151. Người đã phạm “bất cộng trụ”, xin tu lại, có đắc được đạo quả không?

15/09/2022 251 lượt xem

[*] Bất cộng trụ: Hành dâm, trộm cắp, giết người, khoe pháp bậc cao nhân. Là giới luật tỳ kheo.

– Thưa đại đức! Người đã phạm “Bất cộng trụ”, xin tu lại, nhưng y không biết gì về tội bất cộng trụ, không hay mình phạm tội bất cộng trụ, không có ai nhắc nhở, chỉ bảo đấy là bất cộng trụ. Và chính người xin tu lại ấy không nghĩ rằng mình phạm bất cộng trụ, cứ nghĩ mình tốt, trong sạch; vẫn tinh tấn, kiên trì để hy vọng giác ngộ đạo quả cao siêu. Nhưng người ấy có thể nào chứng đắc đạo quả cao siêu không thưa đại đức?

– Tâu đại vương! Đã phạm và đang phạm bất cộng trụ dẫu vì lý do nào, cũng không thể chứng đắc đạo quả cao siêu! Họ nỗ lực, tinh tấn mấy cũng vô ích mà thôi!

– Đại đức phải giải thích chứ?

– Tâu, vâng. Đạo quả cao siêu là pháp xuất thế gian. Pháp xuất thế gian chỉ phát sanh đến cho những người có giới đức trong sạch, phẩm hạnh thanh khiết. Người mà đã phạm, đang phạm bất cộng trụ thì giới và phẩm hạnh đã bị hoen ố, hư hỏng, pháp xuất thế gian không thể phát sanh đến cho người ấy.

– Đồng ý là thế, nhưng thưa đại đức, vẫn có những trường hợp khác nhau chứ? Người đã phạm mà cố ý phạm, biết rằng mình đã phạm và đang phạm, biết rằng đấy là tội nặng, là giới trọng… thì tâm sẽ ăn năn, ray rứt, nóng nảy. Chính trạng thái ray rứt, ăn năn của tâm làm cho những pháp xuất thế gian cao siêu không phát sanh được, trường hợp này là đúng.

Nhưng có trường hợp khác. Đấy là người phạm mà không cố ý phạm, không biết rằng mình đã phạm, không nghi ngờ mình đã phạm, không thấy biết đó là tội nặng, là giới trọng; vẫn cứ nghĩ mình trong sạch, thanh tịnh, nên tâm họ không ray rứt, ăn năn, không nóng nảy. Những người như thế ấy thì làm sao mà không đắc đạo quả cao siêu được?

– Câu hỏi ấy hay lắm, tuy nhiên, đại vương hãy nghe đây. Có người nông phu lựa chọn giống lúa tốt, gieo trên thửa ruộng tốt thì chắc chắn đám ruộng ấy cho năng xuất cao chứ?

– Thưa vâng.

– Cũng cùng giống lúa ấy mà cho gieo trên đám ruộng xấu thì thế nào?

– Dĩ nhiên là năng xuất sẽ kém hơn.

– Giả dụ, cũng lúa ấy, lại đem gieo trên núi đá thì sao nhỉ ?

– Ai lại làm thế được? Gieo trên núi đá thì làm sao nẩy mầm được?

– Đúng thế, tâu đại vương! đám ruộng tốt ví cho giới trong sạch, thanh tịnh, là nơi sanh trưởng nảy nở của các pháp xuất thế gian, những đạo quả cao siêu. Những đám ruộng vừa ví cho người có giới chưa được hoàn toàn, nhưng có tâm tu, cũng đạt được một vài thành quả lợi ích. Còn núi đá tượng trưng cho đám ruộng không sử dụng được, do vậy, không thể nẩy mầm những pháp cao siêu ở nơi những người có giới hư hỏng, ác nghiệp nặng, phạm giới như bất cộng trụ!

Đức vua Mi-lan-đà lắc đầu:

– Nghe thì rất có lý nhưng vẫn có cái gì đó chưa được tương hợp, thích đáng, chưa được thuyết phục cho lắm. Đại đức có ví dụ nào sít sao hơn thế chăng?

– Có thể được! Ví như đại vương lấy những vật có ít hoặc nhiều trọng lượng như cục đá, khúc cây, miếng gỗ v.v… đại vương quăng lên hư không rồi xem thử chuyện gì xảy ra?

– Chẳng cần xem làm gì! Một hạt cát nhỏ cũng có trọng lượng, có sức nặng, vậy những vật kia sẽ rơi xuống đất thôi!

– Chúng không thể dính vào hư không được sao?

– Không thể, vì chẳng phải nhân chẳng phải quả.

