– Thưa đại đức! Đức Thế Tôn có thuyết rằng: “Tất cả chúng sanh, ví dụ là người nữ, muốn thụ thai phải hội đủ ba yếu tố: cha mẹ giao hợp, đến kỳ bà mẹ có kinh nguyệt và chúng sanh đầu thai nương gá. Thiếu một trong ba yếu tố ấy thì không thể thụ thai.” Có phải vậy chăng?
– Đúng vậy.
– Nếu thế thì trẫm nghi lắm. Cũng trong kinh, có kể trường hợp thụ sanh của đạo sĩ Singa và đạo sĩ Sankicca. Mẹ của hai đạo sĩ ấy là một con nai cái, do vì ăn cỏ có dính tinh từ nước tiểu của một đạo sĩ ẩn tu mà có thai rồi sinh ra. Trường hợp này thì có hai yếu tố sau, thiếu yếu tố đầu tiên, thế sao việc thụ thai vẫn xảy ra?
– Cha mẹ giao hợp là để có tinh xuất, nhưng trường hợp nai cái ăn cỏ có dính tinh cũng kể vào yếu tố thứ nhất ấy, tâu đại vương!
– Thưa, nai ăn cỏ có dính tinh, tinh ấy vào dạ dày, tiêu hóa theo đường ruột thì đâu có liên hệ gì ở bộ phận cấu sanh của phôi thai? Điều ấy trẫm không hiểu!
– Bần tăng cũng không hiểu. Nhưng bần tăng nghĩ rằng đây là trường hợp cá biệt, có thể có một sự cấu tạo đặc biệt nào đó ở cơ thể của nai cái chăng? Điều ấy không phải là không thể xảy ra, tuy nhiên, có tinh, được kể là yếu tố thứ nhất, tâu đại vương!
– Tạm thời trẫm đồng ý như vậy. Và đấy có phải cũng tương tự như trường hợp thọ sanh của ngài Ca diếp đồng tử (Kumàra kassapa)?
– Đúng vậy! Tỳ khưu Udàyi vì thấy dung sắc của một vị tỳ khưu ni, phát tâm luyến ái, thỏa thích làm cho tinh xuất, dính vào y ca-sa. Tỳ khưu ni ấy lại lấy tinh nhét vào tử cung, nhét vào miệng vô cùng khoái lạc nên đã thụ thai, hạ sanh trẻ Kassapa mà sau này được tôn xưng là ngài Ca diếp đồng tử. Trường hợp ấy cũng xem như hội đủ ba yếu tố đấy, tâu đại vương!
– Thế còn chuyện đạo sĩ Màtanga chỉ rờ rẫm nơi bụng một nữ bà-la-môn mà làm cho nữ bà-la-môn kia mang thai, sanh con, đặt tên là Mandabya thì sao?
– Trường hợp này cũng như trường hợp đạo sĩ Dukala sờ vào bụng nữ đạo sĩ Pàrikà mà thụ thai, sinh ra đức Sàma không khác. Cả hai trường hợp trên đều hội đủ ba yếu tố, nhưng chúng ta phải hiểu là còn có thêm năng lực bên ngoài hỗ trợ nữa.
– Xin đại đức kể cho nghe trường hợp ấy.
– Vâng! Chuyện khá dài đấy, không rõ đại vương nghe có mệt chăng?
– Không sao, nghe giáo pháp vừa là “thức thực” vừa còn có hỷ lạc nữa đấy, thưa đại đức.
