– Vậy có bao nhiêu loại trí nhớ, thưa đại đức ?
– Có tất cả mười bảy loại trí nhớ, tâu đại vương.
– Xin cho nghe?
– Vâng, xin đại vương hãy nghe:
- Một là trí nhớ phi thường.
- Hai là trí nhớ do cất đặt của cải, tài sản.
- Ba là trí nhớ các ngày trọng đại hay hạnh phúc lớn.
- Bốn là, trí nhớ do kỷ niệm vui.
- Năm là, trí nhớ do từng bị khổ đau.
- Sáu là, trí nhớ do những hình ảnh quen thuộc.
- Bảy là trí nhớ được tái hiện do mùi vị, âm thanh v.v…
- Tám, trí nhớ do được nhắc lại.
- Chín, trí nhớ do làm dấu, dấu hiệu.
- Mười, trí nhớ do nhắc nhở nguyên nhân.
- Mười một, trí nhớ do nhìn mặt chữ.
- Mười hai, trí nhớ do ghi chép.
- Mười ba, trí nhớ lâu xa do đắc túc mạng minh.
- Mười bốn, trí nhớ do từ kinh sách, sử sách.
- Mười lăm, trí nhớ do nhớ ý nghĩa.
- Mười sáu, trí nhớ do huân tập, thói quen
- Mười bảy, trí nhớ do nhờ học thuộc lòng.
Đức vua hỏi tiếp:
– Thế nào là trí nhớ phi thường?
– Đây là loại trí nhớ của ngài Ànada, chỉ nghe Đức Thế Tôn thuyết một lần là có thể thuyết lại giống y như thế; như sao y nguyên văn các kệ ngôn, đoản ngôn, ví dụ, so sánh v.v… Lại còn nhớ lâu, không quên. Đây cũng là trí nhớ của cận sự nữ Khujjutarà, chỉ nghe Đức Đạo Sư thuyết một lần là thuyết lại được, tâu đại vương.
– Thế nào là loại trí nhớ do cất đặt của cải tài sản?
– Đây là loại trí nhớ của những người giàu có quen chu đáo, cẩn thận; họ chôn dấu, cất đặt tài sản, vật quý chỗ này chỗ kia, nhưng khi cần lấy để sử dụng, họ nhớ ngay, tâu đại vương!
– Thế nào là trí nhớ bởi những ngày trọng đại, hạnh phúc lớn?
– Ví dụ như đức vua nhớ ngày đăng quang của mình, người xuất gia nhớ ngày thọ đại giới, bậc thánh nhớ lại hạnh phúc đầu tiên khi đắc quả Tu-đà-hườn v.v…
– Tức là những kỷ niệm trọng đại ở trong đời, bất kể xuất gia hay tại gia?
– Đúng vậy.
– Nó khác gì với loại trí nhớ thứ tư: tức là do kỷ niệm vui?
– Loại thứ ba là kỷ niệm trọng đại, loại thứ tư là niềm vui bình thường với huynh đệ, gia đình, bè bạn; do gặp lại những niềm vui đã từng có trước đây mà nhớ lại.
– Còn trí nhớ do từng bị đau khổ ?
– Là những người từng bị đau khổ, lao lung, hoạn nạn trong khoảng đời nào đó đã hằn sâu trong tâm khảm, bây giờ dễ dàng nhớ lại mỗi lần hồi ức, hồi tưởng.
– Thế nào là trí nhớ do hình ảnh quen thuộc?
– Đây là do những người mình đã từng quen mặt như cha mẹ, anh em, nay thấy lại hình ảnh những người hao hao như vậy nên sực nhớ. Thảng hoặc là thấy nhà cửa, cây cối, súc vật tương tự, nó gợi lại hình ảnh quá khứ đã từng quen biết, tâu đại vương !
– Trẫm đã hiểu! Ví dụ như hồi còn nhỏ, ở quê, trẫm hay thấy loài ngựa cao thồ chở hàng, sang đây mỗi lần thấy ngựa chở hàng liền nhớ lại quê cũ, có phải thế không?
– Đúng vậy.
– Thế thì trí nhớ do tái hiện mùi vị, âm thanh?
