168. Tại sao có chiêm bao?

04/10/2022 251 lượt xem

– Thưa đại đức, hôm nay chúng ta bàn về giấc mộng nhé! Tại sao có người mộng lành, có người mộng dữ? Tại sao có người chiêm bao thấy cảnh, người hay vụ việc đã có từ trước? Có người lại chiêm bao thấy cảnh, người hay vụ việc chưa hề có? Lại có người nằm thấy chuyện hạnh phúc, vui tươi; có người nằm thấy chuyện sợ hãi, khiếp đảm? Lại có người thấy một việc mình đã làm, người khác lại thấyviệc mình chưa hề làm? Rồi lại còn mộng thấy gần, thấy xa; có kẻ lại thấy chuyện đâu như hằng ức kiếp? Tất cả các loại chiêm bao ấy – nguyên cớ do đâu, đại đức?

– Tâu đại vương! Tất cả các loại chiêm bao ấy đều do từ những lý do sau đây:

  1. Thứ nhất, do chất gió (phong đại) trong cơ thể dấy động.
  2. Thứ hai, do mật tác động.
  3. Thứ ba, do đàm tác động.
  4. Thứ tư, do bệnh, nóng (sốt) hay lạnh (hàn) tác động.
  5. Thứ năm, do chư thiên, quỷ hay ma tác động.
  6. Thứ sáu, những chủng tử có sẵn trong tâm do mình đã tạo tác từ quá khứ.

Trong sáu nguyên nhân kể trên, chỉ có nguyên nhân thứ sáu là thật. Chiêm bao do nhân thứ sáu này tác động là chiêm bao có thật. Còn ngoài ra, các giấc chiêm bao do những nguyên nhân khác đều không thật.

– Ý đại đức muốn nói, chiêm bao có thật này do cảnh, vật, người hay vụ việc mình đã tạo trữ từ trước hiện tồn trong dòng tâm hữu phần (Bhavangacitta) hay sao?

– Tâu, đúng thế! Đúng là nó được tàng trữ trong hữu phần tâm. Tuy nhiên, nói tâm tạo ra nó là không đúng, mà nói nó tự hiện ra cũng không phải.

– Thưa đại đức! Đã bắt đầu khó hiểu rồi đây!

– Không khó đâu, ví dụ là đại vương hiểu ngay. Ví như cái hình và bóng ở trong gương, nói cái gương tạo ra bóng là không được mà nói bóng tự hiện ra cũng không được. Tuy nhiên, muốn có bóng thì phải có hình, hình soi vào gương mới có bóng. Trước đây, chúng ta làm một việc gì đó (hình), việc đó lưu bóng ở trong tâm (gương). Chiêm bao chính là thấy lại cái bóng ấy ở trong gương (bhavangacitta). Đơn giản chỉ có vậy.

– Vâng, trẫm hiểu rồi! Nhưng có khi nào người nằm mộng thấy chiêm bao này là tốt, chiêm bao kia là xấu không, đại đức?

– Người chiêm bao không thể biết chiêm bao ấy xấu hay tốt. Có thể kể lại chiêm bao ấy cho những người đoán mộng nghe, họ có thể biết được. Nó ví như những nốt ruồi đen hay đỏ ở trong cơ thể, chúng ta không thể biết được chúng mọc ở chỗ nào là tốt, chỗ nào là xấu, chỗ nào có tiền tài, chỗ nào nghèo khổ, chỗ nào họa hại, chỗ nào may mắn. Chỉ có những ông thầy tướng pháp mới có thể biết được điều đó, tâu đại vương!

– Thế thì lúc chiêm bao, người ấy ngủ hay thức?

– Ngủ hay thức đều không thể chiêm bao. Nói rõ hơn, ngủ say quá hoặc tỉnh táo quá đều không thể chiêm bao được; chỉ khi nào nửa tỉnh, nửa mê, nghĩa là ngủ mà không say đắm, tỉnh nhưng mà mơ mơ màng màng; chính ở giữa trạng thái ấy, chiêm bao mới xuất hiện.

– Vâng!

