Tâm như máy vi tính

02/02/2024 616 lượt xem

Khi chúng ta mua một máy vi tính mới, nó thường được cài gắn sẵn những chương trình (program) như Windows XP, Vista, hoặc Windows 7 và một số các nhu liệu (software) như Microsoft Office, Windows Media Player, Internet Explorer, Norton Antivirus, v.v… Những nhu liệu hay program này có cái rất cần thiết, có những cái không cần thiết và có cái chẳng bao giờ chúng ta có dịp xài đến. Sau khi mua về, từ từ chúng ta cài đặt thêm nhiều chương trình mới, những trò chơi mới, và cộng thêm những dữ kiện (data) như bài vở, phim ảnh, điện thư (email) ngày càng chồng chất trong ổ đĩa cứng. Và như thế máy của ta ngày càng chạy chậm đi và nhiều khi còn bị tấn công bởi tin tặc (hacker) và virus. Nếu không biết dọn dẹp, gỡ bỏ những chương trình không cần thiết thì máy sẽ chạy chậm lại. Nếu không biết đề phòng ngăn chặn tin tặc và virus thì máy sẽ bị hư hỏng hoàn toàn.

Tâm của chúng ta cũng tương tự như một máy vi tính. A lại da thức (hay tàng thức) có thể ví như ổ đĩa cứng (hard drive), chứa đựng tất cả kinh nghiệm sống. Ý thức có khả năng phân biệt, tính toán, nhận xét, có thể ví như bộ xử lý trung tâm (CPU ). Mạt na thức, còn gọi là Truyền tống thức, làm phận sự đưa tin ra vào giữa A lại da thức và Ý thức, có thể được xem như bộ nhớ truy cập nhanh (cache memory) và truy cập ngẫu nhiên (RAM ). Năm thức của năm giác quan được ví như những cơ cấu thiết bị xung quanh máy vi tính như bàn phím, con chuột, màn ảnh, ổ lái đĩa mềm , ổ lái đĩa cứng … Những chủng tử trong A lại da thức được ví như những chương trình (program, software) và dữ kiện. Khi sinh ra đời, con người ta đã được cài đặt sẵn trong tâm những chương trình như tham, sân, si, mạn, ganh, ích kỷ, lo, buồn, v.v… Những chương trình này có sẵn trong tâm do tích lũy từ nhiều đời trước, kiếp này “máy mới ra lò” là đã có sẵn rồi. Do đó mỗi khi đụng chuyện, tiếp xúc với bên ngoài thì các chương trình này nhảy ra hoạt động một cách tự nhiên, không cần phải ai dạy hay học từ trường nào ra.

Thí dụ khi nghe ai nói xấu hay mắng chửi mình thì “chương trình sân” nhảy ra hoạt động, làm tim đập mạnh, mặt mày đỏ bừng, miệng muốn chửi lại, tay chân ngứa ngáy muốn đánh hay bợp tai người kia, v.v… Khi nghe tin người thân yêu bị tai nạn hay qua đời thì “chương trình buồn” nhảy ra hoạt động, làm nước mắt tuôn trào, khóc lóc thảm thiết, bỏ ăn bỏ ngủ, nhiều khi muốn chết theo, v.v…

Người nào có “chương trình sợ ma” trong tâm, đi tới đâu nghe ai nói có ma, thì chương trình này nhảy ra điều khiển làm chân tay bủn rủn, muốn té xỉu, hoặc bỏ chạy, hốt hoảng, v.v…

Hòa thượng Thanh Từ có nói “tu là chuyển nghiệp”, nhưng ngày nay là thời đại vi tính, điện toán, nên chúng ta có thể nói “tu là sửa chương trình”, sửa program trong tâm.

Có nhiều người rất thích “tu”, thích vào chùa tụng kinh, lạy Phật, sám hối, ngồi thiền, xây chùa, tạo tượng, cúng dường, v.v… và cho đó là “tu”, nhưng họ chẳng có sửa chương trình nào hết, bởi vì họ không biết mình có chương trình (program) nào cần sửa. Do đó những chương trình trong tâm như tham, sân, si, mạn, ganh, ích kỷ, lo, buồn, v.v… vẫn còn y nguyên.

Bề ngoài thấy như “tu” nhiều nhưng bên trong không biết sửa cái gì. Trước khi muốn sửa cái gì thì cần phải biết có cái gì không ổn đã. Muốn vậy thì phải đi nghe giảng, nghe thuyết pháp để đón nhận những tư tưởng mới, những khái niệm tỉnh giác của đức Phật, rồi đem về suy nghĩ, đối chiếu xem có hợp với những chương trình nằm sẵn xưa nay trong tâm mình hay không?

