(Tương tự câu 43)
Đức vua hỏi:
– Thưa đại đức, những vị sa môn của đại đức tu hành tinh tấn là để nhằm diệt trừ những nỗi thống khổ, phải chăng?
– Đúng thế!
– Những cái khổ ấy từ quá khứ chăng?
– Có thể từ quá khứ nhưng quá khứ thì đã qua rồi.
– Vị lai chăng?
– Có thể là vị lai nhưng vị lai cũng chưa đến.
– Thế thì hiện tại chăng?
– Có thể là hiện tại nhưng hiện tại không có điểm dừng, luôn chảy trôi.
Đức vua Mi-lan-đà nhíu mày:
– Thế thì cái khổ ấy nó nằm ở đâu?
– Nơi nào tương quan phát sanh, nơi nào lục căn tiếp xúc với lục trần, nơi ấy xem chừng đau khổ sẽ hiện khởi.
– Vậy là đau khổ ấy sẽ có mặt từ thời hiện tại đến thời tương lai?
– Cả quá khứ nữa, thưa đại vương!
– Như đại đức nói là quá khứ đã qua rồi!
– Đúng thế, nhưng nếu chúng ta hồi ức, hồi tưởng, nó sẽ có mặt ngay tức khắc. Lại nữa, do chúng ta cố ý lưu giữ ở trong tâm.
– Vậy muốn nói cho chính xác thì đau khổ luôn luôn là có, sẽ có, sẽ tới khi lục căn tiếp xúc với lục trần?
– Có thể nói như vậy.
– Cũng có thể nói là diệt cái khổ nhưng mà cái khổ ấy sẽ có, sẽ đến?
– Đúng thế.
Đức vua Mi-lan-đà mỉm cười:
– Thế là đại đức tu hành tinh tấn là nhằm tiêu diệt những cái khổ chưa đến, chưa có? Thật là kỳ lạ! Cái khổ chưa phát sanh thì làm sao mà diệt nó được.
Đại đức Na-tiên cũng mỉm cười:
– Hiện nay, đức vua là đấng chí tôn của một quốc gia; có khi nào đức vua nghĩ đến trường hợp một nước cừu địch nào đó sẽ lăm le xâm chiếm lãnh thổ của đại vương chăng?
– Có chứ.
– Vậy thì đức vua sẽ chờ đến lúc quân giặc công phá thành trì mới lo tập luyện binh mã, rèn đúc khí giới hay sao?
– Không, trẫm lo toan dự phòng những công việc ấy từ trước.
– Dự phòng khi quân giặc chưa đến hay sao?
– Đúng thế.
– Giặc chưa đến mà đã lo việc diệt giặc nhỉ?
– Đúng thế! Bởi không biết giặc sẽ đến lúc nào nên phải luôn luôn phòng vệ, phòng thủ.
– Cũng như thế đó, tâu đại vương! Đau khổ chưa đến nhưng thình lình đau khổ sẽ đến như quân giặc kia vậy, đợi đến khi đau khổ đến mới tìm cách diệt là đã muộn rồi. Các sa môn Thích tử tu hành tinh tấn, phòng hộ các căn, giữ gìn thu thúc thân khẩu ý, giới luật nghiêm cẩn là để phòng thủ thành trì như thế đó, tâu đại vương!
– Trẫm đã hiểu, nhưng cho nghe thêm ví dụ.
– Đại vương đợi đến khi khát nước mới bảo quân binh đào giếng, đào hồ hay sao?
– Đợi đến khi khát mới đào giếng thì đâu có kịp.
– Cũng thế, đợi đau khổ đến mới tìm cách diệt thì đâu còn kịp nữa!
– Đúng vậy, xin cho nghe ví dụ nữa.
– Đại vương đợi đến khi đói bụng mới cho người cày ruộng, bừa rồi gieo hạt lúa hay sao?
– Ai lại làm thế bao giờ.
– Vậy thì đại vương nghĩ rằng các sa môn Thích tử tu hành tinh tấn nhằm diệt cái khổ chưa đến là chuyện không đúng chăng?
– Hoàn toàn chính xác.
Đại đức Na-tiên chợt hỏi:
– Đại vương hỏi câu này đến hai lần, tại sao vậy?
– Trẫm muốn thử sự thấy biết nhất quán của đại đức vậy thôi!
– Cảm ơn đại vương!
* * *
(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)