178. Về con lừa

15/12/2022 190 lượt xem

– Ý nói tập tính như con lừa, là thế nào hả đại đức?

– Tâu, nghĩa là vị tỳ khưu phải tập theo, phải sống theo một điểm, một điều, một chi đặc biệt của con lừa. Con lừa không bao giờ kén chọn chỗ nằm. Nó có thể nằm nơi đống rác, nơi ngã tư đường, nơi pháp trường, nơi cửa nhà hoặc nơi đống trấu, hay bất kỳ đâu cũng được cả. Nhưng lừa thường không nằm lâu quá, nằm nhiều quá, nó đứng dậy rồi đi sang chỗ khác. Vị tỳ khưu sống đời tri túc, không dính mắc chỗ ở, đừng quan trọng hóa cái thân, không ở lâu một nơi, ngủ nghỉ chút ít cũng y như thế. Nằm trên lớp cỏ, nằm trên cây trải ra, trên giường ghế hoặc trên đống lá… Nghĩa là ở đâu cũng được, ở đâu cũng vô ngại. Điều quan trọng là đừng ngủ nghỉ quá lâu, quá nhiều, thường thức tỉnh để đi kinh hành, thiền tọa hoặc dời sang trú xứ khác.

Đức Phật có dạy rằng: “Nay các thầy! Các thầy hãy coi thân này như khúc cây, như khúc củi, để ở đâu cũng đặng, đặt ở đâu cũng được, nằm ở đâu cũng xong; nhưng các thầy phải cố gắng tu tập chỉ tịnh, quán minh. Ấy mới thật là chỗ nằm, chỗ nghỉ của các thầy đấy”.

Đức Pháp chủ Xá-lợi-phất cũng dạy, là các vị tỳ khưu ở đâu cũng phải tọa thiền, phải biết xa lìa niềm vui hời hợt, phù phiếm; phải biết quên cái thân đi vì hạnh phúc tối thượng là Niết bàn.

Tâu đại vương! Một điểm, một điều, một chi của con lừa là như thế ấy!

– Thưa, vâng.

* * *

(Trích “Mi Tiên Vấn Ðáp” – “Milinda Panha” )
Dịch giả: Hòa thượng Giới Nghiêm (Maha Thera Thita Silo)

 

×