173. Tại sao không diễn tả Niết bàn một cách cụ thể?

06/10/2022 353 lượt xem

Hôm đó, khi vừa gặp đại đức Na tiên, không biết trong tâm của đức vua nghĩ ngợi gì mà ngài cứ mỉm cười hoài! Sau đó, đức vua không mở đề như thường lệ, mà buông lời như trống không, vô nghĩa.

– Gẫm cũng thú vị quá, đại đức nhỉ?

– Ý đại vương muốn nói gì?

– Ô! Đức Phật đó! Giáo hội đó! Chư Tăng đó! Tất cả sa môn trong hàng ngũ của đại đức đấy!

– Bần tăng vẫn không hiểu gì!

– À, là thế này! Niết bàn ấy mà! Ai cũng nói Niết bàn là vô thượng, tối thượng, là hạnh phúc, là an lạc. Nhưng khi diễn tả Niết bàn cho mọi người cùng thấy, cùng biết… thì quý vị cứ ởm ờ, trả lời vòng quanh, trườn uốn như con lươn! Này nhé, đại đức hãy nghe đoạn đối thoại sau đây:

“- Thưa đại đức, Niết bàn có sắc tướng không?”

– Không, không có sắc tướng, không phải kết hợp do tứ đại.

– Thế ra nó phải có một diện tích, một cảnh, một cõi, một xứ, một nơi chốn nào đó?

– Không, hoàn toàn không phải là như vậy!

– Cũng không có bộ phận, chi tiết gì cả sao?

– Không, không có!

– Có thể nào đưa ra một sự ước lượng, một sự độ chừng được không?

– Thưa, không thể.

– Có thể đưa ra một ví dụ chăng?

– Chẳng thể nào!

– Thế Niết bàn chắc phải có nhân gì chứ?

– Nó không nhân!

– Thế thì duyên?

– Cũng không!

– Chẳng có cách thức, phương pháp gì để chứng thực, để diễn đạt sao?

– Không có! ”

Đấy! Đoạn đối thoại như vừa rồi là cách trả lời phổ thông nhất của quý ngài đấy! Nếu trường hợp đại đức thì đại đức sẽ trả lời sao?

– Tâu đại vương! Nếu được hỏi như thế thì bần tăng cũng chỉ trả lời được như thế thôi!

– Thế không có cách gì cụ thể để cho mọi người dễ lãnh hội hơn sao?

– Tâu, có thể trả lời cụ thể, nhưng cụ thể ấy không phải là Niết bàn. Có thể từ ví dụ cụ thể ấy khơi mở cho ta thấy “bóng dáng” của Niết bàn!

– Ồ! Vậy là hay lắm!

– Thế gian nói có biển lớn, và đại vương không biết đã thấy biển lớn chưa?

– Thưa, có thấy rồi!

– Quả thật có biển lớn chứ?

– Vâng, có thật.

– Đại vương đã thấy biển lớn rồi và xác định biển lớn ấy có thật. Vậy thì xin hỏi đại vương, biển lớn ấy rộng bao nhiêu, dài bao nhiêu, sâu bao nhiêu? Và trong biến ấy ước chừng bao nhiêu lượng nước, bao nhiêu loài cá, mỗi loại như thế số lượng được bao nhiêu con?

– Không ai nói được điều đó, không ai biết được điều đó. Vả lại, đây là loại câu hỏi không nên đặt ra, đại đức!

– Tại sao thế? Biển cả có thật, nước có thật, cá có thật – mà tại sao đại vương không chịu trả lời? Hay là đại vương chưa hề thấy biển?

– Trẫm thấy thật chứ – nhưng bề dài, rộng, sâu, bao nhiêu cá thì quả thật trẫm chịu; trẫm chưa đủ kiến thức về hải dương học, nếu có, trả lời cũng không chính xác đâu!

– Biển cả là cái cụ thể, đại vương đã từng thấy bằng mắt, thế mà hỏi về dài, rộng, sâu, bao nhiêu cá… đại vương cũng không độ chừng được, ước lượng được… Thế mà đại vương bảo bần tăng độ chừng, ước lượng, đưa ra bộ phận, chi tiết… về Niết bàn, là pháp siêu thế sao?

– Ồ!

– Giả dụ như có người có thần thông, có kiến thức uyên bác, có trí nhớ tuyệt hảo; y có thể độ chừng bề dài, rộng, sâu, nước và cá trong biển lớn; nhưng đối với Niết bàn y cũng không thể nói được, trình bày được!

– Tại sao?

– Vì sao thì đại vương biết rồi đó chứ! Vì Niết bàn ở ngoài mọi ước lượng, mọi nhân, duyên, ví dụ, so sánh…, tâu đại vương!

