169. Chết đúng thời và chết không đúng thời

04/10/2022 264 lượt xem

– Thưa đại đức! Sinh ra trên đời ai cũng phải chết. Nhưng có người lại chết trẻ, có người lại chết già, tại sao như thế?

– Tâu, vì có người chết đúng thời và có người chết không đúng thời!

– Xin đại đức giảng cho.

– Vâng, ví như xoài ra hoa rồi kết trái. Đúng lý ra, đúng thời, đúng tiết, đúng độ thì xoài chín vàng mới rụng. Nhưng đại vương không từng thấy có trái đang non đã rụng, trái còn xanh đã rụng, trái mới hườm hườm đã rụng, hay sao?

– Trẫm có thấy.

– Xoài rụng khi chưa đúng thời có nhiều lý do khác nhau. Có trái do sâu đục, trái do chim mổ, trái do gió thổi mạnh. Gẫm con người sinh ra ở đời cũng như thế nào có khác gì?

– Ý đại đức muốn nói đến các sự chết, nhiều cách chết của con người khi chưa đến tuổi thọ phải không?

– Đúng thế. Con người sống cho đến già, có bệnh, bệnh nhẹ hoặc vô bệnh mà chết, ấy gọi là chết đúng thời. Còn những người do hành trình của nghiệp, tác động của nghiệp, do phản ứng đoạn lìa của nghiệp – mà chết khi chưa hết tuổi thọ – đều gọi là chết phi thời, tâu đại vương!

– Điều ấy nghe thì có lý – nhưng lấy đâu làm mốc, làm căn cứ để biết tuổi thọ của mỗi người là bao nhiêu? Giả dụ đứa bé đang còn trong bụng mẹ mà chết, có thể nói rằng, tuổi thọ của nó chỉ chừng đó thì sao? Tương tự thế, năm tuổi, mười tuổi, hai mươi tuổi mà chết – thì phải được hiểu tuổi thọ ngang chừng đó, nên gọi là chết đúng thời, không được sao? Suy từ luận cứ đó, tất cả mọi người chết ở độ tuổi nào cũng đúng thời cả, chứ không thể có cái gọi là chết phi thời, thưa đại đức!

Đại đức Na tiên mỉm cười:

– Đại vương, những người mà năm tuổi, mười tuổi, hai mươi tuổi… chết… là những người chết thọ nhỉ?

– Không, họ chết yểu!

– Thế những người tám mươi, chín mươi mới chết thì gọi là chết sao nhỉ?

– Gọi là chết thọ!

– Thế là đại vương đã tự xác nhận cái mốc “chết thọ” của đời người là bảy mươi, tám mươi, chín mươi v.v… Vậy chúng ta có thể hiểu rằng, chết đúng thời là chết thọ. Còn tất cả những ai chưa đến tuổi thọ, chết đang còn thanh niên, còn ấu thơ, chết bằng cách này hay cách khác – thì đều gọi là chết phi thời cả, tâu đại vương!

Đức vua Mi-lan-đà cười:

– Không sai được. Thế đại đức có thể tóm lược cho nghe có bao nhiêu cách chết phi thời ấy, ví như trái xoài rụng do sâu đục, do chim mổ, do gió thổi?

Đại đức Na tiên lắc đầu:

– Nhiều lắm, tâu đại vương! Thật là không thể kể hết tất cả những cách, những kiểu, những trường hợp chết vào loại phi thời này. Nó thiên hình vạn trạng. Tuy nhiên, hằng trăm hằng ngàn cách chết phi thời – đều có thể quy về một chữ, đó là nghiệp. Do nhân quả, báo ứng của Nghiệp mà tạo nên phi thời tử, tâu đại vương!

– Vâng, thế đại đức có thể kể cho nghe một số trường hợp tượng trưng được chăng?

– Tâu, có thể được! Bần tăng xin nêu ra đây một số cách chết không đúng thời:

  • Chết do đói,
  • Chết do khát,
  • Chết do rắn cắn,
  • Chết bởi độc dược,
  • Chết cháy,
  • Chết nước,
  • Chết bởi khí giới v.v…

Ở đây đa phần là nghiệp dữ, nghiệp nặng…! Ngoai trừ chết đói, chết khát xẩy ra từ từ, còn năm cách chết sau, đều là chết dữ tợn, chết có đổ máu, chết bị hành thân hoại thể, chết tức khắc – nên người đời thường gọi là chết bất đắc kỳ tử đó, tâu đại vương!

– Vâng, cũng đều là nghiệp nhưng do tội báo quá nặng, phải chăng? Đại đức trình bày đại lược cho nghe một vài ví dụ liên hệ về nhân và quả của các cách chết ấy?