– Đạo sĩ Dukala và đạo sĩ Pàrika vốn là hai vợ chồng nhưng họ tình nguyện rời bỏ ngũ dục vào rừng sâu kết cỏ làm nhà, xuất gia phạm hạnh. Họ ở mỗi người mỗi mơi riêng biệt, giữ giới luật nghiêm túc, tinh cần thiền định. Vua trời Đế thích với thiên nhãn của mình, thấy đời sống tịnh tu của họ, ngài vô cùng ái mộ, sớm chiều thường hiện xuống cung kính hầu hạ. Hôm kia, trời Đế thích quán xét biết rằng, trong tương lai cả hai vị đạo sĩ tôn kính này sẽ bị mù lòa, do vậy việc kiếm tìm trái cây nuôi mạng sẽ vô cùng khó khăn. Với tâm bi mẫn và lòng từ vô lượng, trời Đế thích cung thỉnh hai đạo sĩ nên sinh một đứa con để làm chỗ nương tựa cho tuổi già mai hậu. Hai vị đạo sĩ kiên quyết giữ phạm hạnh không chịu phá giới. Lần thứ hai, trời Đế thích ân cần thưa thỉnh, tiết lộ hoàn cảnh tương lai khó khăn của hai người, nếu không con thì hòan cảnh sẽ khốn đốn. Hai vị đạo sĩ khăng khăng chối từ. Lần thứ ba, trời Đế thích đã mất công vô ích mà còn được hai vị đạo sĩ phân trần về chí nguyện của họ. Họ nói rằng:”Này bạn, không những bạn khuyên chúng tôi làm một việc không có lợi ích mà còn tai họa đến phạm hạnh của chúng tôi nữa. Bạn biết không, cái gì đến thì nó cứ tự đến, chúng tôi không hề sợ hãi tránh né bao giờ, dù là tổn nguy đến sanh mạng. Lòng từ ái của bạn là rất tốt nhưng quả thật nó đã được đặt không nhằm chỗ. Mặt trời, mặt trăng kia có thể rơi xuống, quả đất này có thể sụp đi, núi Tu di kia có thể tan vỡ như hạt bụi – nhưng phạm hạnh của chúng tôi thì chẳng ai có thể phá hủy được. Chúng tôi rất cảm ơn bạn, nhưng xin bạn hãy đi đi, ở đây không phải là nơi để bạn lui tới nói những lời trống không, phù phiếm như thế.”
Biết không lay chuyển được chí nguyện sắt đá của hai vị đạo sĩ, trời Đế thích bèn hiện ra thân tướng trang nghiêm, chói sáng, uy nghi rồi thú thật mình chính là Đế thích Thiên vương. Hai vị đạo sĩ vô cùng kinh ngạc. Đế thích cũng chẳng dấu diếm gì nữa, nói rằng, ngài có khả năng biết chuyện quá khứ, vị lai; biết rằng trong nay mai cả hai vị đạo sĩ sẽ bị mù cả hai mắt, thật không dễ gì kiếm vật thực nuôi mạng. Thiện chí của ngài hoàn toàn không phải vì mục đích phá hủy phạm hạnh của họ, chỉ mong họ có người để nương tựa lúc tuổi già mù lòa sức yếu mà thôi. Lời chí tình của Đế thích cũng không thể làm cho hai vị đạo sĩ lay động tâm. Cuối cùng, Đế thích phải năn nỉ, rằng chỉ cần đạo sĩ Dukala đặt tay lên bụng của nữ đạo sĩ Pàrikà vào kỳ kinh nguyệt – thì ngài có khả năng làm cho họ được sinh con! Thấy một vị Thiên vương chí tôn mà phải hạ mình cầu khẩn chí tình như thế, đạo sĩ Dukala không nỡ chối từ nữa, nghĩ rằng chỉ cần đặt tay lên bụng, phạm hạnh dẫu có bị hoen ố nhưng chưa phải là hoàn toàn bị phá hủy, nên nhận lời…
Đức vua Mi-lan-đà hỏi:
– Rồi sau đó, bồ tát Sàma của chúng ta giáng sanh ư?
– Thưa, chẳng phải đơn giản như thế. Được sự ưng thuận của hai vị đạo sĩ rồi, Đế thích trở lại thiên cung, dùng thiên nhãn quán xét xem thử vị trời nào có nhiều công đức ba-lamật, nhiều trí tuệ mà tuổi thọ sắp mãn, có khả năng lai sanh bất cứ nơi nào… Chỉ gặp được một vị trời hội đủ nhiều yếu tố như thế, Đế thích lại một phen nữa lao đao vất vả đến mời thỉnh vị thiên tử ấy giáng phàm…
– Và đấy chính là đức Sàma!
