97. Đức Thế Tôn còn khổ chút ít nào không?

23/07/2022 417 lượt xem

– Thưa đại đức! Đức Thế Tôn đắc thành vô thượng bồ đề tuệ, ngài thiêu hủy tất cả ác pháp “một cái một” phải không? Hay là ác pháp còn dư sót chút ít?

– Đức Tối-thượng-giác đã tận diệt tất cả mọi nguyên nhân của nghiệp ác, không còn dư sót, ngài dứt “một cái một”, tâu đại vương rõ!

– Không còn dư sót bất cứ một nghiệp ác nào, như vậy có nghĩa là ngài chẳng còn bị trả quả đau khổ, dẫu là một chút ít, có phải thế không, thưa đại đức?

– Đau khổ chút ít ở nơi thân thì có – còn ở nơi tâm thì hoàn toàn không!

– Xin đại đức cho ví dụ cụ thể.

– Vâng! Thưa đại vương! Như một lần nọ, khi Đề-bà-đạt-đa xô tảng đá từ trên núi xuống cố ý làm hại Đức Phật; tảng đá ấy va đụng tảng đá khác, một mảnh nhỏ đã văng trúng chân Đức Phật làm cho chân ngài bị bầm máu sưng lên. Như vậy là Đức Phật bị đau chân. Ngài đau chân, tức là đau ở nơi thân, còn tâm giải thoát của ngài thì chẳng bị đau bao giờ. Một lần khác, tại xứ Veluvana, Đức Phật bị bệnh ra máu, sau đó có ông thầy thuốc dâng thuốc cầm máu cho ngài. Lần khác nữa, do phong đại thịnh, Đức Phật bị bệnh, ngài Ànanda dâng nước nóng cho Đức Phật uống. Cả hai trường hợp sau Đức Phật đều chỉ bị đau chút ít ở nơi thân mà thôi, tâu đại vương!

– Thưa đại đức! Trẫm không đồng ý như thế! Có thọ khổ chút ít vậy tức là còn khổ rồi. Nếu Đức Thế Tôn đã chấm dứt tất cả ác pháp để thành Phật Chánh Đẳng Giác – thì làm gì còn ác nghiệp để phải bị trả quả đau khổ, dầu là chút ít? Trẫm nghi ngờ lắm. Nghi ngờ rằng Đức Thế Tôn thiêu hủy tất cả ác pháp để thành Phật quả là không đúng chăng? Nghi ngờ rằng Đức Chánh Đẳng Giác mà còn thọ khổ bệnh là không đúng chăng? Hai mối nghi ấy mâu thuẫn nhau, là hai khía cạnh chống đối nhau. Vậy nhờ đại đức hãy phá nghi cho trẫm.

– Không có mâu thuẫn đâu, thưa đại vương! Sự thọ khổ do ác nghiệp ở nơi Đức Thế Tôn đã hoàn toàn được tận diệt, đó là điều chắc thật. Còn những thọ khổ khác nó còn có bảy nguyên nhân phát sanh, không phải do quả của nghiệp, thưa đại vương!

– Ây là những nguyên nhân gì?

– Thưa, đó là phát sanh bởi gió, bởi mật, bởi đàm, cơ thể bị chi phối bởi nhiều tâm trạng, bởi thời tiết thay đổi, bởi oai nghi không đều, bởi cơ thể bị nhiều sự co thắt v.v…

– Làm thế nào để phân biệt được sự thọ khổ nào là phát sanh bởi nghiệp và sự thọ khổ nào là không phát sanh bởi nghiệp, thưa đại đức?

– Có thể phân biệt được, tâu đại vương! Sự thọ khổ do bảy nguyên nhân kể trên nó chỉ phát sanh trong hiện tại, còn sự thọ khổ do ác nghiệp nó liên hệ từ quá khứ đến vị lai.

– Xin đại đức giảng giải cho rõ ràng hơn.

– Vâng, ví dụ sự thọ khổ phát sanh bởi gió. Vì phát sanh bởi gió nên nó chỉ phát sanh trọng hiện tại. Trong hiện tại thì sự thọ khổ ấy bị tác động do lạnh quá, do nóng quá, do thọ dụng quá độ, do đứng lâu quá, do ngồi lâu quá, do chạy nhiều quá, do nằm nhiều quá, do làm việc nhiều quá, do cố gắng quá sức .v.v… Sự thọ khổ ấy chỉ phát sanh trong hiện tại, không phát sanh từ quá khứ đến vị lai nên không phải là quả của ác nghiệp, tâu đại vương!

– Sự thọ khổ phát sanh do mật, do đàm, do thời tiết đổi thay, do oai nghi không đều – đều y như thế?

– Thưa, vâng! Nói tóm lại, sự thọ khổ phát sanh do nghiệp quả thì ít hơn, còn sự thọ khổ phát sanh do nhiều nguyên nhân khác trong hiện tại thì nhiều hơn, thưa đại vương!

– Thưa đại đức! Trẫm đã hiểu sự thọ khổ chút ít của Đức Thế Tôn do gió, do mật, do đàm … là phát sanh trong hiện tại, không phải quả của ác nghiệp. Nhưng trường hợp Đề-bà-đạt-đa xô tảng đá xuống làm Đức Phật chảy máu chân, bầm tím và đau … chúng ta phải hiểu thế nào, do ác nghiệp hay do nguyên nhân khác?

