Tâm thích nếm mùi

09/07/2022 1.066 lượt xem

Tâm tuy vô hình chất, nhưng nó lại hay thích nếm mùi kinh nghiệm vật chất, nó thích nhìn ngắm các màu sắc xinh đẹp qua cửa con mắt, thích nghe những âm thanh êm dịu qua lỗ tai, thích ngửi mùi thơm qua lỗ mũi, thích nếm các vị ngon qua cái lưỡi, và thích xúc chạm khoái lạc qua thân thể.  Nói cách khác là tâm rất thích đi tìm cảm thọ qua năm giác quan.  Từ sự đi tìm cảm thọ mà tâm bị mắc kẹt, trói buộc vào vật chất.

Theo kinh Khởi thế nhân bổn[1], tổ tiên của loài người là chư thiên ở Quang Âm Thiên (Abhassara) tái sinh.  Ban đầu họ có thân bằng ánh sáng, phi hành trong không gian, tự nuôi sống bằng hỷ lạc, không cần ăn uống.  Lúc đó mặt đất có màu sắc giống như đề hồ[2] và hương vị ngon ngọt như mật ong.  Trong số các chúng sinh này,  có người tò mò lấy ngón tay quẹt miếng đất và nếm thử.  Liền khi ấy, mùi vị của đất thấm vào thân và tham ái khởi lên.  Rồi các chúng sinh khác thấy vậy cũng bắt chước làm theo, lấy tay quẹt đất và nếm mùi vị.  Dần dần, vì tham ăn vỏ đất ngọt bùi, thân thể của họ trở nên trọng trược, và mất đi ánh sáng.  Ban đầu không cần ăn mà vẫn sống bằng ý hỷ, nhưng từ khi thưởng thức mùi vị của đất, khởi lòng tham ái, thân bị mất ánh sáng, họ bắt đầu lấy vỏ đất làm thức ăn trong một thời gian khá lâu, thân thể của họ trở thành cứng rắn, và sinh ra hình dáng sai biệt.  Những người có sắc đẹp thì khởi tâm kiêu ngạo về sắc đẹp của mình và khinh chê kẻ khác.  Do sự kiêu ngạo của họ mà vỏ đất ngọt bùi biến mất, thay vào là một loại nấm đất hiện ra khắp nơi.  Loại nấm này có màu sắc như đề hồ, và hương vị như mật ong.  Các chúng sinh trên mặt đất khi ấy phải tự nuôi sống bằng thứ nấm đất này.  Càng ăn nấm đất thì thân thể của họ trở nên cứng rắn hơn và hình sắc lại càng sai biệt nhiều hơn.  Những người có sắc đẹp khinh chê người không có sắc đẹp: “Chúng ta có sắc đẹp hơn họ, họ không có sắc đẹp bằng chúng ta”.  Do kiêu ngạo và kiêu mạn về sắc đẹp của họ nên nấm đất biến mất.  Khi nấm đất biến mất thì có cỏ và cây leo hiện ra.  Loại cây leo này cũng có màu sắc, mùi vị như đề hồ, và chúng sinh khi ấy phải tự nuôi sống bằng cây leo trong một thời gian dài.

Và cứ như thế, càng ăn đồ từ mặt đất thì thân thể của họ càng trở nên cứng rắn và hình dáng lại càng sai biệt.  Có sai biệt thì tâm phân biệt khởi lên so sánh đẹp xấu rồi sinh kiêu mạn, khinh chê kẻ khác nên cộng nghiệp xấu làm thức ăn ngon ngọt ban đầu biến mất và hiện ra các thức ăn sau nhỏ dần.  Sau một thời gian dài ăn cây leo và tạo nghiệp kiêu mạn thì cây leo biến mất và lúa mọc ra khắp nơi.  Lúa ban đầu không có vỏ cám, chỉ toàn mùi thơm và trơn láng.  Chúng sinh chỉ việc nhổ lúa chín và ăn liền, không cần phải nấu nướng.  Nơi nào lúa được nhổ ăn ban sáng thì đến chiều đã mọc lại ngay, không cần phải cày bừa hay trồng trọt.  Càng ăn lúa thì thân thể càng trở nên cứng rắn hơn trước và hình dáng lại càng sai biệt.  Tới thời kỳ này thì hình sắc và tánh tình nam nữ thành hình sai biệt rõ ràng.  Do hình sắc nam nữ sai biệt như vậy, nên họ nhìn nhau lâu thì tình dục khởi lên, ái luyến đối với thân thể bắt đầu.

Bản kinh còn dài, ở đây tôi không muốn lập lại, nếu cần biết thêm thì bạn có thể tìm chánh kinh tra cứu.  Điều chính yếu muốn nói lên ở đây là tiến trình biến đổi từ thân ánh sáng, cấu tạo bởi các nguyên tử thanh nhẹ, đến thân xác thịt thô kệch, cấu tạo bởi những nguyên tử nặng trọc, được khởi đầu chỉ vì tâm tham ái.

Khi tâm thích nếm mùi, đi tìm cảm thọ vật chất (thỏa mãn các giác quan) thì đi theo chiều xuống (hướng hạ), từ nhẹ tới nặng, từ ánh sáng trở thành vật chất.  Khi tâm từ bỏ chạy theo cảm thọ vật chất thì sẽ đi ngược trở lên (hướng thượng), từ nặng tới nhẹ, từ vật chất trở về ánh sáng.

Có những người tu Tịnh Độ, thường niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà mà không biết từ bỏ dục lạc thế gian, ưa thích tài sản, vật chất, luyến ái gia đình vợ con thì khó hy vọng được Ngài tiếp dẫn.  Bởi vì đức Phật A Di Đà (Amitabha) có nghĩa là Vô Lượng

Quang, nói cách khác Ngài chính là Ánh Sáng Vô Lượng.  Người còn nhiều tham dục, tâm u ám, đen tối, nặng trược làm sao tương ưng với ánh sáng trong nhẹ mà đi về cõi ánh sáng?

[1] Trường Bộ Kinh số 27.

[2] Đề hồ là chất bổ dưỡng được làm từ sữa bò, có thể gọi là phó mát (fromage, cheese).

(Trích “Dòng Đời Vô Tận”)
Hòa thượng Thích Trí Siêu

×