– Phải rồi! Nhờ lúc ấy bồ tát Sàma biết tuổi thọ mình sắp mãn, đang quan sát trong bốn châu thiên hạ xem có chỗ nào nên hạ sanh. Đế thích trình bày hoàn cảnh của hai đạo sĩ mù nay mai trong rừng sâu, rồi thỉnh nguyện Bồ tát thai sinh để bổ túc ba-la-mật của mình. Bồ tát Sàma nhận lời. Và sau khi hẹn ngày, nữ đạo sĩ Pàrikà có kỳ kinh nguyệt, đạo sĩ Dukala đưa tay sờ vào bụng, tức khắc bồ tát Sàma đầu thai cấu sanh. Như vậy, thai sinh ấy vẫn hội đủ ba yếu tố, nhưng ở đây có năng lực hỗ trợ của trời Đế thích, tâu đại vương!
– Vậy thì trẫm hiểu rồi! Nếu không có năng lực thần kỳ của trời Đế thích thì làm sao mà giải thích cho kẻ phàm phu hiểu được. Nhưng ngoài nguyên nhân ấy còn có nguyên nhân nào về sự đầu thai của chúng sanh nữa chăng?
– Thưa, tất cả chỉ có bốn nguyên nhân, tâu đại vương! Ây là nguyên nhân do sức tác động của nghiệp, do cách sanh và chỗ sanh khác nhau, do chủng loại, dòng họ khác nhau, và thứ tư là do được thỉnh mời.
– Thế nào là do sự tác động của nghiệp, thưa đại đức?
– Dĩ nhiên, nghiệp quyết định tất cả các cảnh thú tái sanh trong sáu đường, nhưng ở đây chỉ muốn nói đến hạng chúng sanh có thiện căn, tích trữ nhiều phước báu; họ có khả năng đến chỗ nào y như ước muốn, y như quyết tâm mong mỏi, tâu đại vương! Ví dụ họ muốn hóa sanh lên các cõi trời, sanh vào dòng vua chúa uy quyền cao sang hay sanh vào các gia đình bà-la-môn danh vọng, giàu có v.v… đều có thể được, không trở ngại gì!
– Có thể dễ dàng như thế sao?
– Vâng, rất dễ dàng. Ví như có một người giàu nứt đố đổ vách, châu báu ngọc ngà, tài sản, kho đụn chẳng biết để đâu cho hết. Đại vương nghĩ thế nào, nếu người giàu có ấy muốn mua một xóm nhà lớn, xóm nhà nhỏ, muốn mua tôi trai hoặc tớ gái thì có dễ dàng thỏa nguyện chăng?
– Dĩ nhiên là được!
– Cũng như thế là người có nhiều công đức, phước báu, có nhiều thiện pháp; họ muốn sanh xứ chỗ nào, gia tộc nào đều dễ dàng như ước muốn, tâu đại vương!
– Cái gọi là cách sanh, chỗ sanh là như thế nào, thưa đại đức?
– Nguyên nhân này kỳ lạ lắm, tâu đại vương! Chỉ có bậc Toàn Giác mới thấy rõ, biết rõ. Ví như có chúng sanh được sanh ra từ bụng, từ âm xứ của người nữ, của giống cái; có chúng sanh – như chư thiên – thì hốt nhiên hóa sanh, kẻ thì từ vườn hoa, kẻ trong bảo điện, kẻ ở chỗ ngồi, kẻ thì ở xung quanh hoặc từ phòng riêng của vị thiên tử v.v… Ví như con gà khi cấu sanh phải có sự hỗ trợ của gió. Ví như con cò, con vạc khi cấu sanh phải có sự hỗ trợ của sấm sét v.v… Thật là thiên hình vạn trạng, khó biết hết, khó thấy hết. Đại vương cứ thử tưởng tượng loài người sinh sống trên mặt đất, màu da, sắc phục, hình tướng, cách trang điểm khác nhau, phong phú như thế nào thì chỗ sanh, cách sanh cũng phong phú và đa dạng như thế ấy.
