– Xin đại đức giảng thêm ở chỗ “tâm không động”? Thân động mà tâm không động quả là phi thường! Thế ngài có ví dụ nào cụ thể, dễ hiểu chăng?
– Có chứ! Ví như có một đại cổ thụ, gốc to lớn đến mười người ôm không xuể, tàng lá cành nhánh của nó sum suê, che phủ cả một vùng. Những cơn gió từ hướng đông, tây, nam, bắc thổi đến; cành nhánh lá lay động, có thể cành nhánh gãy, lá rụng, nhưng gốc đại thụ vẫn an nhiên không nhúc nhích. Điều ấy chứng tỏ gì? Chứng tỏ cành nhánh lá lay động nhưng không thể lay động gốc, nếu rễ ken dày, sâu ở trong đất, kiên cố, vững chắc như một thạch trụ! Thân ví cho cành nhánh lá mà tâm có Định ví như gốc cây kia vậy, tâu đại vương!
– Gió dù lớn cũng không lay động, nhưng giả dụ bão lớn thì sao? Có những trận bão lớn không những lay động gốc mà còn bật tung cả gốc rễ? Ví dụ của đại đức không tương hợp, không áp dụng được ở đây rồi!
– Vẫn áp dụng được, vẫn tương hợp được, tâu đại vương! Cái tâm bị bật gốc ví cho những người mà tâm định chưa kiên cố, chưa vững chắc. Cái tâm ấy nếu bị những cơn bão, tức là những đối tượng ngũ trần lôi cuốn, quyến rũ cường liệt, thì nó cũng không thể chịu đựng nổi, bị rung động, rung chuyển hoặc bật gốc ngay! Đấy là cái tâm định từ sơ thiền đến bát thiền, rất kiên cố, nhưng vẫn có thể bị bão lay động. Chỉ có định của bậc A-la-hán mới tự tại, an nhiên và bất động đúng nghĩa. Thân vị ấy có thể bị các cảm thọ đau đớn chi phối, nhưng tâm vị ấy luôn rỗng rang, trạm nhiên, giải thoát.
– Cảm ơn đại đức đã mở mắt lớn cho trẫm.
* * *
(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)