153. Nước có sanh mạng chăng?

16/09/2022 313 lượt xem

– Thưa đại đức! Nước có sanh mạng chăng?

– Tâu đại vương! Nước vốn không có tâm, không có thức, không có sự sống, làm sao lại có sanh mạng được!

– Thưa, theo trẫm được hiểu, những người ngoại đạo quan niệm rằng, nước lạnh là nước sống, nước nóng là nước chết, nên họ chỉ uống nước nóng thôi. Họ chê trách các sa môn Thích tử uống nước lọc, nước lạnh là giết hại chúng sanh. Điều ấy phải nên giải thích như thế nào?

– Đấy là tà kiến, thấy sai, hiểu lầm, tâu đại vương! Nước không có sanh mạng nên chẳng phải là chúng sanh.

– Vâng, trẫm cũng biết thế, nhưng họ bảo rằng, nước có sanh mạng, là chúng sanh; vì khi đun nước, nước đau quá nên nước sôi lên, nước kêu lên, nước sủi bọt; chứng tỏ nước có tâm, có thức biết cảm giác như tất cả giống hữu tình khác.

– Chẳng phải thế đâu, đại vương! Nước bị lửa đốt, nóng thì kêu lên, đấy là chuyện nhân quả xảy ra rất tự nhiên!

– Nhưng họ bảo, vì nóng nên nước kêu lên; kêu lên, chứng tỏ nước có cảm giác, có tâm thức.

– Thế gặp những năm hạn hán, nước trong hồ, trong giếng, sông rạch đôi khi khô cạn sao nước ấy lại không kêu? Nước ở sông, giếng, ao hồ không có sanh mạng sao?

– Vì nước ấy không nóng sôi như nước nấu!

– Tâu, nóng sôi thì kêu nhiều, nóng ít thì kêu ít! Nếu có tâm thức thì ít ra nước cũng phải kêu lên chứ, vì mặt trời thêu đốt cho đến nỗi nước khô cạn mà!

– Vâng, lẽ ra phải thế!

– Tuy nhiên, nước kêu bằng nhiều giọng khác nhau cũng không phải là nước có sanh mạng! Vì sao! Nước suối kêu, nước thác đổ kêu, nước biển kêu ì ầm năm này sang năm nọ, đâu phải vì nóng sôi mà kêu! Nó lạnh, mát là khác!

– Vâng!

– Nước nấu sôi do nóng mà kêu. Nước suối, nước thác kêu là do đổ xuống chỗ thấp, va đập vào đá; nước biển kêu là do gió thổi tạo thành làn sóng. Làn sóng này đập vào làn sóng kia, sóng đập vào bờ, vào chân núi nên có tiếng kêu. Nói tóm là do tác động của sức nóng, của gió, do va đập mà kêu chứ đâu phải nước có sanh mạng, có tâm, có thức, tâu đại vương!

– Vâng!

– Lại nữa, ví như nước nóng bốc hơi lên giữa hư không kết tụ làm mây, gió thổi đưa đám mây ấy tan tác, rơi chỗ này, chỗ kia gọi là mưa. Mưa ấy rơi xuống đất, một phần ngấm trong đất sau thành nước mạch, nước giếng, một phần thành hồ, thành ao, thành sông… rồi thành biển. Chỗ nước lặng, không kêu, không nổi thành sóng là nước trong vại, trong chum, không có sức nóng đốt và không có gió. Chỗ nước sôi động, kêu là do có sức nóng, do va đập, do gió. Đơn giản chỉ có vậy. Cho nên, nước nóng hay lạnh đều không có tâm, có thức, có sanh mạng!

– Thưa vâng!

– Người ta căng da trống, đánh lên, trống kêu đâu có sanh mạng gì đâu, đại vương!

– Vâng,

– Con voi lấy vòi hút nước uống, vì vòi voi dài, rỗng nên nước kêu lên chứ đâu phải là vì có tâm thức!

– Thưa, vâng.

– Thuyền chở hàng, căng buồm vượt biển lớn, sóng vỗ vào mạn thuyền mà kêu, tâu đại vương!

– Vâng!

– Có những loài cá to lớn sống dưới biển, thường hay đùa giỡn, hút nước phun lên giữa hư không; nước qua miệng và răng chúng nên kêu lên, chứ có sanh mạng nào ở đó, tâu đại vương! Vậy lời của ngoại đạo, sự chấp kiến của ngoại đạo hoàn toàn sai lầm.

– Trẫm đã thấy rồi!

* * *

(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)

×