Đức vua Mi-lan-đà nóng nảy:

– Nhưng đại đức có nói, là có thể có ví dụ cụ thể, từ đó khơi mở cho người khác thấy “bóng dáng” của Niết bàn kia mà! Trong tâm của trẫm đang có một lò lửa thiêu đốt đấy!

Đại đức Na tiên nói:

– Vậy thì đại vương hãy nghe cho kỹ đây! Đây là những ví dụ cụ thể, từ đó ta sẽ thấy thấp thoáng bóng dáng của Niết bàn:

  1. Một là, hoa sen có một đức tính tương tợ Niết bàn.
  2. Hai là, nước có hai đức tính tương tợ Niết bàn.
  3. Ba là, thuốc trị độc rắn có ba đức tính tương tợ Niết bàn.
  4. Bốn là, biển lớn có bốn đức tính tương tợ Niết bàn.
  5. Năm là, vật thực có năm đức tính tương tợ Niết bàn.
  6. Sáu là, hư không có mười đức tính tương tợ Niết bàn.
  7. Bảy là, ngọc ma ni có ba đức tính tương tợ Niết bàn.
  8. Tám là, chiên đàn đỏ có ba đức tính tương tợ Niết bàn.
  9. Chín là, sữa Sappi (tức sữa chua, bơ lỏng) có ba đức tính tương tợ Niết bàn. Mười là, đỉnh núi có năm đức tính tương tợ Niết bàn.

Nghe xong mười điều, đức vua Mi-lan-đà hoan hỷ nói:

– Hay lắm! Vậy thì đại đức bi mẫn cho nghe từng điểm một.

– Vâng, đây là điều thứ nhất. Hoa sen có một đức tính khả dĩ từ đó chúng ta hình dung ra Niết bàn. Đức tính ấy là gì? Ấy là hoa sen không dính nước, không thấm nước. Niết bàn cũng như hoa sen vậy, có đặc tính là, nước cấu uế, nước phiền não không dính được, không thấm vào đấy được!

– Vâng, cho xin nghe tiếp hai đức tính của nước?

– Khi trời nóng nực, nước giúp ta tắm rửa mát mẻ, đồng thời, tẩy sạch tất cả những dơ dáy bụi bặm. Cũng tương tự thế, Niết bàn làm lắng dịu hận tâm, sân tâm; làm mát mẻ tất cả sự bực tức, bực bội, nóng nảy, ngoài ra còn tẩy rửa tất cả tâm tư, ý niệm dơ dáy, bất tịnh – tâu đại vương!

– Đúng là như vậy, thế cho nghe ba đức tính của thuốc trị độc rắn.

– Vâng. Điều thứ nhất, thuốc ấy uống vào là tan độc tính. Thứ hai, uống vào là hết bệnh. Thứ ba, uống vào là ngăn được sự chết. Tương tợ như thế, Niết bàn làm tiêu vong phiền não, thứ nữa là diệt tận khổ đau, chấm dứt tham sân si; cuối cùng là ngăn giữ cho chúng sanh khỏi rơi vào sanh gìa bệnh chết!

– Điều thứ tư, bốn đức tính của biển lớn là như thế nào?

– Vâng!

Thứ nhất, biển lớn luôn giữ gìn sự trong sạch của mình, không dung chứa những xác tử thi bất tịnh; cũng vậy, Niết bàn bao giờ cũng thanh khiết, không dung chứa bất cứ sự cấu uế, bất tịnh nào.

Thứ hai, biển lớn rộng mênh mông; bao nhiêu con sông lớn ngày đêm tuôn chảy vào cũng không đầy. Tương tự như thế, Niết bàn mênh mông không thấy mé bờ; nếu vô lượng chúng sanh đời này, đời kia vào an trú, không vì thế mà Niết bàn đầy hơn.

Thứ ba, biển lớn là nơi sinh sống của hằng trăm triệu thủy tộc, tha hồ cho chúng bơi lội vẫy vùng. Tương tự thế, Niết bàn là cảnh giới của vô lượng bậc Thánh nhân vô lậu cư trú, tha hồ sống đời hạnh phúc, an lạc chơn thường.

Thứ tư, biển cả là nơi chôn dấu, sinh trưởng của biết bao nhiêu loài, giống, loại quý báu. Không kể ngọc, kim cương, xà cừ, pha lê, trân châu… mà còn hương liệu, tinh chất được lấy ra từ các loại thảo mộc chưa có tên gọi. Tương tự thế, Niết bàn là nơi hội tụ của mọi loài hương hoa thơm ngát được chiết ra từ các pháp thanh tịnh; biết bao trí đức, tuệ đức quý báu; vô lượng đức tính toàn mỹ, toàn thiện không đếm xiết được.

