201. Về gió

16/06/2023 215 lượt xem

– Về gió cũng có bốn điều cần phải học hỏi, đại đức hãy giảng tiếp cho nghe?

– Tâu, vâng.

Thứ nhất, gió mạnh làm cho cây gãy, lá rụng, đôi khi bật luôn cả gốc rễ; vị sa môn cũng phải tu tập, tạo sức gió mạnh – do định lực và tuệ lực – để cành nhánh, lá, gốc rễ của những pháp hành (Sankhàra), của phiền não bị rơi rụng, bậc gốc đi cũng y như thế!

Thứ hai, gió thường ngao du, đi khắp giữa hư không, cũng vậy, vị sa môn cũng phải để tâm tiến tu, phải đi khắp vào các cõi xuất thế gian.

Thứ ba, gió thổi mang mùi hương hoa rừng thơm ngát đi nơi này nơi kia; vị ẩn sĩ sa môn cũng phải mang hương hoa trong lành của giới, của giải thoát tỏa đi khắp các cõi người và trời y như thế.

Thứ tư, gió không có trụ xứ, không lưu luyến chỗ ở, thanh thoát đi nơi này đến nơi kia, không ai tìm ra dấu vết. Cũng vậy, vị tỳ khưu không nên có chỗ ở, không lưu luyến trụ xứ, không quyến niệm ai, không ràng buộc bởi ai, thanh thản đi nơi này đến nơi kia không hề dính mắc. Đúng như lời Đức Tôn sư đã thuyết: “Không có chỗ ở thì sẽ không có chuyện lưu luyến chỗ ở. Khi không có lưu luyến chỗ ở thì trần cấu, phiền não sẽ không có. Đấy là cảnh giới của bậc Mâu ni.”

* * *

(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)

×