– Tâu vâng! Kiếp này có người chưa đến tuổi thọ mà chết, do đói, nguyên nhân là bởi một quá khứ lâu xa đã bắt bỏ đói một chúng sanh nào đó, hoặc do cướp giật thực phẩm, hoặc do phá hoại mùa màng, nương rẫy của kẻ khác, hoặc do thù oán mà đốt lương thực, thực phẩm v.v… – Do nhân như vậy nên người kia đã bị chết đói nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm trong bốn đường ác. Nghiệp còn dư sót, tuy được sanh làm người nhưng quả báo vẫn còn chạy theo! Nếu quả nghiệp theo kịp lúc thiếu niên thì bị chết đói lúc thiếu niên. Quả nghiệp theo kịp lúc trung niên thì bị chết đói lúc trung niên. Nhân quả vận hành một cách chính xác, không thiên vị, thiên lệch bao giờ!

Tương tự như thế, do nhân từng làm cho chúng sanh bị chết, chết do độc dược, do đốt cháy, do dìm nước, do đâm chém giết hại v.v… nên sau khi bị quả báo đau khổ trong bốn ác đạo, sanh làm người, vẫn bị trả quả báo dữ, bị đoạn lìa sanh mạng khi chưa đến tuổi thọ!

Phi thời tử là vậy, tâu đại vương!

– Chung quy là do nghiệp ác nặng, trẫm đã hiểu. Nhưng nếu chết do bệnh thì sao? Có người bệnh lương ương cả đời không chết? Có người bạo bệnh chết. Có người bệnh nặng, chạy thầy chạy thuốc hết cả gia sản mới lành. Có người bệnh sơ sơ, dưỡng vài ngày là khỏi. Tất cả những bệnh ấy, chết và không chết có phải là do nghiệp không?

– Có cái do nghiệp, có cái không do nghiệp. Tâu đại vương!

– Tại sao?

– Tâu, nghiệp phải được hiểu là do hành động đã làm, đã tạo tác từ kiếp trước gọi là nghiệp nhân, kiếp này bị trả quả gọi là nghiệp quả. Định luật báo ứng nhân quả ấy gọi là nghiệp. Vậy những người chết do nhân quá khứ đã làm gọi là chết bởi nghiệp. Ngoài ra, còn có rất nhiều trường hợp do tạo nhân từ kiếp này mà chết – nên không được gọi là bởi nghiệp, tâu đại vương!

– Xin đại đức cho thí dụ.

– Vâng, ví dụ như có một người không biết giữ gìn cơ thể đối với thời tiết bất thường xảy ra ở xung quanh. Đại loại như trời nóng quá, trời lạnh quá, gió nhiều quá; hay nói cách khác, phong đại, thủy đại, hỏa đại… ở bên ngoài thịnh quá, tác động vào tứ đại của con người mà sinh bệnh… Cái ấy không bởi nghiệp quá khứ mà do nhân hiện tại, tâu đại vương!

– À, trẫm hiểu rồi.

– Ví dụ như có người làm việc quá độ, do thức ngủ quá độ, do lười biếng quá độ… làm cho tứ oai nghi: đi, đứng, ngồi, nằm… không điều hòa, mà sinh bệnh; ấy cũng là do nhân hiện tại, tâu đại vương!

– Vâng!

– Ví dụ có người ăn uống bất thường, hoặc dùng thứ này nhiều, thứ kia không có, hoặc quá ít mà sinh bệnh tiêu chảy, táo bón, ung thư – hoặc mật nhiều, đàm nhiều, hoặc thiếu máu hoặc dư máu… đều là bệnh mà mình tự tạo trong kiếp này – nên không thể gọi là nghiệp, tâu đại vương!

Cơ thể con người sinh bệnh còn do nguồn nước uống, không khí để thở, các định luật tự nhiên xung quanh tác động, ảnh hưởng nữa; đều là nhân của kiếp này cả, tâu đại vương!

– Thế là quá rõ. Đối với những bệnh không chết thì không nói. Còn tất cả bệnh mà chết, dù nhân quá khứ hay nhân hiện tại cũng đều gọi là phi thời tử cả sao?

– Đúng thế. Đúng tuổi thọ mới chết gọi là đúng thời, chưa đến tuổi thọ mà chết, do nhân thế nào đều gọi là chết không đúng thời cả!

– Những điều này có ví dụ cụ thể không nhỉ? Đại đức!

– Có chứ. Ví như đốt một đống củi khô, bổi khô, lá khô… Khi lửa cháy hết đống củi khô, bổi khô, lá khô ấy, lửa tự động tắt – ấy gọi là lửa tắt đúng thời, tâu đại vương!

