Đến đây, đại đức Na-tiên nói rằng:
– Tâu đại vương, bây giờ nửa đêm, cũng là thì giờ phải lẽ, bần tăng còn trở về chùa.
Đức vua Mi-lan-đà đáp:
– Thưa vâng, canh đầu đã qua, trống hoàng thành đã báo canh giữa từ lâu, trẫm đã làm phiền giờ giấc của đại đức nhiều lắm rồi.
Nói xong, đức vua truyền quan hầu lấy vải dạ cuộn lại, bên trong tẩm đầy dầu, đốt lên làm đèn để tiễn đại đức Na-tiên ra về. Ngài nói với quan hầu:
– Các ngươi tôn kính và phục dịch trẫm như thế nào thì phải tôn kính và phục dịch đại đức y như thế.
Các quan hầu vâng dạ rồi tán thán:
– Đại vương là bậc đại trí thức thế gian không ai dám sánh mà vị đại đức kia cũng vậy, thật là bậc trí thức cổ kim hy hữu.
Đức vua gật đầu, đáp với giọng vừa hài lòng, vừa tự mãn:
– Đúng vậy! Có vị thầy như đại đức kia và có người học trò như trẫm đây thì trên thế gian này có môn học nào lại không thể truyền đạt được? Đại đức kia kiến thức siêu quần bạt tụy thì trẫm đây cũng y như thế!
Đức vua Mi-lan-đà hoan hỷ vô cùng vì đại đức Na-tiên đã giải đáp mau lẹ, đầy đủ, rành mạch và rõ ràng những câu hỏi của ngài; bèn sai lấy bộ y gấm Kambala cực kỳ quý báu trị giá một trăm ngàn lượng bạc, dâng cúng đến đại đức Na-tiên, rồi tâu rằng:
– Ngoài bộ y này, trẫm còn muỗn dâng cúng hằng ngày tại vương cung một trăm lẻ tám mâm cơm bánh vật thực đến Chư Tăng chùa Sankheyya, xin đại đức và Chư Tăng hoan hỷ thọ nhận cho. Và đại đức cùng Chư Tăng cần dùng gì xin cứ tùy thích, của trong kho luôn luôn có sẵn.
– Bần tăng xin đa tạ, nhưng tứ sự hằng ngày chúng tôi đã có đủ, đại vương đừng bận tâm suy nghĩ.
– Trẫm cũng biết đại đức sống đời tri túc nuôi mạng, chẳng màng đến lợi lộc vật chất thế gian; nhưng đại đức phải biết hộ trì mình, đồng thời hộ trì cho trẫm nữa chứ?
– Xin đại vương hãy trình bày cho rõ tôn ý?
– Vâng. Ý trẫm muốn nói là, nếu đại đức khước từ vật dụng cúng dường thì dư luận, miệng tiếng sẽ bất lợi cho đại đức và bất lợi cho trẫm nữa. Tại sao vậy? Vì mọi người trong khắp quốc độ, cả quốc độ khác nữa, sẽ nói rằng: tỳ kheo Na-tiên thật là vô tích sự, chẳng tài cán gì; nghe đồn là trí tuệ vô song nhưng đã không giải đáp được những câu hỏi sắc bén, thâm sâu của đức vua Mi-lan-đà, đến nỗi đức vua chẳng dâng cúng thứ gì đến ông ta cả. Như thế, thì dư luận ấy có tổn hại thanh danh của đại đức chăng?
Nhè nhẹ gật đầu, mỉm cười, đại đức Na-tiên nói:
– Quả có thế thật. Còn về phía đại vương thì bất lợi gì?
– Dư luận họ sẽ nói rằng, ông vua Mi-lan-đà thật là keo lẫn, rít róng; đại đức Na-tiên đã khổ công ngày đêm chẳng quản mệt nhọc, giải đáp cho đức vua từ câu hỏi này đến câu hỏi kia, từ gần đến xa, từ cạn vào sâu, từ pháp thô thiển đến pháp vi tế… thật không có chỗ nào mà chê được. Chỗ nào cũng đầy đủ rõ ràng. Chỗ nào cũng như mặt trời, mặt trăng. Thế mà đức vua hà tiện kia chẳng cúng dường gì đến bậc tu hành khả kính, trí tuệ vô song kia cả! Có đáng chán không chứ!
– Quả là người ta có thể đàm tiếu thế thật.
– Cho nên, để tự hộ trì, bảo vệ danh thơm, tiếng tốt cho cả hai, đại đức thật không thể khước từ phẩm vật cúng dường của trẫm vậy.
