Thuở xưa bên Trung Hoa, thời chiến quốc, giữa hai nước Sở và Tề có một con sông ngăn đôi biên giới. Dân chúng ở hai bên sông cùng trồng dưa giống nhau, nhưng không hiểu sao dưa của dân Tề thì tươi tốt, ngon ngọt, còn dưa của dân Sở èo ọt, không ngon, mặc dù cả hai cùng lấy nước sông tưới dưa. Thấy thế người dân Sở ganh ghét, ban đêm cho người lén qua sông chặt phá dưa của dân Tề. Dân Tề tức giận muốn qua đánh nhưng ngại quân Sở hùng mạnh, không khéo từ một chuyện nhỏ có thể đưa tới chiến tranh lớn. May sao trong làng của dân Tề có người thông minh hiến kế sai người ban đêm lội qua sông tưới nước phân cho dưa của dân Sở, nhờ đó dưa Sở lớn mạnh nên dân Sở không thèm dòm ngó tới dưa Tề nữa.
Cũng vậy, khi chúng ta bị người khác ganh tức, thù oán vì họ thấy mình hơn họ, người khôn thì không nên ra mặt kiêu ngạo, phách lối mà nên hạ mình nhún nhường, tìm cách giúp cho kẻ thù, oan gia của mình được vui vẻ bình an thì họ sẽ không kiếm chuyện gây sự và não hại mình.
(Trích “Dòng Đời Vô Tận”)
Hòa thượng Thích Trí Siêu