– Thưa đại đức! Hồi hướng thiện báo, thiện quả thì trẫm thông rồi. Nhưng còn ác báo, ác quả thì sao? Ví như có người tạo ngũ nghịch đại tội như giết cha, giết mẹ v.v… rồi hồi hướng đến cho cha mẹ, ân nhân, quyến thuộc… hoặc cho kẻ thù nghịch đã quá vãng từ nhiều đời, có được không, đại đức? Người được hồi hướng có nhận được ác quả, ác báo ấy chăng?
Đại đức Na-tiên ngạc nhiên:
– Thật là câu hỏi lạ lùng, bần tăng chỉ mới nghe lần đầu. Tuy nhiên, bần tăng sẽ trả lời ngay: việc ác không thể hồi hướng được, tâu đại vương!
– Tại sao lại không được? Thiện hồi hướng được thì ác cũng phải hồi hướng được chứ! Thiện có nơi nhận được thì ác cũng phải có nơi nhận được chứ? Pháp vốn bình đẳng mà!
– Câu hỏi tại sao này, thật khó trả lời! Và có lẽ đại vương cũng không nên đặt những câu hỏi như thế.
– Tại sao?
– Vì câu hỏi ấy cũng tương tự như những câu hỏi sau đây: Chanh, tại sao mày chua? Ớt, tại sao mày cay? Những câu hỏi ấy có thể trả lời được không, đại vương?
– Đã trả lời không được, mà còn vô ích nữa.
– Cũng tương tự như thế là câu hỏi của đại vương!
– Trẫm thấy chúng chẳng có gì giống nhau cả! Thật ra, trẫm không cố ý tìm câu hỏi hiểm hóc để bắt bí đại đức. Sở dĩ trẫm hỏi như thế là vì thế gian sẽ có người đặt những câu hỏi tương tự. Mục đích mà trẫm muốn nhắm đến là lợi ích cho phần đông và lợi ích cho các thế hệ hậu lai. Đại đức nên thông cảm.
Đại đức Na-tiên mỉm cười:
– Bây giờ đại vương thử trả lời những câu hỏi của bần tăng xem sao! Rồi từ những câu hỏi ấy, chúng ta sẽ trở lại vấn đề, được chăng?
– Thưa vâng.
– Có người lấy ống nước – nghĩa là bên trong có lỗ bộng – để thổi nước đi xa; họ có làm được không, đại vương?
– Được chứ!
– Vậy nếu có một hòn núi – bên trong cũng có lỗ bộng -có thể thổi nước đi xa được không, đại vương?
– Không thể được!
– Còn nữa, người ta thường đốt đèn bằng dầu, có người bắt chước, lại thay dầu bằng nước, thế có đốt đèn được không, đại vương?
– Không được!
– Ví như có người nông phu khai nước thông từ hồ vào ruộng, làm được vụ mùa phát tài; có người bắt chước, dẫn nước biển vào ruộng, thế y có thu hoạch được gì không, đại vương?
– Lúa chết hết còn gì!
Đến đây, đại đức Na-tiên trầm ngâm giây lát rồi mới cao giọng nói:
– Mỗi loài, mỗi vật, mỗi pháp trên thế gian này đều có những đặc tính, tính chất khác nhau, không ai có thể trả lời tại sao chúng có hình dáng, tính chất ấy. Chanh có vị chua, mít có vị ngọt. Chua, ngọt là đặc tính, tính chất của chanh, của mít. Cũng tương tự thế, ống hút nước có công dụng, chức năng của ống hút nước, cái ngọn núi bộng kia không thể làm chức năng của ống hút nước được. Dầu dùng để đốt vì nó có tính chất dẫn cháy, nước không thể thay thế dầu được. Nước ngọt giúp cho việc trồng lúa, nhưng nước mặn lại làm lúa chết! Tất cả những điểm mà bần tăng đưa ra ở trên, nghe có đúng không, đại vương?
– Không sai!
– Trở lại vấn đề đầu tiên, là thiện và ác. Thiện, ác là hai pháp, mỗi thứ có một tính chất, một đặc tính, công dụng và chức năng khác nhau. Tương tự như mít thì ngọt mà khế thì chua: người làm việc thiện thì tâm mát mẻ, người làm điều ác thì tâm nóng nảy. Mát mẻ hay nóng nảy là phản ứng tất yếu của thiện và ác; chúng không thể trao đổi trạng thái và phản ứng cho nhau được. Pháp nào bảo tồn và duy trì tính chất của pháp ấy! Đại vương đã nắm vững điều này chưa?
– Trẫm còn lờ mờ lắm đấy!
– Dầu thì đốt được, còn nước không đốt được vì dầu mang tính chất của vật dẫn cháy. Cũng tương tự thế, thiện hồi hướng được, ác không hồi hướng được là do tính chất của nó như vậy, chúng không thể làm khác tính chất của chúng, ta cũng không thể áp đặt bảo chúng phải khác đi!
Nói rộng hơn tí nữa, bản chất của thiện là lan tỏa, càng thắp càng sáng, càng hồi hướng thì càng được nhiều. Bản chất của ác là co rút, cô đặc, không lan tỏa, người nào làm thì người ấy chịu thôi, chẳng thể chia xẻ được cho ai! Đại vương nghĩ thế nào?
– Thưa, đã bắt đầu sáng ra rồi đấy.
– Thiện có quả nhiều, ác có quả ít; đó là bản chất, tính chất của nó, là một cái gì cố hữu, tất yếu vậy, đại vương!
– Nhiều và ít ấy như thế nào, đại đức?
– Một giọt nước có thể rơi thấm được mười sào đất, hai mươi sào đất không, đại vương?
– Không thể.
– Thế một trận mưa to, rất lớn, rất lâu – thì sao đại vương?
– Không những thấm nhuần cả một vùng mà còn đầy giếng, khe, suối, sông, rạch… nữa là khác!
– Cũng tương tự như thế! Việc thiện mà người nào đã làm thì có thể thấm nhuần, chia sớt đến cho rất nhiều người, vì thiện vốn có quả nhiều. Còn ác thì không thể như vậy vì nó có quả rất ít, tâu đại vương!
– Vâng!
– Khi làm việc lành, tốt thì tâm người ta hoan hỷ, mát mẻ, phỉ lạc. Khi làm việc xấu thì tâm người ta nóng nảy, ăn năn, hối hận. Cái tâm hoan hỷ, mát mẻ, phỉ lạc ấy sẽ được lan tỏa, tươi nhuần, tuôn chảy đến nhiều người. Cái tâm nóng nảy, ăn năn, hối hận ấy sẽ co rút, cô đặc, khô cháy nên không thể tuôn chảy đến đâu được. Đấy là lý do thiện quả, thiện báo thì hồi hướng được, còn ác báo, ác quả thì không hồi hướng được, tâu đại vương!
– Thật là kiến giải của bậc thông tuệ, trẫm xiết bao tâm phục.
* * *
(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)