– Không những mùi vị, âm thanh mà cả màu sắc nữa, nói rộng ra là cả ngũ trần; nếu ta đã từng cảm xúc, thích thú từ quá khứ, nay gặp lại màu sắc ấy, mùi vị ấy, âm thanh ấy… thì cả một trời liên tưởng lại hiện ra mà phát sanh trí nhớ, tâu đại vương .
– Vâng, còn trí nhớ được nhắc lại?
– Dễ hiểu thôi, ví dụ một bài toán mà đại vương đã quên, sau đó nhờ người khác nhắc, đại vương làm được bài toán ấy…
– Loại trí nhớ thứ chín, thưa đại đức ?
– Có những người buôn bán nhỏ, họ không biết chữ, biết viết nhưng họ lại làm dấu bằng son, bằng than nơi tường nhà. Nhờ làm dấu, họ biết rõ ai còn nợ bao nhiêu, ai đã trả bao nhiêu v.v… Ví dụ những tỷ kheo làm dấu trên y của mình, ví dụ những chủ trâu bò thường làm dấu nơi trâu, nơi bò của mình để khỏi lẫn lộn với đàn trâu bò khác, v.v…
– Loại trí nhớ do nhắc nhở nguyên nhân là gì?
– Đây là trường hợp những người có trí nhưng hay quên. Khi được nhắc nhở, không cần nhắc nhở toàn bộ sự việc, chỉ nhắc nhở nguyên nhân là họ có thể biết, tâu đại vương!
– Cho xin nghe ví dụ.
– Ví dụ, người kia cầm bó đuốc trên tay đi qua một xóm nhà lá, có người thấy vậy nói rằng: “Coi chừng bó đuốc trên tay kìa!”. Chỉ cần nghe vậy là người kia sực nhớ rằng: “Ông A vì sơ ý nhen lửa mà làm cháy cả cánh đồng. Ông B vì đốt đèn sơ ý mà cháy nhà, cháy lan cả xóm v.v…”. Đây là loại trí nhớ nhắc nhở nguyên nhân, tâu đại vương!
– Còn trí nhớ do nhìn mặt chữ là vì viết hoài nên quen tay, quen mặt chữ, sau này chỉ nhìn mặt chữ là biết viết, biết luôn cả nghĩa của nó, phải thế chăng, đại đức?
– Đúng vậy.
– Trí nhớ do ghi chép là của người làm thư ký, làm sổ sách kế toán với những con số nhỏ, con số lớn. Nhờ ghi chép vào sổ sách cụ thể, rõ ràng mới nhớ được, phải không đại đức? Còn trí nhớ lâu xa do đắc túc mạng minh là thế nào?
– Đây là trí nhớ do đắc túc mạng: nhớ được một kiếp, hai kiếp… cho đến trăm ngàn kiếp trước của mình, tâu đại vương!
– Còn trí nhớ có từ kinh sách, sử sách là trí nhớ do đọc kinh sử của nhiều đời, nhiều thời đại trước viết lại, chép lại ở trong kinh sử ấy?
– Đúng thế, tâu đại vương!
– Còn trí nhớ do ý nghĩa?
– Đây là loại trí nhớ của người thông minh, sáng láng, đọc kinh sách họ có thể quên hết câu, chữ mà chỉ nhớ ý nghĩa của câu, chữ ấy. Khi cần viết lại câu, chữ họ sẽ từ ý nghĩa ấy mà viết ra theo cách diễn đạt của mình.
– Thế trí nhớ do huân tập, thói quen là gì?
– Bất cứ môn học nào, dù trí thức hay chân tay, mà chúng ta học mãi, làm hoài; lâu nó sẽ huân tập thành thói quen – là loại trí nhớ này, tâu đại vương!
– Vâng, còn trí nhớ do học thuộc lòng thì trẫm biết rồi. Vậy là có tất cả mười bảy loại trí nhớ!
– Thật ra, nó còn nhiều loại nữa, tâu đại vương! Nhưng mười bảy loại trí nhớ này đủ để tóm thâu tất cả mọi loại trí nhớ trên đời này.
– Trẫm hiểu rồi. Vậy là quá đầy đủ. Tri ân đại đức nhiều lắm.
* * *
(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)