– Vật có trọng lượng không thể dính vào hư không được vì chẳng phải nhân, chẳng phải quả ; cũng vậy, những người phạm bất cộng trụ, tội nặng dĩ nhiên là phải rơi xuống các cảnh giới đau khổ, thấp hèn. Chúng làm sao với tới, bay lên, chứng đạt được các cảnh giới cao siêu, vì nhân quả không thích hợp, không tương ứng, tâu đại vương!

– Hay lắm!

– Lại nữa! Ví như người ta nhen một đống lửa lớn trên một đám đất khô ráo, lửa sẽ cháy sáng rực rỡ phải không, đại vương?

– Đúng vậy!

– Trái lại, kẻ kia muốn có đám lửa sáng rực rỡ như thế, bèn nhen một đống lửa lớn, nhưng lại nhen ở trong nước. Thử hỏi đại vương, người kia có đạt được ý nguyện của mình chăng?

– Thưa, không thể. Đấy chẳng khác gì việc làm của người ngu, y chẳng thấy đâu nhân, đâu quả.

– Đúng vậy, những kẻ muốn có đạo quả cao siêu, trí tuệ chói sáng rực rỡ mà thân tâm bị chìm đắm trong nước bùn đen của dục ái, tham ái, ác giới; mới nhen lên đã tắt ngấm ngay, việc làm ấy quả là si mê, chẳng thấy nhân quả vậy. Nhân đã tắt, đã diệt thì quả làm sao thành?

– Thưa có thể đúng đối với trường hợp người kia biết mình làm ác, biết mình phạm bất cộng trụ, biết thân tâm mình bị chìm đắm trong nước ái dục; còn đối với trường hợp sau, họ làm ác với tâm tự nhiên, chẳng nghĩ rằng đó là giới trọng, bất cộng trụ; họ hoàn toàn chẳng nghi ngờ gì cả, không hề nghĩ đấy là hư hỏng, xấu xa, giới phạm; tâm họ trong sáng, hồn nhiên, chẳng ăn năn, ray rứt, nóng nảy gì cả. Trường hợp ấy thì sao họ không thể chứng đạt đạo quả cao siêu, nếu họ cố gắng kiên trì tu tập?

– Đại vương! Một người ăn phải thuốc độc, nhưng họ không biết đấy là thuốc độc, không nghi ngờ đấy là thuốc độc, thì người ấy có bị ngộ độc mà chết không?

– Đã là thuốc độc thì biết hay không biết cũng chết thôi!

– Một người bị rắn độc cắn nhưng y không biết đấy là rắn độc, không nghi đấy là rắn dộc, thì kết quả thế nào, tâu đại vương?

– Tất sẽ chết!

– Việc xấu ác, phạm trọng giới bất cộng trụ là những tội nặng, biết hay không biết nó cũng đã ngấm vào tâm rồi, như thuốc độc đã ngấm vào cơ thể vậy. Biết hay không biết, thuốc độc cũng mang hậu quả chết người. Cũng vậy, biết hay không biết, nhưng xấu ác, trọng giới, tội nặng – tất phải chịu trả quả đau khổ thôi. Chỗ tội báo nặng nề ấy không thể là vùng đất thanh cao, khô ráo cho các pháp xuất thế gian nảy sinh, đại vương nên hiểu cho như vậy.

– Thưa, vâng.

– Lại nữa, ví như đức Chuyển luân Thánh vương Kàlinga có con bảo tượng cao quý, nó di chuyển vô ngại giữa hư không. Hôm kia, đức Chuyển luân Thánh vương khởi ý chu du thiên hạ trên bảo tượng của mình. Con bảo tượng sau khi bay qua nhiều quốc độ, bay qua núi non, sông suối, rừng rậm, thị trấn, làng mạc; đến một con sông nhỏ, chợt khựng lại, không thể lướt qua được. Xuống ngựa, đức Chuyển luân Thánh vương quan sát, xem phương hướng, vị trí, xác định điểm dừng, thì thấy một cây đại thụ Bồ đề to lớn: chỗ ngồi thành đạo của Đức Phật! Chính cây Bồ đề này toát ra một năng lực siêu nhiên, dù bảo tượng có nhiều thần lực cũng không thể vượt qua, lướt trên đầu cây Bồ đề ấy. Thí dụ này như thế nào thì đại vương cũng nên hiểu câu hỏi của đại vương theo nghĩa ấy. Biết hay không biết cũng không thể chứng ngộ đạo pháp cao siêu do giới hạn của trọng tội, ác giới, phạm bất cộng trụ!

– Những ví dụ thiện xảo của đại đức mở mang rất nhiều cho trí óc của trẫm.

* * *

(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)

×