96. Nghi về thời gian giáo pháp tồn tại

22/07/2022 340 lượt xem

– Thưa đại đức! Khi Đức Thế Tôn cho phép nữ giới vào tu, ngài có nói là giáo pháp chỉ còn tồn tại năm ngàn năm. Nhưng khi sắp Niết bàn, Đức Thế Tôn lại nói với Subhaddà rằng: chừng nào chư tỳ khưu đệ tử của Như Lai, có đức tin đầy đủ, biết thực hành đúng đắn giáo pháp của Như Lai thì chừng ấy trong thế gian sẽ không mất quả vị A-la-hán! Thưa đại đức! Tại sao Đức Thế Tôn thuyết lời nói sau lại ngược với lời nói trước? Tại sao Đức Thế Tôn lại thuyết hai lời, trước sau không như một, làm cho kẻ hậu học không xiết nghi ngờ; và kẻ ngoại đạo sẽ lấy lý do ấy để dị luận, tiếu đàm giáo pháp của đức Tôn Sư?

– Tâu đại vương! Quả là hai lời ấy Đức Thế Tôn đều có thuyết. Và quả thật, Phật ngôn ấy ý nghĩa không đồng nhau, có ý nghĩa khác nhau, văn tự, ngữ nghĩa đều khác nhau. Nó xa nhau, khác nhau và cách biệt nhau lắm. Ví như đất và trời, ví như bảo điện chốn thiên cung và hỏa lò nơi địa ngục; ví như vui với khổ, như tội với phước, như có đức và thất đức v.v… Bần tăng xin xác nhận sự thật ấy!

– Thế ra đại đức cũng đồng ý sự mâu thuẫn giữa hai Phật ngôn của Đức Tôn Sư?

– Đại vương, đại vương hiểu thế nào, khi Đức Thế Tôn tuyên bố giáo pháp chỉ còn tồn tại năm ngàn năm, là ngài tiên tri về thời gian giáo pháp tiêu hoại hay là ngài có ý ngăn cấm sự giác ngộ đạo quả?

– Dĩ nhiên Đức Tôn Sư chỉ nói đến thời hạn giáo pháp tiêu hoại thôi.

– Đúng thế, Đức Thế Tôn nói đến thời kỳ tiêu hoại giáo pháp như là ranh giới không có phần dư, nhưng “phần còn lại” thì Đức Thế Tôn chưa nói đến, tâu đại vương!

– Cái gì là “phần còn lại” thưa đại đức?

– Ví như có một người gia chủ biết rằng tài sản của mình ba năm nữa là tiêu hoại, nhưng y không thối chí, ngã lòng, ăn tiêu cần kiệm, cố gắng làm ăn tích lũy thì thời hạn ba năm ấy có đúng chăng, đại vương?

– Sẽ kéo dài, và thời kỳ tiêu hoại sẽ lâu hơn.

– Nhưng giả dụ y cứ tiếp tục phung phí, ăn tiêu xa xỉ thì thế nào hở đại vương?

– Thời gian tiêu hoại sẽ rút ngắn lại.

– Cũng vậy là ý nghĩa đằng sau lời tuyên bố của Đức Thế Tôn. Giáo pháp năm ngàn năm nữa là tiêu hoại, nhưng nếu chư tỳ khưu, tỳ khưu ni, cận sự nam nữ chuyên tâm tu thiền định, thiền quán, tu tứ vô lượng tâm, cần cầu sự giác ngộ, giải thoát thì thời hạn kia chắc chắn sẽ được kéo dài, phải thế không, đại vương?

– Đúng thế.

– Và nếu tứ chúng đệ tử sống buông lung, phóng dật, chẳng chịu tu tập gì cả thì thời hạn kia sẽ thế nào, hở đại vương?

– Dĩ nhiên là giáo pháp sẽ nhanh chóng tiêu hoại hơn thế nữa.

– Vậy thì hai lời tuyên bố của Đức Thế Tôn ở trên mặc dù văn tự khác nhau, ngữ nghĩa khác nhau, dường như nó mâu thuẫn nhau, nhưng lại bổ túc ý nghĩa cho nhau, tâu đại vương!

– Thưa, trẫm đã hiểu nhưng trẫm còn muốn nghe ví dụ nữa.

– Vâng, ví như một cái hồ với sức chứa như vậy, mạch nước rỉ ra hằng ngày như vậy thì khi mùa hạ đến, chừng vài tháng là hồ cạn; nhưng nếu năm, bảy ngày lại có những trận mưa lớn thì thời hạn cạn nước của cái hồ kia sẽ thế nào, hở đại vương?