– Nói có tính giáo nghĩa, kinh điển, thì khi ngủ say, ngủ thật ngon, tất cả lục căn (mắt, tai, mũi lưỡi, thân, ý) đều đóng cửa, hoàn toàn không hay biết gì về lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp) bên ngoài. Lúc ấy chỉ còn duy trì sự sống qua sự trôi chảy của hữu phần tâm (bhavangacitta). Ý thức (ý), lúc ấy cũng chìm vào hữu phần tâm này, nên hoàn toàn không hay biết gì cả. Lúc này không thể chiêm bao!

Còn khi ngủ mà giấc ngủ chưa sâu, chưa ngon – thì ý thức lúc ấy chưa chìm vào hữu phần tâm – nên nửa tỉnh, nửa mê! Ngũ căn lúc ấy, nếu bị thế giới ngũ trần tác động mạnh, họ có thể tỉnh lại, hoặc có thể nhận biết! Chính đấy là thế giới mà chiêm bao hiện hữu.

– Đại đức có thể nêu ví dụ chăng?

– Tâu, vâng. Trở lại cái gương soi hồi nãy. Nếu cái gương để ở chỗ tối thì có thể thấy bóng một cách dễ dàng không?

– Không thể.

– Khi ý thức chìm vào dòng hữu phần tâm,như chìm hoàn toàn vào bóng tối, thì ta không thấy bóng; chiêm bao cũng y như thế.

– Vâng!

– Cũng y như có phần đất trên quả địa cầu này, mặt trời không rọi đến được, giấc ngủ sâu không hay biết gì, không thấy gì – là thế!

– Những ai có được giấc ngủ sâu này, đại đức?

– Người vô tâm, vô tư, người mà thế giới ý thức ít làm việc… thường có được giấc ngủ sâu này. Ngoài ra, những người có thiền định, các bậc thánh nhân thường có giấc ngủ ngon lành như thế!

– Còn trạng thái tâm nửa tỉnh nửa mê, nghĩa là đang còn mơ mơ màng màng – tại sao chiêm bao lại xuất hiện?

– Tâu, khi đó, người ấy không còn ghi nhận rõ những hình ảnh thực của ngoại trần; nói cách khác, nó hiện ra nửa thực, nửa hư, mà đa phần hư nhiều hơn thực. Chính trong lúc ấy, những điều được lưu giữ trong ký ức tiền kiếp hoặc được lưu giữ từ quá khứ lại hiện ra, cọng với hình ảnh hư hư thực thực trong hiện tại, chúng tương tác, trộn lẫn… mà làm nên giấc chiêm bao.

– Vâng, thế sao họ lại chiêm bao?

– Giấc chiêm bao có nhiều biểu hiện khác nhau, nhưng đa phần phản ảnh ước mơ thầm kín của chủ nhân. Trong đời sống thường nhật, họ có những nguyện vọng, những ước mơ, những mong muốn không thể thực hiện được. Chính bởi những ràng buộc áo cơm, sự cấm đoán của luân lý, đạo đức xã hội, những thực tế khó khăn không đáp ứng được trong đời sống… mà chúng được tái hiện trong giấc mơ, tâu đại vương!

– Hay lắm, giấc ngủ sâu quá thì không biết gì, tỉnh quá thì giao tiếp với thế giới thường nhật rồi. Vậy chiêm bao chỉ xảy ra ở khoảng giữa hai tình trạng ấy, điều này rất đúng!

– Đại vương đã lãnh hội rất tốt.

– Vâng. Nói tóm lại, khi thức, tâm ý lăng xăng chuyện này chuyện kia nên chiêm bao không thể đến được.

– Đúng vậy. Ví như một tỳ khưu phá hủy chánh mạng thanh tịnh giới, không nuôi mạng chơn chánh, sống thân cận với bạn ác, chuyên hành trược hạnh, rời khỏi sự tinh cần; lười biếng, ham ăn, mê ngủ – thì pháp trợ bồ đề sẽ không bao giờ đến được với họ. Tương tợ như thế, người có làm việc ác hoặc tâm ý lăng xăng, nghĩ ngợi lung tung, hoặc thế giới óc não làm việc nhiều, hoặc lo toan, hoặc mưu tính – thì đêm đêm thường khó ngủ, cứ chiêm bao mộng mị – thật khó khăn để có được giấc ngủ ngon, giấc ngủ sâu, đóng trọn vẹn sáu cửa để cho ý thức được chìm vào hữu phần tâm, tâu đại vương!

