Mẹ chồng nàng dâu

02/12/2023 384 lượt xem

Có một cặp vợ chồng mới cưới nhau và người vợ theo phong tục tập quán phải về nhà chồng. Chẳng may người chồng còn mẹ, và ngay từ đầu mẹ chồng nàng dâu đã đụng độ với nhau về việc chăm sóc gia đình nhà cửa. Trước khi cưới vợ, mọi việc ở nhà đều do mẹ chồng cai quản, nay nàng dâu mới về thay đổi mọi việc sắp xếp trong nhà làm mẹ chồng rất khó chịu. Dần dà sự đụng độ trở nên căng thẳng hơn và hai người không thể nhìn mặt nhau. Nàng dâu thì xem mẹ chồng như một phù thủy ác độc, còn mẹ chồng thì thấy nàng dâu là đứa hỗn láo không biết kính nể người lớn.

Từ sự không nhìn mặt đi tới thù ghét và nàng dâu quyết định tìm cách loại bà già chồng khó chịu này ra khỏi nhà. Nàng tới gặp một vị lang y xin mua thuốc độc để bỏ vào thức ăn ám hại mẹ chồng.

Vị lang y không chịu bán mà hỏi lý do tại sao? Nàng dâu kể lể sự việc bị mẹ chồng ăn hiếp bắt nạt và không thể sống chung với bà nữa. Nghe xong câu chuyện, vị lang y đồng ý bán cho nàng thuốc độc nhưng ông nói: “Tôi đồng ý bán, nhưng nếu tôi đưa cho cô loại thuốc độc cực mạnh uống vào chết liền thì mọi người sẽ nhận ra ngay cô là người ám hại bà, và họ sẽ truy ra tôi là người đưa thuốc, như vậy thì cả hai sẽ bị bại lộ. Do đó tôi chỉ đưa cho cô một loại thuốc độc nhẹ, uống nhiều lần cho nó ngấm từ từ, và bà ấy sẽ không bị chết liền”.

Ông còn dặn dò thêm khi nàng lén bỏ thuốc độc hại mẹ chồng thì phải thay đổi thái độ, cư xử thật lễ phép, ngoan ngoãn với bà. Ông nói: “Cô nhớ mỉm cười khi bưng cơm cho bà, khen bà nấu ăn ngon, và hỏi bà có cần cô phụ giúp gì không? Cô nhớ luôn khiêm cung và dễ thương với bà. Làm như vậy thì sẽ không ai nghi ngờ là cô ám hại bà”.

Nàng dâu đồng ý và hý hửng đem lọ thuốc độc về nhà. Ngay tối hôm đó, nàng bắt đầu bỏ thuốc độc vào thức ăn của mẹ chồng rồi lễ phép bưng lên cho bà. Sau vài ngày được đối xử cung kính lễ phép, bà mẹ chồng bắt đầu suy nghĩ lại về nàng dâu, “coi bộ nó cũng không đến nỗi hỗn láo như mình tưởng”.

Vài ngày sau, bà nghĩ tiếp “có lẽ mình đã nghĩ oan về nó”. Và từ từ bà thay đổi thái độ, đối xử dễ dãi hơn và biết khen nàng làm cơm ngon và dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Bà còn biết nói đùa và kể vài ba chuyện tào lao với nàng dâu nữa.

Khi thái độ và cư xử của mẹ chồng thay đổi thì đương nhiên ảnh hưởng tới nàng dâu. Nàng cũng bắt đầu suy nghĩ lại về mẹ chồng, “coi bộ bà già chồng cũng không đến nỗi ác như mình tưởng. Kể ra bà ấy cũng dễ thương đó chứ”.

Sự việc qua lại như vậy được một tháng thì hai người trở nên quý mến nhau như hai người bạn. Nàng dâu quên hẳn việc bỏ thuốc độc vào thức ăn của mẹ chồng. Rồi một hôm, nàng bỗng nhớ lại và giật mình lo ngại vì ý thức mình đã bỏ khá nhiều thuốc độc vào mỗi bữa ăn của bà.

Thế rồi nàng hối hả tìm đến vị lang y và nói: “Trời ơi! Tôi đã lầm lẫn. Mẹ chồng của tôi thật ra là người dễ thương. Đáng lẽ tôi không nên cho bà uống thuốc độc. Ông có cách nào giúp tôi không? Ông có thuốc giải độc không?”

Vị lang y ngồi yên lắng nghe nàng bày tỏ xong, ông nói: “Rất tiếc tôi không thể giúp cô, vì tôi không có thuốc giải độc”.
Nghe nói như vậy, nàng quá thất vọng, bật khóc và đòi tự sát.

“Tại sao cô lại muốn tự sát?”, vị lang y hỏi.

Nàng đáp: “Bởi vì tôi đã bỏ thuốc độc ám hại một người quá tốt và dễ thương. Tôi đã làm một việc ác độc nên tôi phải tự sát để chuộc tội”.

Vị lang y ngồi yên lặng chốc lát rồi phá lên cười.

Nàng ngạc nhiên hỏi: “Làm sao ông có thể cười trước một sự việc đau lòng như vậy?”

“Tôi cười vì sự thật không có gì phải lo ngại”, vị lang y nói, “không có thuốc giải độc bởi vì tôi chưa từng đưa cho cô thuốc độc. Gói thuốc mà tôi đưa cho cô lúc trước chỉ là một loại thuốc bổ tầm thường”.

Nàng dâu vỡ lẽ ra là vị lang y đã khéo dùng phương tiện chữa cho cô và mẹ chồng khỏi bệnh “thù ghét nhau”. Nàng cảm động cúi đầu cám ơn ra về, lòng nhẹ nhõm.

Căn bệnh thù thét giữa mẹ chồng nàng dâu hầu như xảy ra thường xuyên, nhất là ở Á Đông, khi nàng dâu phải về chung sống với gia đình chồng. Trên phương diện tâm lý, đó là chuyện bình thường, bởi vì cả hai người đàn bà đều tranh nhau một người đàn ông nên xem nhau như thù địch và từ đó có những ý nghĩ xấu về nhau. Do nghĩ xấu về nhau nên không ưa nhau. Do không ưa nhau nên đưa đến hành động, cử chỉ không hòa ái. Do cư xử bất hòa, khiếm nhã nên càng ghét nhau và củng cố thành kiến xấu ban đầu về nhau, và cứ thế sự ghét nhau càng leo thang. Đây là tiến trình “Ý, Tình, Thân” , tức là ý nghĩ đưa đến tình cảm, tình cảm dẫn đến hành động.

Nếu vị lang y bảo nàng dâu đừng nghĩ xấu hay đừng ghét mẹ chồng nữa thì chắc chắn là cô không nghe. Nay ông ta khéo léo dụ cô nàng thay đổi thái độ cư xử với mẹ chồng. Đó tức là cô sửa hành động (Thân), nhờ cô tu sửa Thân, nên mẹ chồng đổi thái độ. Nhờ cả hai đổi thái độ, thì Ý được thay đổi, tức là không nghĩ xấu về nhau nữa. Nhờ Ý thay đổi nên Tình cũng thay đổi, tức là chuyển thù thành bạn.

(Trích “Dòng Đời Vô Tận”)
Hòa thượng Thích Trí Siêu

×