Hôm nay là ngày 13 tháng giêng năm 1994, chúng ta ở tại Xóm Thượng và học tiếp về chánh niệm trong Bát Chánh Đạo. Hôm nay chúng ta đi sang lĩnh vực thứ tư của bốn niệm xứ, là quán niệm về pháp.
Trong Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Bụt dạy chúng ta bốn bài tập dùng hơi thở để quán chiếu về thân, bốn hơi thở khác để quán chiếu về thọ, bốn hơi thở quán chiếu về tâm, và cuối cùng là bốn hơi thở để quán chiếu về các pháp. Nói đến Pháp có người hiểu là giáo pháp của Bụt, tuy không sai nhưng không đúng hẳn. Pháp ở đây là một từ để chỉ tất cả mọi hiện tướng gồm sắc pháp và tâm pháp, cố nhiên có giáo pháp ở trong đó. Pháp ở đây gồm pháp thế gian, pháp xuất thế gian, tất cả các đối tượng của tâm. Chúng ta biết có 51 tâm hành, vậy cũng có 51 loại pháp là đối tượng của các tâm hành.
Thí dụ các tâm hành xúc, tưởng và tác ý. Tác ý tức là chú tâm để ý tới, ví dụ nghe tiếng chim hót, ta nhìn lên, đó là tác ý. Những đối tượng làm cho ta tác ý là pháp. Xúc cũng vậy. Khi con mắt ta tiếp xúc với trời xanh thì con mắt là căn mà trời xanh là trần. Cặn và trần tiếp xúc với nhau phát sinh ra thức, vậy xúc cũng có đối tượng của xúc. Xúc luôn luôn là xúc một cái gì. Tưởng cũng vậy. Tưởng là tri giác. Khi ta nhìn vào đèn, hình ảnh của đèn trong mắt ta là một tri giác, đèn là đối tượng của tri giác. Đối tượng của tưởng thường gọi là tướng. Trong từ Hán Việt, chữ tướng (laksana) viết thêm chữ tâm bên dưới thành chữ tưởng. Chúng ta tạo tác ra các tướng về sự vật ở trong tâm. Núi, sông, trời, biển đều là những tướng, đều là đối tượng của tưởng, và đều thuộc về phạm vi của pháp. Tất cả những gì mà chúng ta nhận thức được trong thế giới đều được gọi là pháp. Chúng ta có những tâm hành như giận, sợ, hay là buồn. Đối tượng của các tâm hành cũng đều gọi là pháp. Tóm lại, pháp là một từ bao hàm tất cả mọi hiện tượng do thân và tâm ta tiếp xúc, kể cả những hiện tượng không phải sinh lý và vật lý, gọi là các pháp Không Tương Ưng, mà ta sẽ nói tới sau.