Xưa nay trong máy tâm của mình chỉ có những chương trình chấp ngã, kiêu mạn, ích kỷ, tham lam, giận hờn, ganh tị, v.v… Đi nghe pháp thấy Phật dạy vô ngã, vị tha, từ, bi, hỷ, xả, v.v… đó là những chương trình hoàn toàn đối lập với những chương trình cũ trong tâm mình, và từ đó nhận ra những chương trình cũ này đã làm mình đau khổ. Khi ý thức được như vậy thì phát tâm sửa lại cái máy tâm của mình, loại dần những chương trình cũ và cài gắn những chương trình mới, đó chính là “tu”.

Khi thọ tam quy ngũ giới, đó chính là đưa vào máy tâm một chương trình mới. Ngũ giới (không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu) mới nghe qua thấy đơn giản, không có gì khó, nhưng nhờ có “chương trình ngũ giới” mà tâm của người Phật tử sẽ không dám làm việc ác. Có những người nói “tôi không làm ác thì cần gì phải tu hành thọ giới?” Khi nói như vậy là vì họ tưởng mình không làm ác, nhưng khi cần làm việc ác thì họ sẽ không ngần ngại vì trong tâm không có “chương trình ngũ giới” ngăn cản. Những giới luật của Phật chế ra như năm giới, tám giới (bát quan trai), mười giới (thập thiện) giống như những chương trình chống virus (anti-virus), virus ở đây là những nghiệp ác của thân, khẩu, ý.

Một máy vi tính mới mua về vẫn chạy tốt mà không cần chương trình anti-virus, nhưng xài một thời gian, nhất là chạy vô mạng lưới toàn cầu internet truy cập tin tức hay tài liệu thì trước sau gì cũng bị tin tặc và virus xâm nhập. Một người không có những giới luật tối thiểu căn bản đạo đức, ngăn cấm họ làm điều ác, thì khi gặp chuyện cần họ vẫn có thể làm ác dễ dàng.

Những người cắt cổ gà vịt, làm thịt heo bò, đối với xã hội thì không có gì là ác, nhưng một khi được học đạo, nghe pháp, họ sẽ nhận ra đó là việc ác, trái với lý từ, bi, hỷ, xả, nhân quả của đạo Phật, và nhất là trái với giới “không sát sinh”, nên họ sẽ từ bỏ nghề nghiệp sinh sống thất đức này.

Những cán bộ, quan lớn trong chính phủ, nếu không có giới “không trộm cắp” thì khi gặp dịp hối lộ, ăn chặn, tham nhũng thì sẽ vui vẻ làm ngay, bởi vì trong tâm họ không có một chương trình nào ngăn cản tánh tham lam, cướp của, bóc lột kẻ khác.

Những người đàn ông có vợ, nếu không có giới “không tà dâm” thì khi có dịp gặp một người đẹp quyến rũ, sẽ xiêu lòng dễ dàng, bởi vì trong tâm không có một chương trình nào ngăn chặn việc ngoại tình.

Ngoài những giới luật căn bản, ngăn cản đừng làm việc ác, chúng ta nên phát nguyện làm những việc lành, lập ra những chương trình tu sửa, cải thiện tâm tánh. Thí dụ người có tánh tham lam, tích trữ của cải thì phát nguyện mỗi tháng bố thí cúng dường một số tiền nhỏ nào đó, hoặc giúp đỡ ít nhất một người, hoặc cho bớt đồ đạc không cần dùng trong nhà, v.v…

Người có tánh sân, hay nổi nóng, thì phát nguyện không mắng chửi người khác, hoặc nói lời từ ái, hạ giọng, hoặc không để ý bắt lỗi kẻ khác, v.v…

Nếu nhận ra sự hoạt động của tâm cũng giống như một cái máy vi tính thì bạn hãy tập quan sát ghi nhận xem trong tâm mình có những chương trình (program) xấu nào cần sửa đổi, và tập sửa đổi chương trình đó. Đó chính là Tu, và cũng có nghĩa là Sửa, tu tâm sửa tánh.


Chú giải:
CPU: central processor unit.
RAM: random access memory.
Đĩa mềm: Floppy disk drive.
Đĩa cứng: CD-ROM drive.

(Trích “Dòng Đời Vô Tận”)
Hòa thượng Thích Trí Siêu

×