Bài 03: Pháp thoại đầu

30/10/2021 3.844 lượt xem

Tịch diệt

Chúng ta đọc lại những câu kệ:

Chư hạnh vô thường
Thị sinh diệt pháp
Sinh diệt diệt dĩ
Tịch diệt vi lạc

Các hiện tượng đều là vô thường, đều là những hiện tượng có sinh và có diệt. Khi cả sinh và diệt đều được diệt hết, thì trạng thái tịch diệt đó là niềm an lạc chân thật. Trong thế giới có sinh diệt, trong hiện tượng giới, thế giới của tích môn, sinh là một niềm vui, diệt tạo ra khổ đau.

Nhưng trên quan điểm chân đế, khi cả sinh và diệt đều biến mất thì cảnh tịch diệt này mới là niềm vui đích thực. Chữ diệt trong cặp đôi sinh diệt chắc chắn không cùng nghĩa với chữ diệt trong tịch diệt. Cái diệt của chân đế vượt ra ngoài cả sinh lẫn diệt, khác cái diệt trong phạm vi tục đế. Nên chữ diệt ở trong chân đế không cùng một nghĩa như chữ diệt trong tục đế. Trong phạm vi chân đế, đôi khi ta không thể dùng ngôn ngữ thông thường. Điều này rất quan trọng, chúng ta phải thấy rõ.

Tâm Kinh Bát Nhã nói không khổ, tập, diệt, đạo. Kinh Tam Chuyển Pháp Luân nói có khổ, tập, diệt, đạo. Tâm Kinh nói ngược lại điều Kinh Tam Chuyển Pháp Luân nói vì Tâm Kinh đứng trên bình diện chân đế mà nói. Như vậy Tâm Kinh không đối nghịch với Kinh Tam Chuyển Pháp Luân. Kinh Tam Chuyển Pháp Luân nói trong phạm vi tục đế, nhưng khi ta thực tập sâu sắc thì cũng nhìn thấy như Tâm Kinh, là không có khổ, tập, diệt, đạo.
Chúng ta hãy nhớ khổ là một cái tướng, một pháp, mà tất cả các pháp tướng đều có tính vô thường và vô ngã. Hiện tượng khổ không thể có nếu không có hiện tượng tập, không có hiện tượng diệt, hiện tượng đạo. Chúng ta biết rằng cái khổ nói tới trong đạo Bụt hàm chứa tập, diệt và đạo. Nếu không có tập, diệt và đạo thì khổ cũng không có. Cho nên Tâm Kinh đã nói cái khổ tự nó không có, nghĩa là không có cái khổ như là một thực tại độc lập với diệt, với tập và với đạo.
Chúng ta hãy nhìn bông hoa. Bông hoa này không thể có mặt nếu không có ánh sáng mặt trời, đám mây, cơn mưa và trái đất. Mặt trời, đám mây, trái đất và tâm thức của chúng ta đều có trong bông hoa này. Bông hoa riêng biệt, độc lập, chính nó không thể có, nên nói là không. Khi nói không khổ, tập, diệt, đạo là Tâm Kinh nói trên bình diện chân đế.

Nếu chúng ta thực tập sâu sắc bài học trong tục đế thì tự nhiên sự thật trong chân đế hiện ra. Nếu thực tập sâu sắc tam chuyển và thập nhị tướng của Tứ Diệu Đế thì ta cũng thấy được sự thật nói trong Kinh Bát Nhã: không khổ, tập, diệt, đạo, không trí cũng không đắc vì không có sở đắc.

Đã nhìn rõ về chữ khổ như vậy, thì hiểu diệt cũng như vậy. Đứng trên bình diện chân đế thì cái diệt trong tịch diệt không phải chỉ là sự vắng mặt của cái khổ tương đối mà cũng là sự vắng mặt cả cái vui tương đối. Thực tập sâu xa thì cái diệt nói trong Tứ Diệu Đế là cái diệt vượt thoát ra cả khổ và không khổ. Diệt đó là tịch diệt, không phải chữ diệt đối lại với chữ sinh trong câu thứ hai, mà là sự vắng mặt của cả hai cái sinh và diệt. Tịch diệt vi lạc là chân đế.

Khi học Tứ Diệu Đế và giảng giải Tứ Diệu Đế, chúng ta có thể bắt đầu bằng tục đế. Rồi trong quá trình tu học và giải bày, chúng ta từ từ đi sang phạm vi chân đế. Mà chân đế với tục đế tiếp nối với nhau, chứ không phải trái ngược nhau. Nếu ta thấy có chống đối, có mâu thuẫn, là tại vì chúng ta chưa thấy được tính cách nhất quán của tục đế và chân đế.

Học Tứ Diệu Đế mà dùng đạo lý duyên khởi và nhị đế soi sáng thì ta sẽ không đi lầm đường. Đây là phương pháp học mới, dù đã truyền lại từ ngàn xưa, một phương pháp rất cần thiết. Sau này học về Bát Chánh Đạo, Ngũ Căn, Ngũ Lực, Thất Bồ Đề Phần ta cũng sẽ học theo phương pháp đó. Tôi đã học phương pháp này từ những lời Bụt dạy. Kinh Tạp A Hàm S. N. 5, 436, gọi là Gavampati Sutra, kể chuyện một số vị khất sĩ đang nói với nhau rằng: “Người nào thấy được sâu sắc sự thật về khổ thì có thể thấy luôn được sự thật về tập, về diệt, về đạo.” Khi thầy Gavampati nghe như vậy thì thầy xác nhận rằng: “Này các thầy, chính tai tôi nghe đức Thế Tôn nói: ai thấy rõ được cái khổ thì thấy luôn cả tập, cả diệt, cả đạo. Ai thấy rõ được tập thì thấy cả khổ, diệt, và đạo. Ai thấy rõ được đạo thì thấy được khổ, tập, và diệt.”

Kinh đó chứng tỏ rằng duyên khởi là phương pháp ta phải sử dụng trong suốt hành trình học hỏi và tu tập. Nếu người ta hỏi trong đạo Bụt có nói về khổ, nhưng cái ý nghĩa về chữ khổ như thế nào thì quý vị đã biết câu trả lời rồi. Không hiểu ý nghĩa của tập, diệt, đạo, thì không hiểu được ý nghĩa chữ khổ trong đạo Bụt. Đó cũng gọi là phương pháp tương tức.

(Trích “Trái tim của Bụt”)
Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Trang: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12

×