– Đại vương! Trước khi muốn hiểu cho thấu đáo trường hợp ấy, đại vương có thể cho bần tăng biết, nghiệp là gì không?

– Thưa, nghiệp chính là tác ý, là khởi tâm!

– Đề-bà-đạt-đa lăn đá làm hại Phật là tác ý của Phật hay là tác ý của Đề-bà-đạt-đa?

– Của Đề-bà-đạt-đa!

– Đúng vậy! Và giả dụ Đề-bà-đạt-đa kết oan trái với Phật từ quá khứ thì đấy là nghiệp của Đề-bà-đạt-đa hay nghiệp của Phật?

– Của Đề-bà-đạt-đa!

– Đại vương! Vậy là đại vương đã tự trả lời! Đề-bà-đạt-đa gây nhân dữ thì bị quả xấu – còn Đức Thế Tôn vì đã chấm dứt tất cả mọi ác nghiệp nên không còn bị khổ báo nữa, đấy là sự thật hiển nhiên vậy.

– Nhưng dù sao thì Đức Thế Tôn cũng bị thọ khổ, thưa đại đức!

– Tâu đại vương! Vì Đức Thế Tôn còn mang thân xác hữu vi nên những thọ khổ ấy là những tác động đương nhiên của các định luật nhiên giới, không thể bảo là thọ khổ do ác nghiệp được!

– Đại đức có ví dụ nào về điều ấy chăng?

– Vâng, có! Ví như có một người làm ruộng. Người ấy được có kẻ cho ruộng và có kẻ cho lúa giống! Khi ruộng đã được cày bừa xong, người kia gieo lúa giống vào đám ruộng ấy. Thời gian sau, lúa ấy không phát triển được tốt, vậy là lỗi do người cho ruộng hay là lỗi do kẻ cho lúa giống hở đại vương?

– Thưa, thật khó nói là do lỗi của ai, thật khó nói là do nguyên nhân nào!

– Vâng, đúng thế! Lại nữa, ví như có người ăn vật thực vào, cảm thấy không được an vui vì tức hơi, đầy bụng! Có thể nào người ấy lại đổ lỗi cho cái bụng, hoặc đổ lỗi cho vật thực, hở đại vương!

– Thật không thể!

– Vậy thì tại sao sự thọ khổ ở nơi thân chảy máu của Đức Thế Tôn, đại vương lại dám bảo do một nguyên nhân là ác nghiệp?

– Vâng, thật không thể!

– Đại vương! Sống giữa cõi đời này, còn mang thân xác tứ đại, còn cảm thọ, còn tri giác … nên phải nhận chịu các định luật tương tác ở chung quanh của nhiên giới, của xã hội và con người. Những chuyện trái ý nghịch lòng, được mất, hơn thua, khen chê … rơi xuống thân tâm chúng ta cũng giống như những viên đá từ hư không rơi ruống mặt đất. Mặt đất đâu có tạo nghiệp gì mà phải bị như thế, hở đại vương?

– Mặt đất làm sao lại tạo nghiệp được!

– Cũng dường như thế ấy là viên đá làm chảy máu chân Đức Thế Tôn. Đức Thế Tôn chẳng tạo nghiệp gì từ trước cả và chính khi bị viên đá làm chảy máu chân, Đức Thế Tôn vẫn với tâm giải thoát, tuệ giải thoát đấy, đại vương! [*]

– Thưa, vậy chính là do Đề-bà-đạt-đa tự gây nhân ác?

– Vâng, y gây nhân ác thì chính y phải chịu quả khổ chứ chẳng liên hệ gì Đức Thế Tôn cả.

– Vâng, giờ thì trẫm đã hiểu rồi!

– Đại vương! Đức Thế Tôn có thuyết trong kinh Samyutta Nikàya như là cái dấu ấn của đức vua để minh thuyết cho lời bần tăng vừa nói. Đó là: “Này bà-la-môn Sivaka! Tất cả những thọ khổ ở nơi thân hoặc do gió phát sanh hoặc do đàm phát sanh hoặc do mật phát sanh hoặc do thời tiết thay đổi v.v… Tất cả thọ khổ ấy ngươi phải cần thấy như thật, rằng là, có thể chúng là nhân, có thể chúng là duyên, hỗ trợ, tương tác mà thành. Sự thọ khổ ấy đừng vội quy kết là do nghiệp, như một số sa môn, bà-la-môn vì không thấy rõ các định luật tự nhiên mà tuyên bố rằng: “Người đời hằng thọ vui, thọ khổ hoặc không vui không khổ, tất thảy đều do nghiệp đã làm từ trước!”. Các sa môn, bà-la-môn ấy đã chạy vượt quá sự hiểu biết của mình, đã không có trí tuệ lại tự xưng là có trí tuệ, họ đã sai lạc và rơi vào tà kiến vậy”.

– Cảm ơn đại đức đã mở con mắt sáng cho trẫm.

[*] Theo bộ chú giải Apàdàna, phần Budthapadàna, thời quá khứ Bồ tát xô đá giết chết em trai của mình. Nên đây là nghiệp còn dư sót.( chỗ này dường như có mâu thuẫn)

* * *

(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)

×