– Thế chủng loại, dòng họ là thế nào, thưa ngài?
– Điều này thì đại vương biết rồi, đấy là noãn thai, thấp, hóa, tức là được sinh ra từ trứng, từ thai bào, chỗ ẩm thấp hoặc được sinh ra do hóa mà sanh tức là tự hiện ra. Noãn sanh là như gà, chim… Thai sanh như người và các loài thú bốn chân: hươu, nai, heo, bò v.v… Thấp sanh như rệp, rận, quăn v.v… Hóa sanh như chư thiên các cõi trời… Nếu chúng sanh ở chủng loại, dòng họ nào thì hành tướng, sanh nghiệp đều thuộc về chủng loại, dòng họ ấy. Ví dụ thuộc loài từ trứng sanh thì phải có nghiệp, có tướng tương đồng. Các chủng loại, dòng họ khác nhau cũng y như thế đó, tâu đại vương!
– Cuối cùng là do thỉnh mời, như trường hợp bồ tát Sàma của chúng ta. Nhưng trẫm không rõ trường hợp nào được thỉnh mời, có điều kiện nào cho việc thỉnh mời ấy thành tựu? Và cuối cùng là lợi ích thù thắng của nó ra sao?
– Câu hỏi này rất hay, thưa đại vương! Trường hợp được thỉnh mời phải đầy đủ ba điều kiện mới thực sự thành tựu và thực sự đem đến lợi ích lớn.
- Thứ nhất là người thỉnh mời phải có nhiều oai lực, nhiều phước báu, nhiều tâm từ.
- Thứ hai, người được thỉnh mời phải là vì thiên tử đầy đủ công đức ba-la-mật, nhiều trí tuệ và có nguyện lực tái sanh độ thế.
- Thứ ba là gia tộc được chọn lựa để đầu thai phải có giới đức thanh tịnh, đức tin tròn đủ, đã tu tạo nhiều thiện pháp. Nếu thiếu một trong ba điều kiện ấy thì việc thỉnh mời sẽ bất thành, tâu đại vương!
– Đại đức có ví dụ cụ thể nào chăng?
– Thưa có, tâu đại vương. Ví như có một người làm ruộng giỏi giang, biết chăm chuyên cần mẫn, lựa hạt giống tốt, gieo vào thửa ruộng tốt, phân nước đầy đủ; đến khi gặt hái thì năng suất lúa sẽ bội thu, có phải thế không, thưa đại vương?
– Đúng vậy.
– Người làm ruộng được ví như trời Đế thích, hạt giống tốt ví như bồ tát Sàma của chúng ta và thửa ruộng tốt được ví như đạo sĩ Dukhala và nữ đạo sĩ Pàrikà. Đầy đủ các điều kiện tốt ấy thì có lợi ích cho chư thiên và nhân loại không, thưa đại vương?
– Dĩ nhiên là quá nhiều phước lành do duyên kết hợp ấy.
– Phước lành do sự kết hợp ấy quả là hy hữu, tâu đại vương! Từ xưa đến nay, trời Đế thích chỉ thỉnh mời có bốn người, đấy là đức vua Kusa, đức vua Mahàpahànàda, bồ tát Suvanna Sàma trong câu chuyện vừa rồi và bồ tát Vessantara là kiếp áp chót của Phật Thích ca mà thôi!
Đức vua Mi-lan-đà vô cùng hoan hỷ, bèn tán thán:
– Thật là thù thắng làm sao là sự giải đáp tận tình, cặn kẽ của đại đức! Trẫm rất lấy làm thỏa thích và sung sướng vậy.
* * *
(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)