– Thưa đại đức! về người cầm lái thuyền thì có ba chi, mong đại đức cho nghe luôn thể.
– Vâng, thứ nhất, người cầm lái thuyền phải cẩn trọng, cẩn thận, tỉnh thức, chú ý đúng, hướng tâm đúng để dẫn con thuyền đến nơi an toàn. Tương tự thế, vị tỳ khưu phải cẩn trọng, thận trọng, tỉnh thức, hướng tâm đúng, chú ý đúng để dẫn mình đến nơi hạnh phúc tối thượng là Niết-bàn.
Đức Thế Tôn có dạy rằng: “Các thầy chớ nên dễ duôi, giải đãi mà hãy tinh cần, nỗ lực, tỉnh thức, kiên trì để giải thoát tâm ra khỏi mọi phiền não; như con tượng vương dù bốn chân bị dính chặt trong bùn, vẫn cố nỗ lực, kiên trì để thoát ra.”
Điều thứ hai, người cầm lái thường biết rành rẽ nơi nào có đá ngầm, nơi nào có nước xoáy, nơi nào có dòng nghịch lưu…; để biết cách tránh né, chuyển phương, chuyển hướng v.v.. Vị tỳ khưu nào có khác gì? Phải biết rành rẽ chỗ này nguy hiểm, nơi kia không nguy hiểm, điều này tốt, điều kia xấu, cái này tội, cái kia không phải tội, người này nên thân cận, kẻ kia không nên gần gũi, pháp này cao thượng, pháp kia là hạ liệt vv… để tránh né đúng, viễn ly đúng, hướng tâm đúng, v.v…
Điều thứ ba, người cầm lái hằng điều chỉnh kim vận tốc, kim phương hướng; tự tay mình điều chỉnh các loại kim đồng hồ chứ không dám tùy tiện giao phó cho ai. Các vị sa môn cũng y như thế, phải tự động điều chỉnh tâm mình, ý mình, phải tự thu thúc, điều chỉnh lục căn, cẩn thận cả từng suy tư, niệm tưởng để khỏi rơi vào tà tư duy, ác tưởng, tạp tưởng – chứ không thể nhờ cậy ai, phó thác cho ai. Đức Phật cũng có dạy trong kinh Samyutta rằng: “Này các thầy tỳ khưu! Các thầy đừng tư duy đến các điều ác, bất thiện pháp, vì ác, bất thiện là có tội báo. Những ác tư duy, những bất thiện tư duy ấy là gì? Đó là dục tư duy, sân tư duy và hại tư duy!”
Đấy là ba chi về người cầm lái thuyền, tâu đại vương.
– Rất rõ, cảm ơn đại đức!
* * *
(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)