Đại vương thấy thế nào? Bốn đức tính của biển có tương ưng, tương hợp với Niết bàn chăng?

– Quả là vậy. Xin đại đức cho nghe tiếp năm đức tính của vật thực?

– Vâng.

  1. Thứ nhất, vật thực nuôi dưỡng sanh mạng chúng sanh, Niết bàn cũng nuôi dưỡng đời sống bất tử của chúng sanh không cho tiêu hoại bởi già và chết.
  2. Thứ hai, vật thực cho chúng sanh sức lực và sức mạnh, Niết bàn cũng là nơi cho chúng sanh thần lực và năng lực.
  3. Thứ ba, vật thực làm cho tươi sắc da, Niết bàn cũng làm tươi đẹp thêm màu sắc của giới.
  4. Thứ tư, vật thực dứt sự quằn quại xót xa do đói – thì Niết bàn cũng chấm dứt tất cả sự thống khổ, sầu muộn do phiền não.
  5. Thứ năm, vật thực giúp chúng sanh giải quyết sự đói thèm – thì Niết bàn cũng làm cho tất cả sự khao khát, tham muốn thảy đều yên lặng.

– Ví dụ ấy thật là sít sao! Đại đức cho nghe tiếp.

– Vâng, bây giờ là mười đức tính của hư không.

  1. Thứ nhất, hư không và Niết bàn đều không già.
  2. Thứ hai, hư không và Niết bàn đều không chết.
  3. Thứ ba, hư không và Niết bàn đều không rời đi, rớt đi.
  4. Thứ tư, hư không và Niết bàn đều không tái sanh.
  5. Thứ năm, hư không và Niết bàn không ai áp chế được.
  6. Thứ sáu, hư không và Niết bàn không ai trộm cắp hoặc sở hữu được.
  7. Thứ bảy, hư không và Niết bàn đều không có gì dính mắc được.
  8. Thứ tám, hư không là nơi đi lại của chim, chư thiên, người và dạ xoa có thần thông- Niết bàn là nơi đi lại của bậc Thánh.
  9. Thứ chín, hư không và Niết bàn không có gì ngăn ngại.
  10. Thứ mười, hư không và Niết bàn là nơi mênh mông không có chỗ cuối cùng.

– Hay vậy thay! Xin cho nghe về ngọc ma ni?

– Vâng, ngọc ma ni có ba đức tính:

Một là, ngọc ma ni và Niết bàn làm cho thành tựu sở nguyện. Hai là, ngọc ma ni và Niết bàn làm cho hoan hỷ Ba là, ngọc ma ni và Niết bàn làm cho an lạc.

– Cho nghe thêm về ba đức tính về chiên đàn đỏ.

– Vâng, chiên đàn đỏ và Niết bàn đều có ba đức tính tương tợ nhau.

Trước hết, nó là cái khó tầm cầu, khó được Thứ hai, có mùi thơm không gì sánh bằng.

Sau nữa, chiên đàn đỏ được thế gian ưa thích thì Niết bàn là nơi bậc thánh ưa thích.

– Thế còn ba đức tánh của bơ lỏng?

– Vâng.

Đầu tiên, nếu bơ lỏng có màu sắc đẹp thì Niết bàn có vô lượng đức tính đẹp. Tiếp đến, bơ lỏng có vị ngon đặc biệt thì Niết bàn cũng có vị ngon đặc biệt (diệt phiền não, được an vui).

Cuối cùng, bơ lỏng có mùi thơm đặc biệt thì Niết bàn cũng có mùi thơm đặc biệt (ấy là tuệ hương, giải thoát hương…)

– Bây giờ còn năm đức tính của núi nữa, đại đức?

– Vâng!

Một là, đỉnh núi là điểm cao nhất – Niết bàn cũng là cõi cao nhất. Hai là, đỉnh núi không hề rung chuyển, lay động thì Niết bàn cũng thế. Ba là, đỉnh núi người lên một cách khó khăn – Niết bàn người đắc cũng rất khó khăn. Bốn là, trên đỉnh núi đá không cây gì mọc được, ở Niết bàn, tham sân si, phiền não cũng không mọc được.

Năm là, đỉnh núi và Niết bàn đều xa lìa sự thương và ghét.

Tâu đại vương! Đấy là tất cả các ví dụ tạm thời nhằm so sánh với Niết bàn – mà trình độ của bần tăng có thể nói được. Mong đại vương suy gẫm, may ra có thể thấy thấp thoáng bóng dáng của Niết bàn chăng?

– Vậy là đã quá nhiều rồi! Có gì chưa thông suốt, trẫm sẽ xin hỏi lại vào một dịp khác.

– Tâu, vâng.

* * *

(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)

×