thuẫn với lời nói trước.
– Chẳng có hai lời sái nghĩa đâu, tâu đại vương! Đạo xưa ấy là nói về Bát chánh đạo, con đường có tám chi; đấy là con đường đi đến giải thoát, chấm dứt sinh tử luân hồi. Chính chư Phật quá khứ sau khi giác ngộ con đường, đã tán dương, tuyên thuyết con đường ấy cho chúng sanh thực hành, noi theo. Nhưng khi các ngài nhập diệt, Bát chánh đạo ấy cũng theo thời gian mà khuất lấp đi, chẳng còn ai biết đến để tu tập nữa. Đến thời Phật Thích Ca, do công hạnh ba-la-mật sâu dày, ngài đã vén mở con đường xưa cũ; đã phát hiện lại con đường, đã phát quang lại con đường, tu tập theo con đường, giác ngộ con đường… cho nên gọi là làm cho con đường được phát sanh! Lý nghĩa ấy thì có gì mâu thuẫn đâu, tâu đại vương?
– Thưa đại đức! Phát sanh là chưa có mà bây giờ lại có, lại sanh ra. Còn Đạo vốn là cái có sẵn nên không thể lập ngôn như vậy được!
– Đại vương nói rất có lý. Nhưng đại vương nghĩ thế nào trong trương hợp viên ngọc mani với đức Chuyển luân Thánh Vương? Phước đức của đức Chuyển luân Thánh Vương từ ngàn xưa có công năng làm cho ngọc mani xuất hiện, gọi là ngọc mani phát sanh đến cho đức Chuyển luân Thánh vương. Nhưng đến khi đức Chuyển luân Thánh vương mãn tuổi thọ, ngọc mani ấy cũng bị biến mất, đến trú ẩn nơi đỉnh núi Vikula. Nhiều đời sau, đức Chuyển luân Thánh vương khác lại ra đời trên thế gian, ngọc mani xuất hiện, lại tìm đến cho đức vua ấy. Thế có thể lập ngôn là ngọc Mani phát sanh đến cho đức Chuyển luân Thánh vương không hở đại vương?
– Có thể được.
– Nghĩa là đức vua ấy không thể tạo ra ngọc mani mà mani ấy vốn có sẵn?
– Đúng vậy.
– Chữ “phát sanh” mà Đức Thế Tôn dùng cũng nằm trong ngữ nghĩa ấy. Đức Thế Tôn không tạo ra Đạo mà Đạo vốn là có sẵn.
– Trẫm hiểu rồi.
– Ngọc mani xưa thần bí, ẩn tàng không ai có thể thấy được, chẳng ai có khả năng làm cho nó lộ diện, chỉ có công năng phước báu của đức Chuyển luân Thánh vương mới làm cho nó phát sanh. Tương tự như thế, Bát chánh đạo sâu kín, mầu nhiệm, khó thấy, khó tìm; chẳng ai trong tam giới có khả năng làm cho Bát chánh đạo hiện hữu; chỉ có công hạnh ba-la-mật sâu dày, trí tuệ vô thượng của Đức Phật mới có công năng làm cho Bát chánh đạo phát sanh giữa cuộc đời.
– Trẫm đã hiểu.
– Lại nữa, ví như người nữ sanh con. Trong bụng người nữ có con mới gọi là người nữ sanh con. Nếu trong bụng người nữ không có con thì người nữ có sanh con được không hở đại vương?
– Chẳng thể nào.
– Đức Phật giác ngộ Bát chánh đạo từ ngàn xưa, ở trong tâm, rồi nói ra bát chánh đạo ấy; cũng như người nữ có con trong bụng, rồi sanh đứa con ấy ra, tâu đại vương!
– Hay lắm!
– Lại nữa, ví như một người đàn ông giàu có, của cải tài sản, châu báu được chôn giấu nhiều nơi; do chiến tranh, loạn lạc, vật đổi, sao dời, người đàn ông không tìm ra tài sản ấy nữa. Sau đó, do cố gắng, do kiên trì, do trí nhớ, ông ta đã tìm lại được. Ấy có thể gọi là làm cho tài sản phát sanh trở lại không, hở đại vương?
– Có thể được.
– Lại nữa, ví như một người đàn ông nọ tự ý vào rừng, nhắm hướng đông tây nam bắc rồi chặt bỏ bụi bờ, gai góc, làm sạch một con đường, thì tình cờ phát hiện một con đường xưa cũ bộ hành qua lại. Tương tự như thế, Đức Thế Tôn cũng là một người đi vào một khu rừng, phát quang bụi bờ gai góc, chợt tìm ra con đường Bát chánh đạo mà chư Phật quá khứ đã đi qua, vốn đã bị thời gian khuất lấp. Trường hợp ấy cũng cùng một ý nghĩa cả, tâu đại vương!
– Trẫm đã hết nghi ngờ rồi, thưa đại đức!
* * *
(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)