– Đây chỉ cho trường hợp những người sống hết tuổi thọ của mình mới chết, là chết đúng thời!

– Vâng. Còn đống củi khô, bổi khô, lá khô ấy… đang cháy nửa chừng, bị một trận mưa ập xuống làm tắt lửa; ấy gọi là lửa tắt không đúng thời, tâu đại vương!

– Đây chỉ trường hợp những người bị nghiệp nặng hay bệnh nặng đến phải chết khi họ sống chưa hết tuổi thọ của mình, gọi là phi thời tử đây?

– Đúng vậy.

– Nghiệp nặng hoặc bệnh nặng giống như mưa đổ ập xuống làm tắt lửa, dứt sanh mạng; còn trường hợp mưa ấy bị gió thổi tan đi, hoặc mưa sơ sơ không đủ tắt lửa thì sao, đại đức?

– Những người sống hết tuổi thọ mà vô bệnh hoặc bệnh nhẹ thì như trời quang mây tạnh, không có mưa! Những người cũng sống hết tuổi thọ nhưng bệnh nặng rồi lành, hoặc bệnh liên miên – như trời có mưa, nhưng gió thổi tan mưa đi, hoặc có mưa nhỏ không đủ tắt lửa. Những người nghiệp nhẹ hoặc có bệnh nhưng không chấm dứt tuổi thọ đều y như thế!

– Vâng!

– Những người bị rắn cắn, chất độc mạnh, bị hành thân xác, nhưng thầy rắn chữa lành, không đoạn mạng sống được, cũng y như thế.

– Vâng!

– Ví như tên lìa khỏi giây cung, không bị chướng ngại cản trở sẽ đến được mục tiêu, nếu bị chướng ngại cản trở sẽ không đến được mục tiêu. Mũi tên đến được mục tiêu là đúng thời, mũi tên bị cản trở, rớt giữa chừng, gọi là phi thời, tâu đại vương!

– Nghe rõ!

– Ví như một người đánh trống đồng, âm vang đi rất xa – là đúng thời; nhưng vừa đánh lên, có kẻ đưa hai tay bịt mặt trống, ngăn lại, âm thanh ngưng dứt, không vang đi được – ấy gọi là không đúng thời, tâu đại vương!

– Trẫm đã hiểu rồi!

– Những người không bị nghiệp nặng đoạn lìa sanh mạng, nhưg bị bệnh do thời tiết tác động, do ăn quá độ, do làm việc quá độ, do ảnh hưởng nước và không khí ở xung quanh… thuốc thang không chữa được…đều phải được hiểu là phi thời tử y như thế, không khác.

– Vâng!

– Lúa cấy trong đám ruộng mưa thuận gió hòa, chăm sóc chu đáo, đến mùa gặt hái được dồi dào lương thực. Nhưng nếu đám ruộng ấy bị trời nắng hạn, thiếu nước, thiếu phân, chắc hẳn lúa sẽ khô chết hoặc thâu hái chẳng được bao nhiêu hạt, phải thế không đại vương.

– Vâng.

– Lúa khô chết ấy là đúng thời hay phi thời?

– Tất là phi thời!

– Nếu do hạn hán mà chết, do sâu đục thân, do chuột cắn nát, do châu chấu tàn hại… thì có phi thời chăng?

– Dĩ nhiên là phi thời.

– Đám ruộng phân nước đầy đủ, sâu không ăn, chuột không phá, châu chấu không làm hại, nhưng nếu bị một trận mưa đá dập xuống thì sao?

– Cũng tiêu luôn. Cũng là phi thời!

– Nói tóm lại, những ai vô bệnh, thiểu bệnh, bệnh nặng mà chữa lành; nghiệp nặng mà do phước bảo trợ được vượt qua, nhiều tai nạn nhưng may mắn thoát chết – sống hết tuổi thọ của mình mới lìa đời – gọi là hợp thời tử! Những ai bị bắt đắc kỳ tử, bị ác nghiệp quá khứ còn dư sót, bị nhân quá khứ hoặc nhân hiện tại tác động mà sinh bệnh, đoạn lìa mạng sống khi còn non trẻ, trung niên v.v… Tất cả đều được gọi là phi thời tử, tâu đại vương!

Đức vua Mi-lan-đà tán thán:

– Thật thiện xảo, phong phú thay là những ví dụ của đại đức; sự giải đáp nhiều mặt của đại đức, trên thế gian này, ai mà không hiểu được, quả là cô phụ tấm lòng của bậc đại trí vậy.

* * *

(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)

×