– Khi mà đại vương sử dụng sự khôn khéo của lý luận và miệng lưỡi thì tất cả các giống hữu tình trên thế gian đều phải bị thuyết phục! Bần tăng xin cung kính nhận sự cúng dường nhưng không phải để hộ trì danh thơm, tiếng tôt – mà chính là để hộ trì giáo pháp vậy!
Đức vua Mi-lan-đà tán thán:
– Thật là khéo nói thay! Và cũng thật là hộ trì chánh đáng thay!
Đến ngang đây, hốt nhiên đức vua có vẻ trầm ngâm, rồi chậm rãi, bùi ngùi tâm sự:
– Trẫm ngày ngày như con sư tử bị nhốt trong cái cũi vàng, nhưng thường hướng mặt ra bên ngoài mơ ước một cuộc đời tự do phóng khoáng. Ngôi vị đế vương của trẫm đây hằng phải chăm lo việc nước, lo nghĩ trăm công ngàn chuyện chẳng có khi nào được thanh thản ở trong lòng. Lắm lúc trẫm muốn từ bỏ tất cả để ra đi, sống đời xuất gia giải thoát, nhưng chướng duyên còn nhiều quá. Rốt lại, mơ ước cũng chỉ là mơ ước thôi!
Khi đại đức Na-tiên trở về chùa rồi, nằm trên long sàn, đức vua thao thức không ngủ được. Ngài hồi tưởng lại cuộc vấn đáp trong ngày, tự hỏi: “Ta đã hỏi đại đức Na-tiên những gì? Và đại đức Na-tiên đã trả lời ta như thế nào?” Rồi từng câu hỏi và đáp lần lần hiện ra trong tâm trí của đức vua. Sau khi rà soát lại toàn bộ nội dung và ý nghĩa các câu hỏi và đáp, Đức vua tự tán thán: “Hay lắm, tất cả các câu hỏi của ta đều thỏa đáng, chơn chánh và các câu đáp của đại đức Na-tiên cũng thỏa đáng và chơn chánh vô cùng.” Với niềm vui lâng lâng trong lòng, đức vua không ngủ cho đến sáng.
Về phần đại đức Na-tiên, cũng y như đức vua vậy, vừa nằm nghỉ nghiêng lưng thì các câu hỏi và đáp lại mồn một hiện ra: “Nhà vua đã hỏi ta những gì? Và ta đã đáp những câu hỏi ấy như thế nào?” Rồi đại đức cũng tự xét: “Các câu hỏi của đức vua đều rất hay, những câu trả lời của ta cũng chẳng có chỗ nào là khiếm khuyết cả.” Đại đức cũng giữ niềm hân hoan trong lòng cho đến lúc trời sáng.
Sớm hôm ấy, đại đức Na-tiên lại y bát đi vào cung, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Đức vua Mi-lan-đà đến đảnh lễ rồi ngồi một bên phải lẽ.
Đức vua chấp tay nói:
– Thưa đại đức! Suốt đêm qua trẫm đã không ngủ được vì các câu hỏi và đáp cứ lởn vởn hiện ra trong đầu. Tuy nhiên, trẫm rất hân hoan và vui sướng vì những câu hỏi của trẫm rất là chánh đáng và những câu trả lời của đại đức cũng chí lý và tốt đẹp dường bao!
Đại đức Na-tiên cũng mỉm cười rồi nói:
– Đại vương tưởng rằng đêm qua bần tăng ngủ ngon giấc sao? Đại vương thao thức, hồi tưởng về ý nghĩa của những câu hỏi và đáp suốt đêm, rồi hân hoan, thích thú vì nó cho đến sáng – thì bần tăng cũng vậy chớ có khác gì! Nói tóm lại là tất cả đều tốt đẹp, về phần đại vương cũng vậy mà về phần bần tăng cũng thế!
Hai bậc trí tuệ vô song gặp nhau, tâm đắc với nhau, cùng tâm sự với nhau như thế rồi từ giã, hẹn hôm sau sẽ tái ngộ đàm đạo nữa.
Ghi chú:
Bản Bắc truyền “Na-tiên Tỳ kheo kinh” chấm dứt ngang đây, chỉ có 62 câu, so với bản Nam truyền là 88 câu. Ngoài ra bản Nam truyền còn hơn 150 câu hỏi và đáp nữa, xin chư vị độc giả hãy xem tiếp.
* * *
(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)