Nguyên nhân khổ đau 2
“Muốn sự vật phải theo ý mình” là nguyên nhân gây ra đau khổ khi giao tiếp, đối xử với người xung quanh. Nhưng còn một nguyên nhân khác cũng gây ra đau khổ khi ở một mình và không tiếp xúc với ai, đó là tưởng.
Tưởng là một trong năm uẩn, tức là năm phần tử cấu tạo nên con người. Tưởng cũng là một trong 51 tâm sở nên còn gọi là tâm sở tưởng hay tâm tưởng. Ở đây tôi không đi sâu vào giáo lý Duy Thức mà chỉ đơn giản nêu lên tác dụng của cái tưởng.
Tưởng có ba loại:
- Quá khứ
- Hiện tại
- Tương lai.
Khi tâm nhớ đến những chuyện đã qua thì gọi là tâm tưởng quá khứ, hay hồi tưởng. Đa số chúng ta thường hay bị loại tâm tưởng này làm khổ nhiều nhất. Tuần trước, tháng trước hay năm trước có ai đó nói nặng hay mắng chửi mình thì lâu lâu ngồi yên, những lời nói, hình ảnh này cứ trào ra, hiện lên trong đầu và khơi dậy bao nhiêu buồn tủi, tức giận, và ta để cho những hình ảnh này tiếp tục dẫn ta chìm đắm trong khổ đau phiền não, không cách nào thoát ra. Khổ thay, bình thường những chuyện vui thì mau quên mà chuyện buồn thì nhớ hoài. Tâm tưởng quá khứ thường làm cho người ta buồn giận, trách móc, thù dai.
Khi tâm nghĩ đến tương lai, vẽ vời ra đủ loại mơ ước, mong đợi thì gọi là tâm tưởng tương lai, hay tưởng tượng. Thí dụ gia đình hạnh phúc mà tưởng tượng một ngày nào đó người chồng hay vợ sẽ bỏ mình, hoặc bị tai nạn chết sớm thì tự nhiên đâm ra lo âu, sợ hãi. Tâm tưởng tương lai thường làm cho người ta lo sợ.
Để cho dễ nhớ, bạn đọc có thể so sánh tưởng quá khứ giống như một người thợ quay phim, chuyên môn thu hình và âm thanh những cảnh đã xảy ra, rồi lâu lâu đem ra chiếu lại cho bạn xem. Còn tưởng tương lai giống như người chiếu phim giả tưởng mà bạn đóng một vai trong đó.
Cả hai loại tưởng trên đều gây ra khổ đau, nên trong kinh “Nhất dạ hiền giả”, đức Phật mới dạy chúng ta đừng tìm về quá khứ, đừng tưởng đến tương lai, quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa đến, và hãy an trú trong hiện tại.
Tưởng quá khứ và tưởng tương lai đều là loại tưởng sai lầm, vậy thì tưởng hiện tại có tốt hơn không?
Chữ tưởng, tiếng Pali là sanna, Sanskrit là samjna, có nghĩa là tri giác (perception) tức là sự ghi nhận và nhận biết của các giác quan. Tưởng hiện tại chính là sự ghi nhận sự vật đang xảy ra trong hiện tại. Sự ghi nhận này có thể đúng mà cũng có thể sai. Do đó cái tưởng hiện tại cũng có đúng và sai. Thí dụ khi nghe người kia la hét chửi mình mà ta ghi nhận là người kia chửi mình, đây có thể được xem là tưởng đúng. Nhưng cũng có khi người kia vì lãng tai nên ăn nói lớn tiếng mà ta tưởng là họ mắng chửi hay giận dữ với ta thì đây là tưởng sai. Vì thế nhiều khi tâm an trú trong hiện tại nhưng do tưởng sai lầm nên vẫn sinh ra khổ đau như thường.
Muốn thoát khỏi khổ đau do tưởng gây ra thì có một phương pháp, đó là tập ghi nhận sự vật đúng như thật, còn gọi là ghi nhận sự vật như nó là (yathabutam). Thí dụ khi nghe người kia la hét thì ghi nhận là người kia đang la hét thay vì ghi nhận người kia chửi mình. Khi nghe người kia ăn nói nhỏ nhẹ thì ghi nhận là họ ăn nói nhỏ nhẹ thay vì ghi nhận là họ dễ thương với mình.
Làm sao biết được ghi nhận kiểu nào là đúng? Khi ghi nhận hiện tại mà tâm bình thản, không khởi lên ưa ghét, buồn giận, ganh tị thì đó là dấu hiệu tốt. Còn khi ghi nhận hiện tại mà tâm khởi lên ưa ghét, buồn giận, nghi kỵ thì đó là dấu hiệu xấu, cho biết tâm tưởng hiện tại đã bị méo mó vì khoác lên những thành kiến. Giống như đeo mắt kính màu mà nhìn sự vật. Khi có vọng tưởng thì tức khắc vọng tình, cảm xúc ưa ghét, vui buồn, lo sợ sẽ theo sau.
(Trích “Dòng Đời Vô Tận”)
Hòa thượng Thích Trí Siêu