– Thưa đại đức! Trẫm nghe Đức Thế Tôn có thuyết rằng, đức vua Sìvi do móc hai mắt của mình bố thí cho người đến xin nên có được thiên nhãn! Điều này trẫm nghi ngờ lắm! Móc đi hai mắt, nghĩa là không còn tròng mắt, chẳng có con ngươi, thì không rõ thiên nhãn phát sanh chỗ nào?
– Đại vương! Đây là loại câu hỏi vượt ngoài tầm mức của lý trí, ở ngoài các định luật tự nhiên, không rõ đại vương có đầy đủ đức tin để lãnh hội chăng?
– Đại đức cứ nói.
– Vâng, có hai ba-la-mật là chân thật (sacca) và nguyện lực (adthitthàna) ở trong mười ba-la-mật, đại vương có biết chăng?
– Thưa, có biết.
– Nếu hai ba-la-mật này được kết hợp thành một khối nhất như, gọi là “nguyện lực chân thật” thì bất cứ chuyện gì trên thế gian này cũng đều được thành tựu như ý muốn, thưa đại vương!
– Xin đại đức nói cụ thể hơn một chút.
– Khi trời không có mưa thì với “nguyện lực chân thật” này, cầu cho trời có mưa, tức khắc mưa rơi xuống. Như lửa đang cháy, với “nguyện lực chân thật” cầu cho lửa tắt thì lửa sẽ tắt. Thậm chí bị chất độc họa hại sinh mạng, với “nguyện lực chân thật” thì chất độc cũng không còn. Nếu một dòng sông chảy xuôi, với “nguyện lực chân thật”, nước có thể chảy ngược dòng! Điều ấy quả là khó tin phải không đại vương?
– Với mọi người thì khó tin, nhưng trẫm thì trẫm tin.
– Hay lắm! Đức vua Sìvì cũng như thế đó, tâu đại vương! Với “nguyện lực chân thật” nó tạo ra một năng lực siêu nhiên, năng lực siêu nhiên ấy làm cho đức vua phát sanh thiên nhãn. Chuyện khó tin nhưng có thật đấy, tâu đại vương!
Suy nghĩ một lát, đức vua lại hỏi:
– Những chuyện mà đại đức vừa nói, như mưa rơi xuống, lửa tắt, tiêu tan chất độc, dòng sông chảy ngược… Nói tóm lại là do nhân gì, duyên gì?
– Chính “nguyện lực chân thật” ấy là nhân, cũng chính “nguyện lực chân thật” ấy là duyên, tâu đại vương!
– Trong kinh có trường hợp nào cụ thể phát sanh năng lực siêu nhiên bởi nhân duyên “nguyện lực chân thật” ấy chăng, thưa đại đức?
– Thưa có! Đức vua danh hiệu là Cina, trị vì xứ Cina, có tâm mong muốn được dong xe ngựa ngao du trên biển cả, ngài bèn phát nguyện “nguyện lực chân thật” ròng rã bốn tháng trường như thế với tâm kiên trú bất thối. Hôm kia, bằng vào một niềm tin không lay động, đức vua dong ra biển trên một cổ xe có bốn ngựa kéo. Đức vua xứ Cina rất lấy làm thỏa thích, kể lại rằng, cỗ xe bốn ngựa ngao du trên biển xa chừng một do tuần, các làn sóng tạt lên gọng xe như nước tạt trên lá sen mà thôi. Đó là một chuyện, tâu đại vương.
– Trẫm muốn nghe thêm ví dụ cụ thể nữa.
– Đức vua Dhammasoka, hôm nọ, cùng với quân hầu ngự ra khỏi hoàng thành, thấy con sông nước chảy cuồn cuộn, chợt khởi lên ý nghĩ lạ thường rồi nói với quân hầu rằng:”Này các khanh, các khanh có thấy hoặc có biết ai trên thế gian này có khả năng làm cho con sông này nước chảy ngược lại chăng?”
Lúc ấy, ở bên sông có người kỹ nữ nghe được, cô ta bèn phát ngôn bằng “nguyện lực chân thật” như vầy: “Tôi đây làm nghề kỹ nữ, bốn mùa bán thân nuôi miệng, sở dĩ như vậy là vì tôi chỉ muốn duy trì mạng sống chứ không có lý do nào khác. Điều ấy là hoàn toàn chân thật. Nếu lời tôi nói đây là chân thật thì xin dòng sông này chảy ngược ngay bây giờ, ngay trước mặt cho đức vua Dhammasoka trông thấy!” Lời cô kỹ nữ vừa dứt, dòng sông tức khắc chảy ngược, đức vua kinh ngạc quá đổi, không rõ nguyên nhân tại sao!
Khi biết rõ dòng sông chảy ngược là bởi do cô kỹ nữ, đức vua kêu lại phán hỏi: “Cô là dạ xoa hay long vương mà có oai lực như thế?” Cô kỹ nữ kính cẩn thưa: “Đấy là do sức mạnh của sự nói thật, chứ không phải do oai lực của một phi nhân nào cả, tâu đại vương!” Đức vua không tin, bảo rằng: “Có gì ở nơi ngươi, mà ngươi bảo rằng “chơn ngôn” (lời nói chân thật)? Ngươi là người không có trí tuệ, bốn mùa chơi bời, dâm ô, không có nết hạnh! Ngươi chỉ biết cám dỗ tình dục mọi người, làm cho bao nhiêu đàn ông hư hỏng phải mê đắm, tan cửa nát nhà! Vậy có gì là đạo đức, hiền thiện ở nơi ngươi đâu mà dám bảo là “nguyện lực chân thật”. Hãy nói cho trẫm nghe xem!” Cô kỹ nữ bèn đáp: “Tâu đại vương! Chính do tiện nữ nói thật nên “nguyện lực chân thật” kia mới tựu thành năng lực phi thường như thế!”
Nghe xong câu chuyện, đức vua Mi-lan-đà trầm ngâm:
– Qua các ví dụ của đại đức, bây giờ trẫm đã tin là đức vua Sìvi quả có phát sanh thiên nhãn do bố thí hai mắt bằng “nguyện lực chân thật” của mình. Thật là kỳ diệu vậy!
* * *
(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)