– Dĩ nhiên là có thể kéo dài thêm một tuần, hai tuần hoặc một tháng, hai tháng nữa cũng chưa biết chừng!

– Cái hồ chính là giáo pháp, thời hạn khô nước chính là giáo pháp đến thời phải tiêu hoại, nước mưa tuôn đổ thêm chính là phẩm hạnh tu tập của tứ chúng. Nếu tứ chúng tu hành đúng đắn, thực hành trọn đủ và nghiêm túc về giới, về định, về tuệ thì giáo pháp sẽ lâu dài hơn năm ngàn năm; và bốn đạo, bốn quả, sẽ còn tồn tại trên thế gian lâu dài hơn thời hạn giáo pháp bị tiêu hoại, có phải vậy không, đại vương?

– Vâng, đúng thế!

– Lại nữa, ví như một đống lửa lớn được cháy bởi củi khô, lá khô, rác khô! Đống lửa ấy sẽ tàn nếu như củi lá và rác ấy bị cháy hết. Nhưng nếu thỉnh thoảng ta bỏ vào đống lửa ấy thêm rác, thêm củi, thêm lá thì đống lửa ấy sẽ lâu tàn hơn, phải vậy không, đại vương?

– Thưa vâng!

– Đống lửa này được ví là giáo pháp. Thời gian tiêu hoại của giáo pháp ví như đống lửa tàn sau khi hết nhiên liệu. Củi, lá, rác được bỏ thêm vào được ví là những giới đức, phẩm hạnh, sự tinh cần tu tập của tứ chúng. Và như thế thì dẫu giáo pháp năm ngàn năm bị tiêu hoại, nhưng nếu tứ chúng thực hành chánh pháp một cách nghiêm túc, có hiệu quả thì quả vị A-la-hán sẽ còn tồn tại lâu dài! Đại vương còn hoài nghi gì nữa chăng?

– Vâng, trẫm không còn hoài nghi gì nữa. Trẫm chỉ còn một thắc mắc nhỏ chưa hiểu rõ mà thôi, ấy là sự tiêu hoại của chánh pháp. Nói cho dễ hiểu là chánh pháp bị tiêu hoại được biểu hiện bởi những tiêu hoại gì?

– Vâng, sự thắc mắc của đại vương rất chính xác. Có ba sự tiêu hoại cả thảy. Ây là tiêu hoại sở đắc, giác ngộ. Thứ hai là tiêu hoại về hạnh kiểm, giới luật. Thứ ba là tiêu hoại về tăng tướng, phẩm mạo, tâu đại vương.

– Xin đại đức giảng cho nghe thế nào là tiêu hoại sở đắc, giác ngộ?

– Vâng! Ây là khi mà tứ chúng không còn kiên tâm trì chí thực hành giáo pháp cho đến nơi đến chốn. Chúng chỉ thực hành cho có lệ, được chút gì hay chút ấy, vì vậy chúng không còn có khả năng chứng ngộ đạo quả. Điều ấy được gọi là sự tiêu hoại sở đắc, giác ngộ, thưa đại vương!

– Trẫm đã hiểu. Còn thế nào là tiêu hoại hạnh kiểm, giới luật?

– Đấy là vào thời mà tứ chúng khinh thường những giới điều nhỏ, không thực hành, không tôn trọng những giới cấm lớn. Chúng mất tư cách, thiếu phẩm hạnh, thiếu hạnh kiểm, phá giới luật … như vậy được gọi là sự tiêu hoại giới luật, hạnh kiểm, tâu đại vương!

– Thế còn điều thứ ba: Sự tiêu hoại tăng tướng, phẩm mạo?

– Tâu đại vương! Đến một lúc nào đó, Tăng chúng không còn mặc y cà-sa nữa. Chúng viện cớ phương tiện, viện cớ đi lại khó khăn, viện cớ “phá tướng”, nên không còn thích mặc y cà-sa vướng víu ở trên người, chúng thích mặc áo thế tục. Đến lúc ấy, chiếc y cà-sa màu vàng chỉ còn là một mảnh vải vàng tượng trưng, vắt qua lỗ tai mà thôi. Rồi đến lúc, chút vải vàng ấy cũng không còn nữa, ấy được gọi là tiêu hoại tăng tướng, phẩm mạo, tâu đại vương!

Đức vua Mi-lan-đà vô cùng hoan hỷ:

– Cảm ơn đại đức đã giàu lòng bi mẫn, với nhiều câu ví dụ thiện xảo đã phá nghi cho trẫm.

* * *

(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)

×