Đức vua Mi-lan-đà lại hỏi:
– Có nhiều vị tỳ kheo đã thuyết cho trẫm nghe rằng: lửa địa ngục nóng hơn lửa thế gian hằng vạn lần. Lại còn đưa ra ví dụ rằng, quăng một cục đá vào đống lửa thế gian, lửa cháy trọn ngày đêm, cục đá vẫn trơ trơ. Nhưng nếu quăng một tảng đá lớn vào lửa địa ngục, trong giây lát tảng đá kia sẽ bị cháy tiêu mất. Đấy là điều khó tin thứ nhất.
Lại nữa, các vị ấy còn thuyết rằng: Những chúng sanh làm ác, đọa vào địa ngục sẽ bị lửa địa ngục thiêu đốt cả ngàn vạn năm mà vẫn không chết, vẫn không bị cháy thành tro.
Tảng đá thì bị lửa địa ngục đốt cháy, còn chúng sanh thì vẫn sống nhăn răng! Đấy là điều khó tin thứ hai!
Tỳ khưu Na-tiên lại đáp bằng cách hỏi:
– Tâu đại vương! Đại vương học rộng biết nhiều, thế đại vương biết con vật gì ăn được đá sỏi chăng?
– Các con công, kỳ đà, rùa, gà… có ăn sạn sỏi hoặc thỉnh thoảng có nuốt sạn, sỏi vào bụng.
– Còn ở dưới nước? Các loài thủy tộc?
– Thì cá sấu, trạnh, cua, thuồng luồng…Khi chúng có chửa, chúng cũng thường ăn sạn, sỏi.
– Thế sạn, sỏi có tiêu không?
– Thưa, hẳn là phải tiêu chứ.
– Vậy thì trứng trong bụng chúng có tiêu không?
– Thưa, không.
– Đại vương nói thế bần tăng nghi ngờ lắm. Tại sao sạn, sỏi cứng thế mà lại tiêu, còn trứng dễ vỡ thế mà lại không tiêu?
– Có gì lạ đâu đại đức! Bởi chức năng của bao tử là co bóp nên sạn, sỏi sẽ tiêu, còn chức năng của buồng trứng là nuôi dưỡng nên trứng không tiêu. Một bên sinh, một bên diệt, hai bên có hai sức mạnh khác nhau, công dụng khác nhau.
– Cũng như thế ấy là lửa ở địa ngục, tâu đại vương! Tảng đá thì cháy tiêu còn chúng sanh không cháy là do hai bên có hai năng lực khác nhau, công dụng khác nhau, bị chi phối bởi các định luật khác nhau.
– Xin đại đức nói rõ hơn.
– Tảng đá lớn bị lửa cháy tiêu là do định luật vật lý, chúng sanh mà không bị cháy là bởi định luật của nghiệp duy trì. Nghiệp ác tạo nên sức mạnh duy trì mạng sống chúng sanh cho đến khi chúng sanh ấy trả hết quả đã gieo.
– Nếu nghiệp chưa hết thì chưa bị cháy tiêu?
– Đúng thế.
– Đại đức cho nghe thêm ví dụ nữa.
– Bần tăng có nghe rằng các loài vật như sư tử cái, cọp cái, beo cái, chó sói cái…; lúc có chửa, chúng rất thích ăn xương của các loài thú khác, nhưng không biết xương ấy có tiêu không?
– Tiêu chứ.
– Thế tại sao cái thai của chúng lại không tiêu?
– Là do sức mạnh của nghiệp duy trì.
– Hàng phụ nữ quý phái, các vị mệnh phụ phu nhân, các công nương sang trọng lúc có thai thường thích ăn cá thịt, sơn hào hải vị để tẩm bổ thai nhi. Như vậy là làm tiêu hết cái này để nuôi cái kia? Sao kỳ lạ vậy nhỉ?
– Chắc hẳn do nghiệp, thưa đại đức .
– Chúng sanh làm ác, đọa vào địa ngục, chúng sinh ra trong lửa thiêu, già trong lửa thiêu nhưng sẽ không bị cháy tiêu. Như thế, tất cả đều do nghiệp, tâu đại vương!
– Thật là thỏa đáng vô cùng.
* * *
(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)