Duy tâm sở hiện

18/12/2021 1.553 lượt xem

Từ “tánh không” chúng ta bước sang một giáo lý khác, đó là “duy tâm sở hiện”, có nghĩa các pháp đều do tâm biến hiện và nhận thức.

Thí dụ trong một cuộc thử nghiệm, các bác sĩ lấy một miếng sắt nhỏ như cái muỗng nói là đã hơ trong lửa rất nóng trước khi dí vào lưng một bệnh nhân. Sau khi dí vào thì lưng bệnh nhân bị phỏng, trong khi đó bác sĩ không hề hơ miếng sắt đó trong lửa. Sự kiện này cho thấy rằng bệnh nhân đã tin và tưởng rằng miếng sắt đó rất nóng. Do tin và tưởng chắc như vậy nên nó đã làm cho da bị phỏng khi miếng sắt xúc chạm vào lưng. Sự phỏng này không phải do miếng sắt nguội mà do chính tâm của bệnh nhân tạo ra.

Thí dụ khác là loại thuốc “placebo”, đó là những viên thuốc giả, bên trong làm bằng đường và không có một chút hóa chất nào, nhưng bác sĩ đưa cho các bệnh nhân nhức đầu và nói đó là thuốc trị nhức đầu. Những bệnh nhân này uống xong thì cảm thấy hết nhức đầu. Điều này cho thấy bệnh nhân hết nhức đầu vì trong tâm họ tin đó là thuốc nhức đầu và tưởng rằng uống vào thì hết nhức đầu, do đó sự hết nhức đầu này không phải do “thuốc giả” mà do chính tâm của họ tạo ra.

Thí dụ khác, trong thời kỳ đệ nhất thế chiến, hải quân Đức đã ghi lại một sự kiện khá kỳ lạ: khi những chiến hạm của họ bị bắn chìm, các thủy thủ thường bị trôi giạt lênh đênh trên biển vài ngày hoặc vài tuần trước khi được tàu nhà đến cứu. Chuyện này bình thường không có gì đáng nói, nhưng điều lạ là khi tới cứu vớt, họ nhận thấy những người sống sót thường là những thủy thủ già, trong khi những thủy thủ trẻ, khỏe mạnh hơn đều đã chết chìm. Sau khi nghiên cứu, điều tra thì họ được biết những thủy thủ già này đều đã trải qua những kinh nghiệm đắm tàu và được cứu vớt nên họ tin chắc thế nào cũng có tàu khác tới cứu. Do niềm tin vững chắc nên tuy già yếu hơn, họ vẫn nuôi hy vọng cố bám, chờ đợi và sống sót. Trong khi những thủy thủ trẻ, chưa hề trải qua kinh nghiệm đắm tàu, sau nhiều ngày lênh đênh trên biển, họ tin chắc không còn hy vọng sống sót, và vì tin như vậy, tin vào sự chết sẽ đến rước nên họ đã bỏ cuộc và chết chìm trước khi được tàu đến cứu.

Những người bị bệnh ung thư, nếu tâm hồn lạc quan, luôn hy vọng, tin tưởng mình sẽ khỏi bệnh, cố gắng tìm thầy tìm thuốc, những người này có nhiều cơ hội khỏi bệnh hoặc sống lâu hơn những người bị bệnh mà tâm bi quan chán đời.

Người Pháp thường nói “hy vọng là sức sống” (l’espoir fait vivre), hy vọng là sự biểu lộ của niềm tin. Vì có tin nên mới hy vọng. Khi mất niềm tin thì không thể hy vọng gì được nữa. Những người mắc bệnh trầm cảm nặng thường muốn chết, vì họ không còn niềm tin, không còn hy vọng, không còn hứng thú đối với cuộc đời.

Tôi kể vài thí dụ ở trên để nói lên sức mạnh vi diệu, tiềm tàng của tâm thức. Cần phải nói thêm rằng không phải cứ tin cái gì thì sẽ có cái đó, thí dụ như cứ tin là mình sẽ trúng số thì được trúng số, hoặc cứ tin là mình sống tới 100 tuổi thì sẽ sống tới 100 tuổi. Nói theo Duy Thức Học thì tin là một loại chủng tử (hay một nhân). Khi gặp đủ duyên thì chủng tử này sẽ hiện hành ra quả, còn thiếu duyên thì không thể cho ra quả.

Khi có nhiều niềm tin về một điều gì thì đó là đang gieo vào Tàng thức của mình một loại chủng tử, khi những chủng tử này đủ sức mạnh thì chúng sẽ bộc phát ra ngoài, và sự việc xảy ra, gọi là hiện hành. Thí dụ như người tu Tịnh Độ, có nhiều niềm tin nơi đức Phật A Di Đà, hàng ngày cầu nguyện ngài đến tiếp độ về Cực Lạc, đến khi thân xác bệnh hoạn, già yếu, tắt thở thì đó là thời tiết nhân duyên thuận lợi cho sự hiển lộ của niềm tin bộc phát. Và đương nhiên là người này sẽ được đức Phật A Di Đà đến tiếp dẫn. Còn những người tu Tịnh Độ, miệng tuy niệm Phật, nhưng thâm tâm còn tin và bám vào vật chất, gieo nhiều chủng tử tham lam, giận hờn, ganh tị, ích kỷ, v.v… thì cảnh giới Cực Lạc khó hiển lộ khi thân xác tắt thở.

Xe ủi lô

Sáng nay trong lúc ngồi thiền, có một xe ủi lô chạy ngay phía sau chùa và cứ thế đi tới đi lui để ủi và nén đất, phát ra tiếng ồn đinh tai nhức óc làm tôi khó chịu vô cùng. Tôi cố gắng chú tâm vào hơi thở để quên đi tiếng ồn nhưng vô hiệu. Bỗng tôi nhớ lại câu: “Ghi nhận và chấp nhận sự vật như nó là. Đau khổ phát sinh khi muốn sự vật phải theo ý mình”. Tôi bèn nhìn xem tâm nào đang khó chịu? Thật ra tiếng ồn không thể nào làm gì được tâm, vì tâm vô hình chất, không bị chướng ngại. Nó chỉ bị chướng ngại khi nó bắt đầu chấp và khởi lên ý niệm ưa ghét, lấy bỏ. Nguyên nhân của sự khổ sở là “tâm phân biệt”, phán đoán đây là tiếng ồn khó chịu quá, và từ đó làm khởi lên sự chán ghét, khó chịu, bực dọc.

Vậy phải làm sao đây?

Hãy ghi nhận sự vật như nó là và chấp nhận nó như thế. Và an trụ trong tánh rỗng lặng của tâm. Gặp cảnh trái ý hay vừa lòng, giữ tâm không ưa ghét, lấy bỏ. Và rồi cái gì có đến thì có đi, cái xe ủi lô kia chạy một hồi rồi cũng phải ngừng. Sự vật vô thường mà! Cái phiền (khổ) đến thì nó sẽ đi, điều quan trọng là mình có đủ kiên nhẫn chờ nó ra đi hay không?

(Trích “Dòng Đời Vô Tận”)
Hòa thượng Thích Trí Siêu

×