– Rất rõ vậy. Và dường như đại đức cố ý phân chia giấc ngủ ra làm ba giai đoạn: đoạn đầu, đoạn giữa và đoạn cuối?

– Đúng thế!

– Đại đức có thể giảng giãi rõ ràng chăng?

– Vâng. Đoạn đầu là lúc chuyển từ giai đoạn đang thức sang giấc ngủ. Đấy là tâm trạng lờ đờ, mệt mỏi, ngáp, cơ thể mệt nhừ, muốn nằm và muốn ngủ.

Đoạn thứ hai, tuy nằm ngủ mà vẫn còn nhận biết thế giới xung quanh, nghĩa là có ngủ nhưng vẫn còn chút thức, ngủ mà ý thức chưa hoàn toàn đóng cửa.

Giai đoạn cuối là lúc ngủ ngon, ngủ sâu, ý thức chìm hẳn vào dòng Bhavanga!

– Cảm ơn đại đức! Thế trạng thái ngủ chút chút ấy, nói cụ thể là như giấc ngủ của con khỉ, nó làm cho phát sanh chiêm bao. Và rõ ràng sự kiện chiêm bao ấy là không tốt. Vậy người tu hành – ý nói bậc chân tu có tinh cần, có giới hạnh – sẽ đối trị với nó ra sao?

– Câu hỏi hay lắm! Muốn đối trị với nó, cần thiết phải trang bị những thứ khí giới sau đây: tỉnh thức, chánh niệm, kiên trú trong pháp. Khi làm được thế, hành giả không bị chi phối bởi ngoại cảnh bên ngoài và những tư tưởng, ý niệm khởi động bên trong, tâm được an chỉ. Tuy nhiên, từ an chỉ dễ đưa đến nhất hành (ekagggatà) – nhất hành này tương tự như nhập vào dòng bhavanga – vị ấy không nhập vào nhất hành mà quán chiếu để thấy rõ vô thường, khổ não, vô ngã để đắc Thánh quả! Như thế, rõ ràng vị ấy không phải ngủ mà cũng chẳng phải thức, cũng chẳng phải ngủ như giấc ngủ con khỉ , tâu đại vương!

– Khi chánh niệm, tỉnh thức, kiên trú trong pháp, rõ ràng vị ấy đang còn thức mà!

– Tâu, thức, nhưng không như cái thức của phàm nhân là bị chi phối bởi mọi cái ồn ào, phức nhiễu ở xung quanh, nên không thể gọi là thức bình thường được!

– Nếu vị ấy không nhập vào bhavanga, tức là còn đang ở giai đoạn thứ hai – nghĩa là ngủ chút chút như con khỉ – thì rõ là vị ấy sẽ chiêm bao!

– Tuy không nhập vào dòng bhavanga nhưng vị ấy không mơ mơ màng màng, không ngủ chút chút như con khỉ, vì ý thức đã yên lặng, tâm đã an lạc. Do vậy, vị ấy không có chiêm bao, tâu đại vương!

– Thế còn giai đoạn cuối, các vị ấy ngủ ngon, ngủ sâu chứ?

– Dĩ nhiên rồi. Các ngài chánh niệm, tỉnh thức ở giai đoạn một; an lạc, vắng lặng ở giai đoạn hai nên đi vào giấc ngủ ở giai đoạn ba rất dễ dàng!

– Thế có khác giấc ngủ ngon của phàm nhân không?

– Không khác. Nhưng phàm nhân lâu lâu mới có được giấc ngủ ngon như thế, vì họ còn mộng mị, chiêm bao; còn các bậc Thánh nhân bao giờ cũng ngủ ngon và không bao giờ còn chiêm bao nữa!

– Hay thật! Khi thức không phải thức, khi ngủ không phải ngủ, ở chỗ chiêm bao mà không phải chiêm bao; bao giờ cũng an lạc, vắng lặng, ngủ lúc nào cũng ngon – thì thật là hạnh phúc tuyệt vời trên cõi trần này, thưa đại đức!

– Chí phải!

* * *

(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)

×